“Chạy gió”…sửa tàu
Nắng sớm vừa chạm trên ngọn dương xanh cũng là lúc tiếng máy nổ xình xịch, tiếng cưa, đục xảm, sơn trét…vang lên rộn rã ở khu vực biển Đồi Dương, Bình Thạnh. Gọi tạm là cơ sở sửa chữa tàu thuyền, vì trên bãi cát ven biển dài hơn 500 m đã có trên 20 con tàu lớn nhỏ lên đà và hàng chục thợ thuyền đang dốc sức “làm mới” cho những con tàu sau bao chuyến hải trình nơi đại dương.
Với địa thế eo vịnh biển êm nên số lượng tàu thuyền neo đậu tại Bình Thạnh khá nhiều, thuận lợi để duy tu bảo dưỡng vào mùa bấc. Bước xuống bãi sửa tàu Bình Thạnh, chen người vào giữa cái âm thanh ầm ào máy móc, gỗ ván và sóng biển, tôi gặp thợ xảm Nguyễn Văn Châu, 56 tuổi, dân gốc Bình Định. Anh Châu cho biết nghề sửa chữa tàu thuyền làm không hết việc, mỗi năm sửa chữa gần cả trăm con tàu lớn nhỏ. Thường khi tàu lên đà cũng phải mất 15 ngày trở lên, tàu nào hư hỏng nặng thì thời gian sửa dài hơn. Các chủ kéo kê đành tận dụng chút rẻo đất nhỏ nhoi sát biển, canh mùa gió để sửa chữa, tàu lên đà bãi nào thì thợ phải theo đến đó, có khi anh và bạn thợ phải chạy lên Vĩnh Tân, lúc vào Hòa Phú, khi tới Bình Thạnh. Anh Châu bảo vào lập nghiệp ở Tuy Phong từ năm 1989 và gắn bó với nghề thợ thuyền trên 30 năm, nhưng điều làm anh thấy buồn lòng nhất là không có nơi chốn tập trung ổn định để những thợ thuyền như anh phát huy tinh hoa nghề truyền thống của cha ông truyền lại. Nhìn đôi tay rắn rỏi, tỷ mỉ trong từng đường xảm, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào của những người thợ kiến tạo, duy tu những con tàu vững chắc, giúp ngư dân vững lòng bám biển. Không chỉ làm nghề chỉ để lo miếng cơm manh áo mà mỗi người thợ sửa chữa tàu như những chiến sĩ bảo vệ ngư trường, biển đảo quê hương vì họ đã đồng hành tiếp sức cho ngư dân vào những con tàu “chiến mã”, đủ khả năng đương đầu với sóng gió biển khơi.
Với lợi thế về biển, Tuy Phong xác định ngành ngư nghiệp là lĩnh vực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, cùng với nghề khai thác thủy - hải sản, Tuy Phong còn có một nghề truyền thống, đó là nghề sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Tôi còn nhớ lúc vàng son, dọc theo đôi bờ sông Lũy của 2 làng nghề Phan Rí Cửa và Hòa Phú có khá nhiều cơ sở kéo kê, đóng sửa tàu thuyền. Thời ấy, ghe thuyền khắp các nơi tìm về sửa chữa, rồi nhiều con tàu đóng mới và xuất xưởng từ chính nơi này đã vùng vẫy khắp biển khơi, đem về cho ngư dân biết bao nhiêu “lộc biển”. Các cơ sở đóng sửa tàu thuyền phát đạt, người dân thu nhập khấm khá, nghề biển cũng vì thế mà thịnh vượng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng, khi giá vật liệu gỗ lên cao, các cơ sở đóng tàu sắt xuất hiện, dọc đôi bờ sông lũy được cải tạo, quy hoạch xây dựng kè biển để môi trường sạch đẹp…thì các cơ sở đóng sửa tàu thuyền sa sút. Đến giờ dãi đất cù lao giữa con sông Lũy chỉ còn lại một cơ sở kéo kê, sửa chữa vài ba con thuyền bé nhỏ đi tuyến lộng…Mặc dù nghề đóng sửa tàu thuyền trải qua nhiều thăng trầm, biến động nhưng đến nay, nghề sửa chữa tàu thuyền vẫn được duy trì và đem lại thu nhập khấm khá.
