Nghề giã cào bay hình thành và phát triển trên địa bàn huyện Tuy Phong từ năm 2000 đến nay, chủ yếu tập trung tại xã Hòa Phú. Với đặc điểm trên, tàu thuyền hoạt động nghề giã cào bay khai thác rất đa dạng kể cả các loại cá đáy và cá nổi; đánh bắt đạt năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là vào vụ cá nam.
Tuy nhiên hoạt động nghề giã cào bay ở vùng biển ven bờ gây tác hại đến nguồn lợi thủy sản; khai thác tận diệt các loài cá con, phá vỡ sinh thái đáy biển và các bãi sinh sản ven bờ của các loài thủy sản; làm thiệt hại tài sản của ngư dân làm nghề lưới rê, các nghề khai thác ven bờ ở các địa phương ven biển; đe dọa đến tính mạng, đời sống kinh tế của ngư dân, gây mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột trên biển, tạo nên sự bức xúc. Trong nhiều năm qua, ngư dân đã kiến nghị các ngành, các cấp có biện pháp ngăn chặn hoạt động nghề giã cào bay để cho bà con an tâm sản xuất.
Từ thực trạng trên, UBND tỉnh ban hành các văn bản như Chỉ thị 48/CT-UBND ngày 14/12/2006 về việc cấm giã cào bay hoạt động tại vùng biển Bình Thuận; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2010 về việc tăng cường quản lý nghề giã cào bay tại vùng biển Bình Thuận; Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND ngày 11/11/2015 ban hành Quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng biển Bình Thuận; theo đó Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND huyện Tuy Phong xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với các biện pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức cấp giấy phép và tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nhà nước.
Qua triển khai thực hiện, tình hình hoạt động giã cào bay trên vùng biển Tuy Phong vẫn xảy ra, 7 tháng đầu năm 2016, các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý 20 trường hợp vi phạm.
B. Một số quy định hoạt động nghề giã cào bay
I. Quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển Việt nam của Chính Phủ
Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển Việt nam quy định cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc chung
Quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản nhằm tổ chức khai thác có hiệu quả và đi đôi với việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản trên các vùng biển; bảo đảm tàu cá Việt Nam khai thác thủy sản hợp pháp trong và ngoài vùng biển Việt Nam.
Phân tuyến để chia vùng biển Việt Nam thành các vùng khai thác thủy sản nhằm mục tiêu phân bố hợp lý năng lực khai thác thủy sản trên các vùng biển, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác thủy sản.
2. Phân vùng khai thác thuỷ sản
Vùng biển Việt Nam được phân thành ba vùng khai thác thủy sản theo thứ tự:
- Vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển tại bờ biền và tuyến bờ.
- Vùng lộng: là vùng biển được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng.
- Vùng khơi: là vùng biển được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.
3. Quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam
Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thuỷ sản trong vùng biển Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:
- Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng;
- Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả;
- Tàu lắp máy có công suất máy chính dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả;
- Các tàu làm nghề lưới vây cá nổi nhỏ, nghề khai thác nhuyễn thể không bị giới hạn công suất khi hoạt động khai thác trong vùng biển ven bờ và vùng lộng.
II. Quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng biển tỉnh Bình Thuận
Theo Bản đồ vùng biển Bình Thuận thì vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng khơi của vùng biển Tuy Phong được xác định cụ thể như sau :
-Vùng biển ven bờ: tính từ mép bờ của Cù Lao Cau, Mũi La Gàn, cửa biển Phan Rí Cửa đến tuyến bờ từ 12 hải lý đến 15,5 hải lý
- Vùng lộng: giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng với khoảng cách 32 hải lý
- Vùng khơi : nằm ngoài tuyến lộng
* Như vậy theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 5 của Nghị định 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì tàu thuyền làm nghề lưới kéo có công suất từ 90 CV trở lên không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng; chỉ được phép hoạt động ở tuyến khơi (cách bờ biển 47,5 hải lý trở ra). Những hoạt động không đúng quy định trên xem như vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính.
B. Xử phạt hành chính đối với nghề giã cào bay
Căn cứ Nghị định số 103 /2013/NĐ –CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Theo đó, nghề giã cào bay có công suất lớn trên 150CV/chiếc hoạt động trên vùng biển Tuy Phong vi phạm các nội dung quy định tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể:
1. Vi phạm quy định về bảo vệ các loài thủy sản (Điều 6)
- Tại khoản 2, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm các quy định về thời gian cấm khai thác, vùng cấm, nghề cấm khai thác theo quy định của pháp luật như sau:
d) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa đến dưới 250 sức ngựa;
đ) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa đến dưới 400 sức ngựa;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 sức ngựa trở lên.
2. Vi phạm quy định về giấy phép khai thác thủy sản ( Điều 10)
- Tại khoản 3. Mức phạt đối với hành vi khai thác thủy sản bằng tàu cá thuộc diện phải có giấy phép khai thác thủy sản mà không có giấy phép khai thác thủy sản như sau:
đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa trở lên đến dưới 400 sức ngựa;
e) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 sức ngựa trở lên.
- Tại khoản 5: Mức phạt đối với hành vi hoạt động sai nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản về vùng khai thác như sau:
d) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa trở lên vào khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng biển ven bờ;
đ) Đối với tàu lưới kéo (giã cào) hoạt động sai vùng khai thác theo quy định thì áp dụng mức phạt tiền gấp ba lần mức phạt tiền tối đa của khung hình phạt theo quy định tại Điểm d Khoản 5 Điều này.
- Tại khoản 6, hình thức xử phạt bổ sung:Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm đ Khoản 5 Điều này.
3. Vi phạm quy định về sử dụng ngư cụ, thiết bị, phương pháp khai thác thủy sản:
- Theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) Hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản; tại điểm đ, khoản 1, mục II quy định kích thước mắt lưới nhỏ nhất tại đụt cá của lưới kéo cá như sau :
+ Lưới kéo cá thuyền có công suất dưới 90cv, kích thước mắt lưới 2a nhỏ hơn 28 mm;
+ Lưới kéo cá thuyền có công suất từ 90cv đến dưới 150cv, kích thước mắt lưới 2a nhỏ hơn 34 mm;
+ Lưới kéo cá thuyền có công suất từ 150cv trở lên, kích thước mắt lưới 2a nhỏ hơn 40 mm;
- Tại điểm b, khoản 2: Sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định của pháp luật để khai thác thủy sản phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Tại khoản 5, hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu bộ phận lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định (đụt lưới).
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác trên các vùng biển Tuy Phong, đề nghị các chủ phương tiện đang hoạt động nghề giã cào bay thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đối với ngư dân đánh bắt ven bờ, khi phát hiện giã cào bay trái tuyến nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời./.