Ở Phước Thể có 2 ngôi miếu thờ hàng trăm bộ cốt Cá Voi mà bà con ngư dân gọi là Cá Ông - tôn sùng Đức Ông Nam Hải như là Tổ nghiệp. Người dân cho rằng không nơi nào với bờ biển dài khoảng 7 km lại có số lượng cá voi “lụy” nhiều như vùng biển Phước Thể. Theo phong tục, những ông “lụy” vào bờ thì ngư dân đưa vào đất liền chôn cất, còn ông “lụy” ở ngoài đảo Lao Câu thì chôn trên đảo, 3-5 năm lấy cốt thờ tại miếu. Một ông thường nặng từ vài trăm ký đến hàng tấn, có ông lên đến cả chục tấn. Người nào có công phát hiện cá Ông chết được xem là người may mắn, có trách nhiệm về báo lại với người đứng đầu làng, đầu xã và mọi người trong làng biết để chuẩn bị mọi thủ tục mai táng.
Miếu thờ Cá Ông tại đảo Cù Lao Câu có từ đời vua Minh Mạng và tồn tại đến nay. Theo truyền rằng, trước đây đảo Lao Câu thuộc giữa hai xã Vĩnh Hảo và Phước Thể. Do đó để tiện cho việc cúng miếu thần biển nên nhân dân hai xã đã tổ chức hội thi chèo thuyền, lấy vị trí xuất phát ở tại mỗi xã, nếu xã nào chèo đến trước thì được quyền cúng miếu. Và kết quả là ngư dân xã Phước Thể đã giành được vinh dự này. Cho nên mỗi năm một lần, cứ đến rằm tháng tư là ngư dân tụ hội về cúng Cá Ông. Trải qua bao đời cha truyền con nối, nghi thức lễ cúng rất độc đáo, công phu, thể hiện sự tôn kính tâm linh, cầu cho ngư dân hành nghề đánh bắt trên biển được bình an, mưa thuận gió hòa và gặp nhiều may mắn; cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình…
Khách du lịch đến với Đảo nhiều lần nhưng cứ mỗi lần đi là cảm giác háo hức, nôn nao được về với thiên nhiên. Những ngày này, tàu thuyền về cập bến đông đúc, làng chài Phước Thể nhộn nhịp, đông vui. Các vị cao niên, thôn trưởng, hội vạn, lãnh đạo xã bàn bạc, sẵn sàng cho lễ cúng vạn ấm cúng, vui tươi và tiết kiệm. Ngay buổi chiều trước ngày rằm, khách thập phương nườm nượp đổ về Phước Thể, tham gia lễ cúng vạn trên hòn đảo hoang sơ, cách đất liền 5 hải lý, vốn vắng người lui tới.
Tờ mờ sáng, sau ba hồi trống, tàu “mẹ” nổ máy, dẫn các tàu “con” từ đất liền lướt sóng tiến ra đảo. Kèn và trống nổi lên không dứt. Sau gần 45 phút, tàu cập đảo. Đoàn cúng vạn xếp thành hàng dài tiến vào miếu, nơi thờ hơn 40 bộ cốt cá Voi.
Đi trước có kiệu, lộng án, theo sau là đoàn chèo bả trạo với Tổng bài, tổng lái, 14 con trạo, 1 ông chánh trưởng đọc sớ và 2 ông tả hữu, 4 vị mặc đồ lễ cùng dàn chiên, trống, cờ lễ... Khi người tổng chèo hô thì hai bên tả hữu cầm chèo chèo theo, như một chiếc thuyền đang tiến.
Lễ cúng vạn tại đảo được chia thành các giai đoạn từ rước ông sanh (sóng), rước ông tử. Lễ cúng tiên diễn ra lúc 6 giờ 30 chiều; cúng chánh lúc 3 giờ sáng và cúng hoàn mãn lúc 5 giờ sáng.
Lễ vật cúng tiên gồm có chè, xôi; cúng chánh có 1 con heo, mâm ngũ quả, bánh ngọt, trà rượu, hoa văn...
Đêm rằm tháng tư, trăng sáng vằng vặc trên đảo. Mọi người vui chơi, ca hát thâu đêm. Việc tiếp và đãi khách thập phương ăn uống là niềm vui với ngư dân làng biển. Họ chia sẻ ly rượu chung trà, chén cơm trắng, cá tươi và cả những lời cầu chúc may mắn.
Đến với đảo Lao Câu, du khách không chỉ được dịp thưởng thức lễ hội Cầu ngư độc đáo này mà còn tham quan du lịch tận hưởng không khí trong lành, hòa mình với những cảnh quan thiên nhiên rất kỳ thú – một nơi được coi là điểm nhấn quan trọng trong hành trình tour du lịch của tỉnh Bình Thuận.