Trung tâm học tập cộng đồng thị trấn Phan Rí Cửa, chính thức đi vào hoạt động tháng 01 năm 2008. Ban Quản lý (BQL) Trung tâm gồm có 10 thành viên, được cơ cấu từ các ban ngành, đoàn thể địa phương. Trong đó Ban Giám đốc 03 người; Giám đốc là Phó Chủ tịch UBND Thị trấn, Phó Giám đốc thường trực là chuyên trách Hội Khuyến học cơ sở.
Trung tâm học tập Cộng đồng (TTHTCĐ) ra đời là niềm vui chung của nhân dân địa phương. Đây cũng là kết quả của việc triển khai thực hiện Chỉ thi 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với côn tác Khuyến học – Khuyến tài – xây dựng xã hội học tập” tại Thị trấn. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy và chính quyền địa phương, Trung tâm đã xây dựng nội dung, chương trình hoạt động, và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đều đặn mở các lớp học về kỹ thuật, kỹ năng lao động sản xuất, tin học, ngoại ngữ...Riêng năm 2011, đã mở được 25 lớp học, gồm các lớp học dài ngày từ 03 tháng đến 01 năm (tin học, tiếng Anh, thể dục, võ thuật…) và các lớp ngắn ngày từ 01 buổi đến 10 ngày (tập huấn, phổ biến chuyên đề, lớp thuyền, máy trưởng…) có 928 lượt học viên tham gia học tập. Bên cạnh đó, Trung tâm còn có tổ chức nhiều buổi tập huấn, phổ biến chuyên đề về thời sự, pháp luật, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, vệ sinh phòng dịch, giới thiệu hàng tiêu dùng Việt Nam, tổ chức Hội thảo… và một số lớp được mở thường xuyên, như lớp võ thuật, thể dục dụng cụ, đờn ca tài tử…
Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với chi hội Văn nghệ Huyện tổ chức 02 lần triển lãm ảnh nghệ thuật và thư pháp trong các dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời Trung tâm đã thành lập phòng đọc sách, báo với trên 1.500 đầu sách, báo, tạp chí đã có hàng ngàn lượt người tham gia đọc sách, báo...
Để vận động học viên ra lớp và tổ chức thực hiện được các lớp học không phải là chuyện dễ, đó là một sự kỳ công, đầu tư nhiều công sức, trí tuệ mới làm nên đựoc. Trước hết, BQL Trung tâm phối hợp với Hội Khuyến học cơ sở, với ban ngành, Mặt trận, đoàn thể địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu học tập trong cộng đồng, qua các hình thức như phát hành phiếu thăm dò, tham dò trực tiếp nhu cầu học tập từ các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, hội Nông Ngư dân… trên cơ sở đó lên kế hoạch hoạt động trong 01 năm, nội dung chương trình mở lớp theo từng quý, sát với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời phù hợp với khả năng về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ học tập của TTHTCĐ
Trong quá trình triển khai tổ chức hoạt động, luôn có sự phối hợp tốt với ban ngành, liên kết được với các trung tâm, trường học để tổ chức các lớp học, đồng thời phối hợp với Ban Văn hóa thông tin, thông báo trên đài truyền thanh địa phương, phối hợp với các đoàn thể vận động trực tiếp trong đoàn viên, hội viên, phát hành tờ rơi, treo băng rôn phổ biến chương trình mở lớp để chiêu sinh học viên. Về thời gian tổ chức mở lớp cũng được tính toán thích hợp theo từng nhóm đối tượng, ví dụ các lớp học, đối tượng là học sinh (như tiếng Anh…) được mở vào mùa nghỉ hè, các đối tượng khác ( lao động, công nhân viên chức…) được tổ chức vào buổi tối nhằm tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cho việc học tập
Tuy bước đầu có khó khăn về kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ học tập, về nhân sự… nhưng được Đảng ủy, Chính quyền quan tâm đầu tư, tạo điều kiện tốt, các tổ chức, cá nhân hảo tâm động viên, khích lệ và hỗ trợ vật chất nên BQL cũng đã tìm được hướng đi thích hợp cho hoạt động Trung tâm đạt hiệu quả. Trung tâm được UBND thị trấn Phan Rí Cửa trang bị bàn ghế, kệ sách, hệ thống âm thanh cho hội trường trị giá trên 18 triệu đồng, vận động các nhà hảo tâm là người địa phương làm ăn thành đạt tại thành phố HCM và các Doanh nghiệp địa phương, tài trợ 10 bộ máy vi tính, cùng với các dụng cụ học tập khác trị giá trên 57 triệu đồng. Cuối tháng 8/2011 vừa qua, ông Nguyễn Năng Lương, cán bộ hưu trí, quê quán Phan Rí Cửa, hiện sống tại thành phố HCM tặng TTHTCĐ Thị trấn 10 bộ máy vi tính trị giá 50 triệu đồng, nâng tổng số máy vi tính hiện nay có tại Trung tâm lên 20 bộ.
