Làng Long Hương (thị trấn Liên Hương - Tuy Phong) xưa còn có tên gọi là Sông Lòng Sông, gắn liền với lịch sử di dân, khai hoang lập ấp của người Việt xưa từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Đầu thế kỷ XX, cùng với hệ thống giao thông phát triển, Long Hương dần đô thị hóa và có đủ các phương tiện phục vụ đời sống văn minh lúc bấy giờ, trở thành một điểm dân cư trù phú, điểm thương mại đang thời kỳ thịnh đạt, đồng thời là sở lỵ của chính quyền phong kiến huyện Tuy Phong.
Minh chứng cho thời kỳ thịnh vượng đó là những khu phố cổ hình thành thời Pháp thuộc với lối kiến trúc nửa ta, nửa Tây vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Dọc theo con phố 17/4 dài hơn 500 m là những ngôi nhà cổ có từ năm 1922 nằm san sát nhau, trong đó nổi bật nhất là khu phố xưa nằm đối diện miếu Thanh Minh. Tại đây có 5 ngôi nhà tầng lầu gác rất đẹp mà ngày nay người ta thường gọi là phố 5 căn. Các ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1930 của một người khá giàu có và nổi tiếng, đó là ông Nguyễn Đức Thuận, còn gọi là ông Thông Nhuận. Sở dĩ có tên gọi như thế vì ông Nhuận làm thông dịch viên cho Pháp. Nhìn khu phố cổ, người ta đoán biết rằng xưa kia chắc có một thời sầm uất lắm nên dẫu có dấu ấn của thời gian vẫn không làm phai mờ đi nét cao sang của một nơi phồn vinh đô hội.
Với lối kiến trúc độc đáo, tinh xảo và chắc chắn, những ngôi nhà cổ ở đây vẫn mang đậm nét rêu phong như thách thức với thời gian. Đặc biệt, các vật dụng như tranh, liễn, bàn thờ gia tiên, tủ trà, tràng kỹ, bàn ghế, đi văng…bằng chất liệu gỗ quý xưa, chạm trổ tinh vi vẫn còn nguyên vẹn, tồn tại từ bao đời. Một số ngôi nhà được chủ nhân trùng tu, sửa sang, sơn phết lại, nhưng ai cũng cố gắng lưu giữ, bảo tồn nét kiến trúc cổ thời xưa để lại. Lạ hơn, bên những ngôi nhà cổ là những gốc me già hàng trăm năm tuổi, cao to bằng mấy người ôm, phủ bóng mát trầm mặc xuống dãy phố, làm cho không gian càng trở nên u hoài, trầm mặc.
Khác với nhiều nơi, phố cổ tập trung phần lớn người Long Hương gốc với những gia đình nhiều thế hệ. Những thế hệ nối tiếp nhau sinh ra và lớn lên tại mảnh đất bên con sông Lòng Sông hiền hòa, xinh đẹp. Long Hương thời xưa không rộng lớn như bây giờ, nhưng là vùng đất có long mạch tốt, nên cha ông xưa đã dùng chữ long (rồng). Thời kỳ Pháp thuộc, người dân Liên Hương chủ yếu tập trung sinh sống ở khu vực trung tâm, xung quanh khu vực các con phố hiện nay như 17/4, Võ Thị Sáu, Nguyễn Huệ… Như một phần huy hoàng của phố cổ, những người dân phố cổ sống cùng nhau với tình cảm chân thật, thấm đượm tình người. Đến giờ, những con người này vẫn giữ được thứ tình cảm cao đẹp đó. Bởi vậy, không gia đình nào ở phố cổ dời đi nơi khác để sinh sống vì những ngôi nhà cổ có tuổi đời gần trăm năm - nơi đã chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử cũng như nuôi dưỡng sự trưởng thành không chỉ của họ mà còn của các thế hệ đi trước. Dường như trong guồng quay của cuộc sống hiện đại ngoài kia, vẫn không đánh mất những hoài cổ giản dị, đời thường trong những ngôi nhà cổ. Và, dẫu thời gian có làm phai mờ đi nét đẹp bên ngoài, nhưng vẫn còn đó sự sang trọng, quý phái và rất bề thế một thời.
Đến thăm khu phố cổ 5 căn như tìm lại cảm giác hoài niệm về quá khứ đầy ắp yêu thương và chan chứa tình người, cảm giác bình yên đến lạ giống như đứa trẻ được ngủ say trong vòng tay âu yếm của mẹ. Nét say đắm lãng mạn dường như đã trở thành cái hồn của khu phố cổ, đến đây sẽ bắt gặp nét thời gian in trên những mái ngói âm dương, bức tường vôi rửa, những cụ già tóc bạc phơ đang hoài niệm về một miền ký ức xa xưa và những nụ cười thân thiện…