Huyền thoại sức người
Chúng tôi vượt 30 km đường đèo dóc quanh co, uốn lượn bên thượng nguồn song Lòng Sông lên miền núi non Phan Dũng, đến thăm một công trình thủy lợi được huyện Tuy Phong đăng ký công trình chào mừng kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Miền Nam và 20 năm tái lập tỉnh Bình Thuận. Đi trong cái nắng oi bức nhưng lại được “mát mắt” với màu xanh phủ khắp núi rừng, lòng rộn lên niềm vui khó tả.
Hồ chứa nước Phan Dũng là loại công trình thủy lợi cấp III, do UBND huyện Tuy Phong làm chủ đầu tư. Với mục tiêu cung cấp nước tưới cho 490 ha đất nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống bà con dân tộc xã Phan Dũng; đồng thời cắt lũ hạ lưu, cùng với hồ sông Lòng Sông điều tiết nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt trên toàn địa bàn Tuy Phong. Một khối lượng khổng lồ đang ở phía trước, những gánh nặng ứ đầy trên đôi vai những cán bộ điều hành dự án và các nhà thầu thi công. Sau 4 năm cực nhọc, vất vả mà những người cán bộ, kỹ sư đã trải qua nhiều đêm ngày, nắng - mưa, sương - gió trên công trình núi thẳm, rừng sâu đã được bù đắp với diện mạo một công trình có quy mô đẹp đẽ, hoành tráng. Đến đây, mới thấy một công trình hiện đại sử dụng cho hôm nay và mai sau ở một vùng đất đang từng ngày biến chuyển đổi thay. Có lẽ trực tiếp chiêm ngưỡng mới cảm nhận được hết sự hùng vĩ và quy mô của “công trình thế kỷ’’ này. Trong cái thăm thẳm của dòng sông, của hoang sơ núi rừng, một thân đập dài 146 m, cao trình 208.44 m vắt qua hai qủa núi cao sừng sửng, thành taluy đôi bờ dựng đứng chế ngự một biển nước mênh mông ngút tầm mắt. Cùng với việc xây dựng các hạng mục chính, toàn bộ hệ thống mặt bằng của công trình đầu mối, vùng lòng hồ cũng được quy hoạch, chỉnh trang để tạo cảnh quan, môi trường phù hợp.
Bờ đập hồ Phan Dũng.
Nếu như Hồ song Lòng Sông lộng lẫy trong nhan sắc xanh tươi thì Hồ Phan Dũng trở nên huyền ảo, lung linh ẩn mình trong hoang dã. Đứng trên con đập, chúng tôi được thưởng thức những cơn gió vi vu giữa đại ngàn, với âm thanh của cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày nơi đây. Công trình Hồ chứa nước Phan Dũng đã được dựng xây bằng cả trái tim và trí tuệ, cả mồ hôi, nước mắt của bao kỹ sư, những người thợ xây dựng suốt 4 năm qua. Trên khắp công trường, từ khu đập chính đến các hạng mục theo công trình được tích cực triển khai thi công theo tiến độ. Các đơn vị tham gia xây dựng công trình, từ cơ quản lý dự án đến các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công…đều tăng cường hoạt động, phối hợp chặt chẽ trong từng việc liên quan. Họ đã gửi gắm cả tâm huyết của mình để tạo nên một công trình vĩ đại mang giá trị lớn lao- một điểm sáng lấp lánh giữa đại ngàn. Gặp chúng tôi, các công nhân xây dựng ở đây nói vui rằng họ ví công trình này như một sơn nữ nên đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, phải sắc sảo về nội dung lẫn hình thức. Trong quá trình thi công công trình, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện thường xuyên quan tâm, đến thăm công trình và luôn động viên cán bộ, công nhân trên công trường hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đánh thức đại ngàn…
Đưa chúng tôi đi một vòng quanh làng, anh Mang Nhu, Bí thư xã Phan Dũng phấn khởi cho biết: Phan Dũng có gần 400 nhân khẩu là người Raglai. Xưa nay, người Raglai sống ở vùng núi cao, làm rẫy, chăn nuôi dê, bò. Đối với một vùng đất thiếu mưa, thừa nắng như Tuy Phong, thì ở vùng núi cao này càng khắc nghiệt hơn, làm ra hạt lúa, hạt bắp không dễ dàng. Nhưng mấy năm gần đây, được nhà nước đầu tư nhiều nên đời sống bà con đã khá hơn. Đường trải nhựa, bê tông, nhà xây cao ráo, thoáng mát, trường học, y tế, truyền hình, viễn thông...về tận làng, đã làm thay đổi hẳn diện mạo một xã miền núi. Giờ có thêm một công trình thủy lợi nữa, chắc rằng cuộc sống của đồng bào sẽ luôn được no ấm.
Phan Dũng giáp ranh tỉnh Lâm Đồng, có diện tích rộng nhất Tuy Phong với sáu, bảy cánh đồng lớn nhỏ như Tà Uông, Tà Cang, Chu Rí, Phùm, Đồng Toa, Tà Hoàng, Tân Lê, Trà Tân nằm giữa đại ngàn với khí hậu ôn hoà, mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp. Cách đây không lâu, vùng thượng nguồn con sông thơ mộng này còn là một vùng rừng núi thâm u, nhưng đã tiềm ẩn khả năng về nguồn tài nguyên nước vô cùng phong phú từ bao đời nay. Giờ, công trình Hồ chứa nước Phan Dũng hoàn thành chặn dòng những dòng sông bắt nguồn từ những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, đưa dòng nước ngọt ngào về tưới mát ruộng lúa, rẫy ngô…Từ ngày khởi công, nhịp sống đồng bào Phan Dũng sôi động hẳn lên, vùng núi rừng heo hắt, hoang sơ được đánh thức, hứa hẹn cuộc sống ấm no sung túc đến với đồng bào dân tộc. Gặp chúng tôi, già làng Mang Thanh Hoa tươi cười nói “Có cái hồ nước này, vui lắm. Dân làng gieo được nhiều lúa, trồng được nhiều cây. Cái bụng sẽ no hơn”.
Phan Dũng - một buổi chiều giữa những ngày tháng 4 ghi dấu chiến thắng oai hùng của dân tộc Việt Nam, nắng trải nhẹ trên cây xanh mướt, chúng tôi say mê, mản nhãn ngắm tuyệt tác giữa đại ngàn. Rừng núi Phan Dũng vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp hùng vĩ, giờ đây tô đẹp thêm vào bức tranh đó là những công trình thủy lợi đang ngày ngày góp phần làm giàu cho cuộc sống, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
MINH CHIẾN