Điều thấy rõ là từ khi xây dựng và hình thành Trung tâm Nhiệt điện, Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân thì tình hình an ninh, trật tự, vi phạm càng phát sinh phức tạp, gia tăng. Tội phạm về trật tự xã hội tuy được kiềm chế, kéo giảm về số vụ nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn; đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, hoạt động dưới nhiều hình thức tinh vi, liên kết thành băng, nhóm và có tổ chức; tội phạm chiếm tỷ lệ lớn chủ yếu là xâm phạm về nhân thân (giết người, cố ý gây thương tích), xâm phạm về quyền sở hữu (trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...). Từ nữa năm 2015 đến nay đã xảy ra 188 vụ phạm pháp hình sự (giảm 06 vụ so với thời gian liền kề trước đó), trong đó, có 15 vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (giảm 01 vụ); 173 vụ ít nghiêm trọng (giảm 05 vụ). Tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng và lây lan cả về địa bàn và số người nghiện ma túy (trong đó có 85 người sử dụng ma túy đá); các đối tượng hoạt động mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức, thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi; nguồn ma túy thẩm lậu vào địa phương ngày càng nhiều, đa dạng về chủng loại và khó kiểm soát. Tính đến nay, toàn huyện có 530 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 204 người); có 07 xã, thị trấn đã khảo sát, thống kế tương đối đầy đủ số người nghiện gồm Phan Rí Cửa: 285 người, Liên Hương: 26 người, Chí Công: 120 người, Hòa Minh: 20 người, Hòa Phú: 37 người, Vĩnh Hảo: 02 người, Vĩnh Tân 15 người. Hình thức chủ yếu lấy “hàng” ở nơi khác về rồi chia nhỏ bán cho con nghiện, dùng chính đối tượng nghiện đi bán lẻ ma túy để lấy lãi sử dụng với những thủ đoạn hoạt động khá tinh vi, xảo quyệt nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Chúng thường chỉ bán cho người quen, bán qua điện thoại hoặc nhận tiền một nơi, để “hàng” một nơi cho các đối tượng nghiện đến lấy và thường xuyên thay đổi thủ đoạn hoạt động, thời gian, địa điểm giao nhận “hàng”, gây khó khăn cho lực lượng chức năng, làm phức tạp thêm tình hình trật tự an toàn xã hội và khiến người dân luôn cảm thấy lo lắng, bất an.
Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị Tuy Phong đã vào cuộc với quyết tâm từng bước ngăn chặn, kiềm chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Khởi động đầu tiên là các chỉ thị, kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn huyện đến năm 2020 được Huyện ủy, UBND huyện ban hành, triển khai trong toàn Đảng bộ, trong đó chọn thị trấn Phan Rí Cửa- nơi có tệ nạn ma túy nổi cộm nhất làm điểm để tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Thể hiện quyết tâm, các cấp ủy xã, thị trấn và cơ quan, ban ngành, mặt trận, đoàn thể đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai, phối hợp thực hiện, tiếp tục quán triệt sinh hoạt sâu kỹ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền vận động cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân về Chương trình hành động số 28-NQ/TU ngày 28/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 95-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT, phòng, chống HIV/AIDS...với nhiều hình thức đa dạng, có đổi mới về nội dung và phương pháp trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã, các loại hình văn hóa nghệ thuật, các buổi tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức giao lưu văn nghệ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tệ nạn xã hội…, thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm đối với việc thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt cuộc đối thoại trực tiếp của đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện với nhân dân thị trấn Phan Rí Cửa về thực trạng công tác quản lý nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy đã tạo được sự đồng tình rất cao của nhân dân, trong đó 14 ý kiến đề xuất của nhân dân đã được Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã tiếp thu và chỉ đạo giải quyết. Thường trực Huyện ủy đã sơ kết việc thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy về phòng chống ma túy; hàng tháng đều tổ chức giao ban các ngành và xã, thị trấn để nghe và chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống và kiểm soát ma túy; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống ma túy tại các xã, thị trấn. Các địa phương đã chọn từ 1-2 thôn-khu phố làm điểm lành mạnh không có tệ nạn ma túy, xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy có hiệu quả ở địa bàn dân cư như: mô hình “Cựu chiến binh 3 không” ở khu phố Minh Tân 2, thị trấn Phan Rí Cửa, “Thắp sáng niềm tin” của Đoàn Thanh niên Thị trấn Phan Rí Cửa, “Thôn kiềm chế tệ nạn ma túy” ở thôn Phú Thủy, xã Hòa Phú, khu dân cư phòng, chống tội phạm ma túy thôn Hiệp Đức 2” xã Chí Công, “Phụ nữ nói không với ma túy và buôn bán người” ở xã Vĩnh Tân...
Lực lượng công an từ huyện đến xã, thị trấn đã tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội. Thông qua các buổi họp tổ dân phố hay các buổi họp của các ngành, đoàn thể, Công an đã phối hợp lồng ghép tuyên truyền về tác hại, hậu quả của ma túy, thông báo cho nhân dân trong khu vực về những thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ma tuý cũng như về các đối tượng nghiện ma tuý để mỗi người dân nâng cao ý thức cảnh giác, làm tốt công tác quản lý, giáo dục con em tránh xa tệ nạn ma túy. Ở các khu dân cư, lực lượng Cảnh sát khu vực nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình hoạt động của các đối tượng nghiện ma túy, từ đó phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, ban công tác Mặt trận và tổ trưởng tổ dân phố đến từng gia đình có con em sa đà nghiện ngập để tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa đối tượng và động viên, giúp đỡ cai nghiện, đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm ma túy. Lực lượng Công an các xã, thị trấn cũng đã thường xuyên gọi các đối tượng lên để răn đe, giáo dục và lập hồ sơ đưa đối tượng đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, đi cai nghiện bắt buộc, thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, từng bước làm giảm các nhân tố phát sinh tội phạm trên địa bàn. Cùng với công tác phòng ngừa, trên cơ sở nắm chắc tình hình, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ma túy, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an huyện) đã có kế hoạch, phương án phối hợp chặt chẽ với các Đồn Biên phòng Hòa Minh, Liên Hương và Công an xã, thị trấn triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt xoá các điểm và tụ điểm phức tạp về ma túy. Mỗi năm, lực lượng Công an huyện phối hợp bắt và truy tố hàng chục vụ mua bán trái phép chất ma túy. Các điểm, tụ điểm ma túy đã lần lượt bị “xóa sổ”, các điểm mới có dấu hiệu manh nha hoạt động đều được ngăn chặn kịp thời. Từ năm 2015, toàn huyện đã triệt phá, bắt xử lý 93 vụ/244 lượt đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 60,63331,1039g hêrôin, 54,1543g ma túy đá, 19,421g cần sa khô và nhiều tang vật có liên quan; khởi tố 89 vụ/108 bị can; tổ chức rà soát, thống kế, lập hồ sơ 530 người nghiện, đưa 39 người vào diện quản lý theo Nghị định 111-NĐ/CP, đưa 02 trường hợp đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221-NĐ/CP, vận động 331 người nghiện tham gia điều trị thay thế bằng methadone.
Tình hình tội phạm và ma túy tuy còn diễn biến phức tạp, nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đấu tranh quyết liệt, hiệu quả của lực lượng Công an và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn huyện có chuyển biến tích cực, đều hơn, góp phần giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội, cuộc sống bình yên cho nhân dân./.