Đến các cơ sở kéo kê ven biển vào những ngày này, điều dễ nhận thấy là các cơ sở đều tấp nập, rộn ràng với những con tàu lớn sắp hạ thủy và đang duy tu bão dưỡng. Ông Sáu Tùng, một chủ ghe ở xã Phước Thể bảo với chúng tôi, cái nghề đóng sửa tàu thuyền ở xứ Tuy Phong nức tiếng một thời. Từ đời này qua đời khác, bao thế hệ cư dân vẫn luôn nuôi giữ niềm tự hào với nghề truyền thống của quê hương. Giờ, chuyện làm vỏ, làm máy những con tàu nhỏ thôi mà cũng phải chạy đôn chạy đáo, nói chi chuyện đóng mới, nâng cấp những con tàu lớn. Có ít vốn, hầu hết các cơ sở sửa chữa nhỏ, mặt bằng chật hẹp, không đủ trang thiết bị để tiếp nhận được những con tàu có trọng tải lớn. Ai đời, sinh ra giữa vùng biển, vang danh làng nghề mà giờ cả cơ sở kéo kê và thợ thuyền phải “chạy gió” theo hai mùa nam-bấc. Trong suốt cuộc trò chuyện, ánh mắt buồn hiu của lão ngư bước qua cái tuổi 70 này cứ nhìn vào những con tàu nằm trên đà sát bên chân sóng biển. Chúng tôi hiểu nổi lòng của ông Tùng cũng như nhiều chủ phương tiện ghe thuyền khác, để có những con tàu nhổ neo đạp sóng đến Trường Sa, Hoàng Sa…thì hậu cần nghề cá phải được coi trọng. Vì sức vóc của con tàu, các cơ sở kéo kê ở Hòa Phú, Bình Thạnh, Vĩnh Tân cũng đã “giồng mình” để những con tàu mau chóng trở lại biển khơi.
Là địa phương có nghề đánh bắt thủy sản truyền thống, Tuy Phong có trên 1.454 tàu cá, bình quân công suất 142,65CV/thuyền. Tàu cá hoạt động khoảng 2-3 năm là phải làm nước, bảo dưỡng máy…Theo nhiều chủ tàu, khi tàu lên đà và hạ thủy thì phải tốn ít nhất từ 20 triệu đồng trở lên, trong đó tiền kéo kê từ 1,2-1,4 triệu; công thợ máy thủy, nếu là sửa máy 8 cũng trên 16 triệu đồng; thợ xảm trả công theo ngày từ 600-700.000 đồng, tiền cơm nước cho thợ...Nói chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Lắm ở Liên Hương cho biết ông có con tàu 45CV hư máy nằm bờ, giờ phải đưa lên đà để sửa chuẩn bị vào mùa cao điểm Tết nguyên đán. “Sửa máy thủy ở quê mình còn dễ thở, chứ tàu này mà đi ra các cơ sở ngoài huyện sửa thì chỉ có ôm nợ, bám biển một năm cũng chưa chắc trả nổi”- ông Lắm nói.
Trong tâm trí của những lão ngư dãi dầu sóng gió như ông Tùng, ông Lắm, còn ghe còn thuyền thì nghề sửa chữa tàu thuyền không bao giờ tàn lụi, nhưng buồn là nghề sống “khắc khỏi” theo mùa.
Cần lắm khu dịch vụ đóng sửa tàu thuyền
Những năm qua, mặc dù quan tâm đầu tư phát triển kinh tế-xã hội biển, nhưng kết cấu hạ tầng nghề cá ở Tuy Phong có mặt vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, khó khăn về xây dựng bến neo đậu tàu thuyền, khu dịch vụ đóng sửa tàu thuyền.
Do nhu cầu sửa chữa tàu cá quá lớn nên một số hộ dân tận dụng bãi cát trống ven biển để dễ dàng kéo kê và hạ thuỷ tàu cá sửa chữa xong mà không có mặt bằng nhà xưởng và đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định. Việc “chữa cháy” này chỉ giải quyết nhu cầu bức thiết nhưng cũng để lại nổi lo về ô nhiễm môi trường khi các cơ sở gần sát biển, chưa thể xử lý tốt các chất thải từ nguyên liệu gỗ, xăng, dầu, hóa chất…trong quá trình duy tu, bảo dưỡng tàu cá.
Nhìn những chiếc tàu sửa xong hạ thủy trong niềm vui của chủ lẫn thợ thuyền, tôi hiểu họ sẽ vui và sẽ yên tâm hơn khi có được điểm quy hoạch sửa chữa tàu thuyền ổn định, đảm bảo các điều kiện cần thiết để ngư dân có công ăn việc làm, giảm bớt chi phí, sức sống của các cơ sở đóng sửa tàu cá mới thực sự được hồi sinh. Và, để những con tàu vững chắc, an toàn luôn vươn khơi trên khắp các vùng biển thân yêu của Tổ quốc./.