Năm nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, chính quyền địa phương cùng ban quản lý đền tổ chức nhiều nghi lễ quan trọng mang đậm tính nhân văn như cung nghinh tiền hiền, rước kiệu, dâng hương, cầu an, cầu siêu, Đại tế – Cổ lễ cùng các hoạt động văn hóa, thể thao vào hai ngày mùng 9 và 10/3 âm lịch theo tập tục của người dân địa phương. Trước đó, địa phương đã tổ chức lễ an vị Đất và Nước từ núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) về Đền thờ Hùng Vương ( Phan Rí Cửa). Đây là những lễ vật đặc biệt quý báu, thể hiện tinh thần, cốt cách của người dân đất Tổ vua Hùng.
Sau lễ cúng sơ tế, cổ lễ, cầu an và cầu siêu vào chiều mùng 9, đúng vào sáng mùng 10, trong không khí trang nghiêm của lễ giỗ Tổ, hàng ngàn người dân, học sinh, khách du lịch mang trong mình dòng máu Lạc Hồng từ khắp nơi tụ hội về Phan Rí Cửa hòa trong đoàn rước kiệu lễ cung nghinh tiền hiền. Đoàn rước kiệu trang nghiêm, có cờ lễ, tàn lọng, kèn trống, bàn nghinh và kiệu lễ của các hội, vạn từ các miếu Thanh Tu, Miếu Hải Tân, Vạn Nam Thuận Thanh, Vạn Tả Tân, Vạn Nam Phú thỉnh rước các vị thần, tiền hiền, hậu hiền và các anh hùng liệt sỹ đến ra mắt, bái yết và dâng lễ vật cho các vị Vua Hùng tại đền thờ Hùng Vương. Các thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống màu đỏ mang hương, hoa, lễ vật …
Trong giờ phút thiêng liêng, lãnh đạo huyện đọc diễn văn khai mạc và đánh trống khai hội, Ban Quản lý Đền ôn lại truyền thống cách Vua Hùng, lãnh đạo tỉnh phát biểu và thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, cầu cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước ngày càng vững mạnh, hùng cường. Phần lễ trang trọng, phần hội hấp dẫn, Đội học trò lễ hành lễ, đội thị tập, tung cổ đánh trống, chuông, Chánh lễ Đền thờ đánh trống khai hội, múa lân, múa binh khí, múa võ cổ truyền… Theo nghi thức cổ truyền, cùng với việc đọc văn tế, tuần tự cuộc lễ được tổ chức một cách cầu kỳ và long trọng. Đại tế có đầy đủ các yếu tố về lễ nhạc và người tham gia tế lễ. Tiến dâng lễ vật Giỗ Tổ Hùng Vương có mâm quả, trà rượu, bánh chưng, bánh dày và những sản vật đặc trưng của địa cầu cho đất nước thanh bình.
Cụ Trần Văn Hiếu, 70 tuổi ở thị trấn Phan Rí Cửa cho biết “Hàng năm, cứ đến mùng 10-3 tôi đều đến dâng hương tưởng nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của tổ tiên với lòng thành kính. Chúng tôi tự hào vì có ngôi Đền mang tên Quốc Tổ”. Theo cụ Hiếu, giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành tình cảm thiêng liêng, biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cũng như cụ Hiếu, trong ngày giỗ Tổ, các tầng lớp nhân dân, cán bộ lãnh đạo của huyện đều tề tựu về Đền thờ với tấm lòng tri ân sâu sắc, mọi người dâng lên các vị vua Hùng những nén hương thơm tỏ lòng hiếu thảo, cầu mong cho quốc thái dân an, người người ấm no, hạnh phúc.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề án nâng tầm lễ hội giỗ Tổ các Vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương thị trấn Phan Rí Cửa thành lễ hội cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện để nhân dân các địa phương biết về lễ hội và tụ hội về Phan Rí Cửa mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương, qua đó thể hiện mối đại đoàn kết dân tộc và quảng bá văn hóa, du lịch khu vực phía Bắc tỉnh Bình Thuận.
Miếu Quốc tổ Hùng Vương tọa lạc tại khu phố Giang Hải 3, thị trấn Phan Rí Cửa, được dựng nên vào đầu thế kỷ XIX. Năm 1958, các đình làng của 12 làng gồm: Xuân Giang, Thanh Giang, Trường Thủy, Hải Bình, Cam Lâm, Thanh Hải, Tăng Lộc, Thủy Tựu, Ngân Giang, Cam Hải, Thanh Tu, Hải Tân được dồn về một điểm tại đình làng Cam Hải. Hiện nay, tại Đền thờ Hùng Vương còn bảo lưu nhiều di vật cổ xưa có giá trị như: 3 đại hồng chung, 5 hương án, 6 hoành phi, 6 bài vị, 1 bảng gỗ khắc chữ Hán Nôm, 1 lỗ bộ, 1 lư hương rất lớn được đan bằng tre mạ nhũ vàng. Trong đó có 2 hương án được tạo dưới thời vua Tự Đức năm thứ 2 (1849) và năm thứ 32 (1879.
|