Huyện đã triển khai các ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất nông – lâm – ngư theo hướng nâng cao năng suất, giá trị và chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Cán bộ khoa học công nghệ đã ứng dụng thành công các công nghệ mới trong sản xuất giống thủy sản (tôm, cá), sản xuất và chế biến muối, tảo; xây dựng mô hình hầm Biogas giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; quan tâm lựa chọn các tiến bộ khoa học và công nghệ, các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư 02 máy cắt lúa, 02 máy tuốt lúa, 02 máy cày làm đất, 01 máy tuốt hạt bắp cho đồng bào dân tộc vùng cao xã Phan Dũng.
Điểm nổi bật nhất là huyện đã từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa. Đến nay, khâu làm đất trên 95% đã được cơ giới hóa; khâu thu hoạch trước đây cắt lúa thủ công nay trên 90% việc thu hoạch lúa đã dùng máy gặt đập liên hợp. Hiện có trên 70% hộ dân sử dụng giống lúa có phẩm cấp xác nhận thay cho lúa thịt vì vậy năng suất lúa trong những năm qua tăng 30% so với các năm trước.
Toàn huyện đã sản xuất lúa giống được 100 ha để cung cấp nhu cầu tại chỗ, có đầu tư máy sấy lúa giống, máy phân ly hạt giống, máy phun thuốc, máy rải phân. Không những thế, huyện cũng đã đưa ứng dụng tưới nước bằng phương pháp phun mưa đối với sản xuất cây màu, nhất là cây đậu phụng trên diện tích đất cát, nhờ vậy đã làm giảm lượng nước, giảm sâu bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả kinh tế cao./.