UBND huyện Tuy Phong đã có văn bản chỉ đạo Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện, Hội Khuyến học huyện, UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn học sinh bỏ học giữa chừng. Trước hết là UBND huyện tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện công tác chống bỏ học, bàn phương hướng sắp tới và đi kiểm tra thực tế một số địa phương để có sự chỉ đạo kịp thời. Ngành giáo dục huyện phải xác định rõ nguyên nhân học sinh đi học không đều, bỏ học giữa chừng để chỉ đạo các trường thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn. Cụ thể là thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn trường, nhất là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm phải làm tốt công tác kiềm chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Song song đó, phát huy việc thực hiện quy chế trách nhiệm và quy trình vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Đồng thời, củng cố Ban chỉ đạo công tác duy trì sĩ số cấp trường, phát huy triệt để năng lực và trách nhiệm của các thành viên. Hiệu trưởng các trường tập trung chỉ đạo giáo viên chuyên trách phổ cập phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm lớp tiến hành rà soát, lập danh sách quản lý các học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng và tìm hiểu, nắm chắc hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, ngăn chặn học sinh nghỉ học, bỏ học.
Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm những học sinh có nguy cơ bỏ học, học sinh yếu kém để hỗ trợ kịp thời và đề ra giải pháp duy trì tốt sĩ số học sinh các lớp chính quy. Hàng tuần giáo viên chủ nhiệm lớp báo cáo danh sách học sinh có nguy cơ bỏ học cho ban giám hiệu nhà trường và đề xuất các giải pháp ngăn chặn cho từng học sinh. Các trường tổng hợp danh sách học sinh có nguy cơ bỏ học theo từng địa bàn thôn, khu phố và báo cáo cho chính quyền địa phương biết để có biện pháp phối hợp ngăn chặn. Giáo viên bộ môn thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản của Bộ Giáo dục- Đào tạo, nhưng đảm bảo tính “vừa sức” phù hợp với từng đối tượng và lấy học sinh yếu, kém, trung bình làm trung tâm. Mặt khác, triển khai kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu, kém và học sinh bỏ học được vận động trở lại trường phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường. Tổ chức hoạt động ngoại khóa tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh để gắn bó với lớp học và phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trường xây dựng chi hội phụ huynh ở từng thôn, khu phố. Không chỉ thế, các xã, thị trấn cần thành lập tổ vận động chống bỏ học giữa chừng và phân công cán bộ, đảng viên phụ trách, quản lý, đỡ đầu 1- 2 học sinh có nguy cơ bỏ học. Mặt trận, các đoàn thể xã, thị trấn tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân, để thực hiện “Tiếp sức đến trường” tặng quà cho học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng, nhằm khuyến khích, động viên kịp thời những học sinh có hoàn cảnh khó khăn…