Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Phong lần thứ IX đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu; 05 nhiệm vụ trọng tâm và 02 lĩnh vực đột phá cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong nhiệm kỳ.
Đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch
Thời gian qua, Đề án “Đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch” giai đoạn 2021 - 2025 được lãnh đạo, triển khai thực hiện khá hiệu quả, tạo được một số dấu ấn bước đầu, góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế huyện và tạo được chuyển biến mạnh trong thực hiện một trong hai khâu đột phá Đại hội đã xác định.
Hai năm rưỡi qua, tuy bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19, song đến nay, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch đã được phục hồi và phát triển trở lại.
Các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục phát triển, hiện trên địa bàn huyện có 09 Chi nhánh ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả. Các dịch vụ bưu chính, viễn thông, vận tải đảm bảo thông suốt, đã hình thành thêm tuyến xe buýt Phan Rang (Ninh Thuận) - Tuy Phong - Bắc Bình - Phan Thiết đáp ứng tốt hơn nhu cầu di chuyển của người dân. Du lịch được phục hồi và tiếp tục khởi sắc, khai thác và đưa vào sử dụng một số tour, tuyến, điểm du lịch mới phục vụ du khách. Nhiều nhà hàng, khách sạn, hoạt động thương mại, dịch vụ đã hình thành và phát triển dọc tuyến đường Liên Hương - Bình Thạnh - Chí Công nhờ đó lượng khách đến tham quan, du lịch tăng mạnh trở lại. Chỉ tính riêng trong năm 2022, số lượt khách tham quan là 1,1 triệu lượt. 05 tháng đầu năm 2023, thu hút hơn 432 nghìn lượt khách, tăng 114,9% so cùng kỳ năm 2022. Các chợ truyền thống được duy trì và tiếp tục phát triển, cung ứng đa dạng các mặt hàng, đáp ứng tốt nhu cầu của dân cư đô thị, nông thôn.
Huyện tiếp tục tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch. Hiện đang có 03 dự án du lịch đăng ký đầu tư mới đó là điểm du lịch Phú Lộc Cà Ná tại xã Vĩnh Tân, Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thương mại dịch vụ Kiếm Á tại thị trấn Phan Rí Cửa (tuyến đường Hòa Thắng - Hòa Phú), Tổ hợp khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cổ Thạch Sunrice tại xã Bình Thạnh. Thời gian tới, khi các dự án này đưa vào khai thác sẽ góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” huyện nhà tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể thao, nhất là thể thao biển được quan tâm tổ chức, phối hợp đăng cai tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh, bảo tồn, phát triển Khu bảo tồn biển Hòn Cau phục vụ phát triển du lịch sinh thái, hình thành nhiều tour du lịch trải nghiệm tại Đảo Cù Lao Cau; các lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên như Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương với quy mô cấp tỉnh, Lễ hội Pô-Dam, Lễ hội Cầu ngư nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch cũng như các bản sắc văn hóa truyền thống của huyện, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.
Vấn đề vệ sinh môi trường được tập trung
Đại hội Đảng bộ huyện khóa IX đã xác định khâu đột phá “Tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường, nhất là Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân; xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp trong các đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, các cơ quan, doanh nghiệp”. Theo đó, Đề án 02 được ban hành và triển khai thực hiện nhằm tạo ra những chuyển biến có tính đột phá trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể huyện quan tâm lãnh đạo, thực hiện gắn với phát động các hoạt động, phong trào, bước đầu tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, Nhân dân và các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.
Vấn đề rác thải trên địa bàn huyện được tập trung chỉ đạo giải quyết. Các hoạt động, mô hình thu gom, xử lý rác thải ở cộng đồng được triển khai tích cực, có sự đồng thuận và tham gia hưởng ứng của Nhân dân và doanh nghiệp. Năng lực thu gom, vận chuyển rác thải của Ban quản lý Công trình công cộng có cố gắng. Rác thải sinh hoạt ở thị trấn được thu gom, xử lý đạt 93%, ở các xã đạt 86%; chất thải rắn y tế nguy hại xử lý 100%. Thường xuyên theo dõi, giám sát môi trường tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, đồng muối Thông Thuận, khu chế biến thủy sản tập trung có mùi Rừng Đạo..; qua giám sát, các doanh nghiệp cơ bản chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Mặt trận, đoàn thể các cấp tham gia tích cực trong việc thu gom rác, bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động, phong trào, tiêu biểu như hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh” tiếp tục đem lại hiệu quả tích cực, lan tỏa, thu hút hàng nghìn lượt tham gia của đoàn viên, hội viên, đã góp phần làm sạch môi trường ở các khu vực kè biển, khu dân cư và khu vực, điểm du lịch.
Hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện; xác định trồng 340.000 cây xanh trong giai đoạn 2021-2025. Trong 02 năm (2021-2022), toàn huyện đã triển khai trồng gần 109.000 cây xanh. Vào mùa mưa năm nay (khoảng tháng 8 đến tháng 9), Huyện sẽ tổ chức Lễ ra quân thực hiện 4 công trình cây xanh với 2000 cây xanh được trồng mới góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án, bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.