Để duy trì hoạt động lớp học tại Trung tâm, Ban Giám đốc đã vận động giáo viên địa phương ra đứng lớp dạy chương trình Tin học cơ bản, Tin học văn phòng, tiếng Anh bậc tiểu học; liên kết với các Trung tâm Tin học Ngoại ngữ, Trung tâm dạy nghề huyện, tổ chức dạy Tin học ứng dụng và đã cấp 39 chứng chỉ Tin học quốc gia trình độ A,B; cấp 30 giấy chứng nhận đào tạo Tin học văn phòng, 15 chứng chỉ Anh văn quốc gia trình độ A. Phối hợp với Hội Nông dân, Ban kinh tế Thị trấn liên kết với các trường Trung cấp Hải sản thành phố HCM, Đại học Nha trang để mở các lớp dạy và đã cấp 423 chứng chỉ Thuyền máy, Máy trưởng. Bên cạnh đó Trung tâm còn mở các lớp học mỹ thuật, võ thuật, thể dục thẩm mỹ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được tổ chức thường xuyên, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập đa dạng của cộng đồng, trong đó có công nhân, viên chức và các em học sinh
Khó khăn nhất để duy trì ổn định hoạt động của TTHTCĐ là kinh phí hoạt động vì nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động, chỉ được sử dụng cho hoạt động của Trung tâm và mua sắm thêm thiết bị dụng cụ học tập, được kế toán ủy Ban Quản lý thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính, mở sổ theo dõi, thể hiện thu chi trên hóa đơn, chứng từ theo quy định nhưng nhờ sự chủ động tham mưu chuyển trọng tâm sang xã hội hoá giáo dục của Ban Giám đốc, nên hàng năm nguồn thu của Trung tâm khá ổn định, đảm bảo hoạt động. Năm 2011 nguồn thu của Trung tâm, tổng thu 50,5 triệu, trong đó, thu từ kinh phí hỗ trợ hoạt động thường xuyên là 22,5 triệu; thu từ hoạt động mở lớp học dài ngày trên 28 triệu, riêng phần thu học phí các lớp Tin học, Anh văn trên 18 triệu đồng. Trung tâm đã chi trên 45 triệu, gồm các khoản mua sắm thiết bị, dụng cụ học tập, bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn viên và chi Ban Giám đốc trực tiếp làm việc tại Trung tâm 550 ngàn đồng/người/tháng. Nhờ nguồn thu từ hoạt động mở lớp (dài ngày) mà Trung tâm đã mạnh dạn sử dụng chi trả thù lao cho giáo viên giảng dạy, chi trợ cấp cho Ban giám đốc và chi phí khác như chi sửa chữa, thay thế những hư hỏng nhỏ.
Quá trình hoạt động của TTHTCĐ thị trấn Phan Rí Cửa tuy gặp không ít khó khăn, nhưng Ban quản lý đã luôn nhiệt tình, năng nỗ trong việc quản lý, tổ chức; cố gắng thực hiện một cách tốt nhất các hoạt động trong điều kiện và khả năng của mình. Kết quả nổi bật là nhiều cán bộ, nhân dân tại thị trấn được tham gia học Tin học cơ bản, xóa mù Tin học, biết cách tiếp cận nhiều thông tin bổ ích trên mạng internet, tất cả học viên lớp Thuyền trưởng, Máy trưởng đều có công việc làm ổn định trên các tàu, thuyền. Họ cảm thấy tự tin hơn, khi ra khơi đánh bắt hải sản vi qua khóa học, được bổ sung nhiều kiến thức về Luật Hàng hải, về kỹ năng đánh bắt… Những người làm việc văn phòng, sau khi qua lớp võ thuật, thể dục rèn luyện thể chất, bảo đảm sức khỏe, giúp cho việc làm, việc học, hiệu quả hơn. Nhìn chung, các lớp học được tổ chức tại Trung tâm đều xuất phát từ nhu cầu học tập của cộng đồng và mang lại lợi ích thiết thực cho người học. Mặt khác cũng chứng tỏ rằng Trung tâm có khả năng liên kết, tập hợp được lực lượng, từng bước góp phần xây dựng xã hội học tập ở địa phương
Những kết quả đạt được nêu trên tuy chưa nhiều, nhưng bước đầu thấy rằng, TTHTCĐ thị trấn Phan Rí Cửa thực sự là nơi để mọi người, mọi lứa tuổi đến sinh hoạt học tập, bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, học những gì cần học để áp dụng vào thực tế, giúp vượt qua khó khăn, tổ chức cuộc sống tốt hơn. Chính nhờ các hoạt động hiệu quả ấy mà TTHTCĐ thị trấn Phan Rí Cửa luôn đựoc huyện và Tỉnh khen, nhiều lần đi báo cáo điển hình ở Tỉnh và khu vực Miền Trung
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã có, thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành, phối hợp tốt với các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể, các doanh nghiệp, trường học, để đẩy mạnh xây dựng và phát triển bền vững các hoạt động của TTHTCĐ, góp phần khôi phục, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đây thực sự là mô hình mà nhiều địa phương trong và ngoài huyện đang học tập, hướng đến./.
Thanh Xuân
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuy Phong