Các chương trình phát triển kinh tế được tập trung đầu tư; đến nay toàn huyện có 421 hộ được cấp 411,77 ha đất sản xuất (xã Phan Dũng 108,5 ha/94 hộ; xã Phong Phú là 135,88 ha/164 hộ; xã Phú Lạc 152 ha/152 hộ; xã Vĩnh Hảo 15,39 ha/11 hộ). 58 hộ đồng bào dân tộc xã Phan Dũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 69,09 ha; các xã còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để xét cấp. Hoạt động giao khoán bảo vệ rừng được triển khai tích cực; đã giao 7.039,4 ha rừng cho 187 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng; trong đó, xã Phan Dũng: 5.223,4 ha/141 hộ, bình quân 37,04 ha/hộ; xã Phong Phú: 1.376 ha/35 hộ, bình quân 39,3 ha/hộ; xã Vĩnh Hảo: 440 ha/11 hộ, bình quân 40 ha/hộ. Bình quân mức thu nhập từ nguồn nhận khoán bảo vệ rừng từ 3- 4 triệu đồng/hộ/năm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ nhận khoán.
Ảnh: Điệu múa Chăm của thiếu nữ xã Phú Lạc
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các xã Phan Dũng, Phong Phú, Phú Lạc đựơc quan tâm chỉ đạo. Tổng đàn gia súc hiện nay có 906 con bò, 72con heo rừng lai; đã có 151 hộ vay vốn ngân hàng mua 336 con bò, với tổng số tiền 1.434,850 triệu đồng, số bê con tăng do sinh sản là 125 con, các hộ đã trả hết nợ vay cho ngân hàng. Cùng với chăn nuôi gia súc, đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều cố gắng trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa có nơi đạt từ 5 hoặc 6 tấn/ha/vụ. Các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn trái, rau màu, thanh long VietGAP... đã được chuyển giao kỹ thuật và tập huấn cho hàng trăm lượt người tham gia, giúp bà con đồng bào dân tộc tự chủ, vươn lên làm giàu trên mãnh đất của mình. Các tuyến đường giao thông từ miền núi xuống đồng bằng thuận lợi, tạo điều kiện phát triển các hoạt động thương mại và dịch vụ miền núi.
Hiện nay, 9 trường học thuần dân tộc được đầu tư trang thiết bị, thu hút học sinh, nâng cao trình độ dân trí. Chất lượng học tập được ổn định, học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 97,2%. Đến nay, số sinh viên Đại học là 41; Cao đẳng là 14; Trung cấp nghề là 10; 03/03 xã (Phong Phú, Phú Lạc, Phan Dũng) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân cũng được quan tâm; hầu hết cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trạm Y tế các xã đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân ở địa phương. 02 trạm y tế có bác sĩ (Phong Phú, Phú Lạc), 04 trạm y tế có nữ hộ sinh và y sĩ sản nhi. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 40,92% so với dân số (9.208/22.497); tỷ lệ xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia về y tế xã có 01 xã, đạt 50%. Các chương trình điện thắp sáng, nước sinh hoạt cũng được đầu tư; đến nay, có 1.388 hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, tỷ lệ 98,7%; 1.195 hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ 85 %; 100% nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch. Các thiết chế văn hoá thể thao được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã đầu tư xây dựng 02 nhà văn hóa ở 02 xã Phan Dũng và Phú Lạc; mua sắm các trang thiết bị văn hóa, văn nghệ, các dụng cụ thể dục thể thao và các phương tiện làm việc. 4/4 xã có bưu điện văn hóa; 4/4 xã có trung tâm học tập cộng đồng; 3/4 xã có mạng Internet đến thôn.Tỷ lệ thôn và gia đình đạt danh hiệu văn hoá tăng lên hàng năm; đến ngày 15/6/2013, có 5.548/5.633 hộ đăng ký gia đình văn hóa, đạt 98,49%. Công tác giảm nghèo và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được quan tâm. Đồng bào dân tộc được hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất....Đầu năm 2013, tổng số hộ nghèo người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là 174 hộ, chiếm tỷ lệ 5,39 % so với tổng số hộ nghèo toàn huyện (3.223 hộ). Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai tích cực, phấn đầu cuối năm 2013, xã Phan Dũng đạt 11/19 tiêu chí; xã Phong Phú đạt 10/19 tiêu chí; xã Phú Lạc đạt 11/ 19 tiêu chí; xã Vĩnh Hảo đạt 14/19 tiêu chí.
Hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng, củng cố và phát huy, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là: 50 người (trong đó: cấp xã 43 người, cấp huyện 07 người). Đảng viên là người dân tộc thiểu số hiện nay là 46 (trong đó: cấp xã 42 (Phan Dũng 18, Phong Phú 07, Phú Lạc 17); cấp huyện 04; các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có đảng viên. Số người dân tộc thiểu số là đại biểu Hội đồng nhân dân: 42 người; trong đó, Hội đồng nhân dân cấp xã: 41 người (Phan Dũng 13, Phong Phú 08, Phú Lạc 20); Hội đồng nhân dân cấp huyện: 01 người. Số cán bộ là người dân tộc thiểu số là thành viên Ủy ban nhân dân xã, nhiệm kỳ 2011 - 2016 là: 8 người (Phan Dũng 03, Phong Phú 02, Phú Lạc 03). Tỷ lệ xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có các tổ chức đoàn thể đạt danh hiệu tiên tiến trở lên như sau: năm 2011, có 3/3 xã đạt 100 %; năm 2012, có 2/3 xã (Phan Dũng, Phú Lạc) đạt 100 %; 01 xã Phong Phú đạt 80%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua tiếp tục được giữ vững ổn định; cơ bản phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới.
Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu tại Kết luận số 123-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XII) đạt một số kết quả. Nổi rõ là: tình hình các mặt dân sinh, kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chuyển biến tích cực; cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm rà soát, giải quyết đất sản xuất cho bà con; chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, nâng hiệu quả một số cây trồng. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được tăng cường, góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ, lạc hậu trước đây và tăng năng suất nhiều loại cây trồng. Triển khai thực hiện tốt chủ trương giao khoán quản lý và bảo vệ rừng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào, đồng thời ngăn chặn tình trạng phá rừng làm rẫy. Các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn mua bò phát triển sản xuất chăn nuôi được quan tâm tiếp tục thực hiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đầu tư, góp phần thay đổi bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động văn hoá- văn nghệ, thể dục- thể thao được đẩy mạnh, hướng về cơ sở. Công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân vùng đồng bào được chăm lo tốt hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần từng bước ổn định; bà con đồng bào dân tộc yên tâm lao động sản xuất và tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống chính trị cơ sở từng bước được xây dựng và củng cố; đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
MINH CHIẾN