Theo quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn huyện, tổng diện tích rừng trong quy hoạch là 49.183 ha, đã phân giao cho 02 đơn vị chủ rừng: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tuy Phong (diện tích 21.516 ha) và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lòng Sông- Đá Bạc (diện tích 27.667 ha) trực tiếp quản lý và bảo vệ. Các chỉ tiêu chủ yếu về bảo vệ và phát triển rừng đều đạt Kế hoạch. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng được tập trung chỉ đạo, nhờ đó đã hạn chế tình trạng phá rừng như trước đây. Việc thực hiện giao khoán, bảo vệ rừng theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả rõ rệt, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động trong huyện, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ dân sống gần rừng. Kết hợp với các chương trình khác như Chương trình 134, Chương trình 135, cấp đất sản xuất, hỗ trợ vốn chăn nuôi bò... làm giảm số đối tượng chuyên phá rừng, góp phần ổn định cuộc sống, giảm áp lực tác động tiêu cực vào rừng. Trồng rừng và chăm sóc rừng sau khai thác 50 ha, trồng mới 101 ha rừng tập trung và 257.000 cây phân tán.
Với quan điểm quản lý và bảo vệ rừng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là các địa phương có rừng. Quá trình thực hiện phải kiên quyết, kiên trì, liên tục; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bảo vệ, phát triển rừng phải gắn với mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, nhất là cho người dân làm nghề rừng, Đảng bộ huyện Tuy Phong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển hiệu quả vốn rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng; sử dụng và trồng rừng trên diện tích có khả năng trồng rừng và nâng dần chất lượng rừng, giảm thiểu tình trạng khô hạn, cháy rừng; huy động sự đóng góp của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và nhân dân vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần ổn định sản xuất, đời sống cho người dân sống gần rừng. Đặc biệt là thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững toàn bộ diện tích 49.183 ha rừng theo kế hoạch giai đoạn 2015- 2020, trong đó trồng rừng mới và chăm sóc rừng 437 ha; trồng rừng và chăm sóc rừng sau khai thác rừng trồng 610 ha; giao khoán bảo vệ rừng: 55.946 lượt ha; khoanh nuôi tái sinh rừng mới (JICA) 2.500 lượt ha; tỷ lệ độ che phủ rừng là 64,5%; tạo thêm việc làm trong ngành lâm nghiệp khoảng 300 lao động (bao gồm lao động nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng, khai thác và kinh doanh lâm sản).
Cùng với các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, Tuy Phong cũng đã triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trọng tâm là quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chương trình số 27-CTr/TU ngày 29/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và của toàn dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; từ đó thể hiện quyết tâm và hành động, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể phát huy vai trò lãnh đạo của mình, kể cả người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tập trung xây dựng các kế hoạch, phương án về chống phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm và từng thời gian nhất định. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành và địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; không để xảy ra điểm nóng phá rừng, không để phát sinh điểm phá rừng mới và hạn chế tối đa việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng như Quy chế phối hợp với các huyện giáp ranh; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong huyện; giữa các đơn vị chủ rừng với Ủy ban nhân dân các xã và Kiểm lâm địa bàn; giữa các chủ rừng giáp ranh... nhằm phát huy và nâng cao vai trò của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nhất là trách nhiệm quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân các xã để tham gia hỗ trợ các chủ rừng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Một vấn đề quan trọng mà Tuy Phong chỉ đạo thực hiện là việc rà soát, đánh giá lại thực trạng, hiệu quả các dự án đầu tư của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lĩnh vực trồng rừng đã được chấp thuận đầu tư trên địa bàn huyện, nhất là các dự án nông- lâm kết hợp; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác. Đẩy mạnh công tác trồng rừng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tập trung trồng rừng trên các vùng đất cát ven biển, chống sa mạc hóa. Thực hiện các giải pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên để phát huy giá trị nhiều mặt của rừng. Triển khai và nhân rộng các mô hình trồng rừng theo hình thức nông- lâm kết hợp có hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững; nghiên cứu, bố trí, nhân rộng cơ cấu giống cây lâm nghiệp phù hợp có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn huyện.Tiếp tục thực hiện tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng áp dụng cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân sinh sống gần rừng, lao động thiếu việc làm... phù hợp với khả năng, điều kiện của đối tượng tham gia nhận khoán nhằm giảm áp lực phá rừng.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hy vọng đến năm 2020,Tuy Phong sẽ đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ và phát triển rừng đã đề ra.