Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội CCB…
Chúng tôi đến thăm Hội CCB huyện Tuy Phong những ngày cuối năm 2019. Qua câu chuyện nghĩa tình mới biết mặc dù nhân sự ở Hội còn thiếu, nhất là vị trí Chủ tịch Hội nhưng lãnh đạo, cán bộ Hội CCB huyện đã có rất nhiều nỗ lực, bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và Hội cấp trên triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm đạt kết quả tích cực. Điều thấy rõ là Ban chấp hành Hội cựu chiến binh các cấp đã cụ thể hóa nhiều chương trình, cuộc vận động như: "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo"; "Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi"; "Cựu chiến binh gương mẫu"; vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, giữ vững ổn định ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới; đấu tranh chống những quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng, chống âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; chống tham nhũng, lãng phí; tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đạt nhiều kết quả với nhiều tấm gương tiêu biểu và cách làm hay được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao, làm khá tốt các hoạt động nghĩa tình đồng đội, chăm lo hỗ trợ về nhà ở, vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nhất là phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đến Hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân. Đặc biệt là việc giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Đệ- Phó Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết, cứ vào tháng 11 hàng năm, Hội CCB huyện đề xuất nội dung giám sát cho năm tới, trong đó chọn vấn đề trọng điểm và sát sườn nhất là việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với hội viên CCB, cựu quân nhân. Một trong những chế độ chính sách mà Hội CCB quan tâm đó là Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, ngày 08/11/2005 về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước chưa được hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước; rà soát việc tồn đọng trong thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/01/2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; rà soát việc tồn đọng trong thực hiện chính sách bệnh binh cho CCB là quân nhân bị mắc bệnh tâm thần trong và sau làm nghĩa vụ quốc tế. Bên cạnh đó, các chế độ chính sách liên quan đến hội viên CCB như Nghị định 150/2006/NĐ-CP, các Quyết định 188/2007/QĐ-TTg, 142/2008/QĐ-TTg, 49/2015-QĐ-TTg và các Thông tư liên tịch đều được các cấp hội phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức, đồng thời rà soát, khảo sát nắm chắc đối tượng, phân loại từng đối tượng cụ thể và triển khai hướng dẫn lập hồ sơ đúng quy định, thẩm định và xét duyệt đúng quy trình.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Nguyễn Hữu Đệ thì sau khi được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất nội dung giám sát, Hội CCB huyện đã xây dựng kế hoạch, gửi đến các chủ thể liên quan là Ban Chỉ huy quân sự huyện, Phòng Lao động Thương binh và xã hội. Quá trình thực hiện giám sát, Hội CCB huyện không những chú trọng công tác đối thoại với cơ quan Quân sự và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thực hiện đầy đủ các bước, các quy trình, quy định về hồ sơ, thủ tục mà còn có giải pháp theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị sau giám sát. Cấp huyện là thế, còn đối với cấp xã, thị trấn, Thường trực Hội CCB huyện đã chỉ đạo Hội CCB xã, thị trấn tích cực và chủ động tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát việc giải quyết các chế độ chính sách cho hội viên CCB. Quá trình triển khai thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, phần đông các đối tượng về địa phương thời gian quá lâu, nhiều người không lưu giữ được hồ sơ có liên quan, một số đối tượng khó khăn đi làm ăn xa, có đối tượng từ nơi khác đến cư trú…nhưng với vai trò và trách nhiệm của mình, Hội CCB các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ hướng dẫn hội viên về hồ sơ, thủ tục; tham mưu, đề xuất và kết hợp với các cơ quan quân sự, ngành lao động – thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội để xét duyệt, rà soát, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, chính xác, đúng quy trình, đúng quy định. Quá trình xét duyệt trong từng giai đoạn, thực hiện đúng quan điểm chủ trương, không để xảy ra các trường hợp không đúng đối tượng hoặc trùng chế độ thụ hưởng, số hồ sơ được thẩm định đủ điều kiện hưởng chế độ ở các cấp luôn đảm bảo chất lượng cao.
…vì quyền lợi chính đáng của hội viên
Tôi nhớ hôm về thăm xã Chí Công, gặp ông Nguyễn Văn Hồng, một cựu chiến binh vừa mới nhận chế độ theo Quyết định 290. Cầm trên tay số tiền 8.200.000 đồng, anh Hồng không giấu được niềm vui chia sẽ: Thời đó tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc không nghĩ là mình sẽ được hưởng chính sách gì đâu mà chỉ nghĩ chiến đấu để bảo vệ vẹn toàn quê hương, đất nước, dân tộc mình. Giờ ngoài hưởng chế độ chính sách một lần, tôi còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tuổi già sức yếu được Đảng Nhà nước quan tâm như vậy là quý lắm.
Chí Công là một trong những xã có số lượng đối tượng giải quyết chế độ chính sách lớn và phần lớn không còn hồ sơ gốc, hay giấy tờ có liên quan, nhưng với quyết tâm không thể lọt đối tượng, Đảng ủy xã đã lãnh đạo chính quyền triển khai thực hiện tốt các chế độ chính sách theo đúng quy định. Ông Đào Minh Đức- Bí thư Đảng ủy xã nói “Năm 2019, toàn xã có 4 đối tượng nhận chế độ theo Quyết định 290 và 9 đối tượng nhân chế độ theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền từ 1 triệu đến hơn 8 triệu đồng. Việc làm đó có ý nghĩa xã hội to lớn, được các cấp, các ngành, nhân dân và các đối tượng chính sách đồng tình ủng hộ, góp phần thực hiện chính sách "Đền ơn đáp nghĩa" của Đảng”. Ông Đức cho biết, Hội Cựu chiến binh xã đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong quá trình triển khai các chính sách. Trong kháng chiến, họ là những người đồng chí, đồng đội; trong cuộc sống đời thường, họ vẫn luôn kề vai sát cánh, cùng nhau vượt qua khó khăn, tạo nên nghĩa tình thắm thiết. Hội cựu chiến binh đồng hành bảo vệ quyền lợi hội viên là việc làm đáng trân trọng.
Cũng như xã Chí Công, bao lớp thanh niên của xã Bình Thạnh lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nhiệm vụ quốc tế. Nhiều người cũng đã được giải quyết các chế độ chính sách theo quy định. Là người vừa nhận chế độ theo Quyết định 290 trong năm 2019, anh Trương Cao Hồng ở thôn 1, xã Bình Thạnh phấn khởi cho biết: “Tôi không còn giấy tờ nên cũng không hy vọng lắm nhưng nhờ Hội CCB xã, Ban CHQS xã và đồng đội chứng minh nên được giải quyết chế độ chính sách. Mừng lắm vì hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, ngoài được trợ cấp tiền tôi còn được cấp bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau bệnh tật”. Anh Hồng bày bỏ sự cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng thời hứa tiếp tục phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", truyền thống gia đình và quê hương, tích cực đóng góp công sức hơn nữa; động viên con em thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Tôi được biết Tuy Phong là địa bàn chiến lược quan trọng, nhân dân Tuy Phong có truyền thống cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Toàn huyện có 2.973 người có công và thân nhân người có công đang hưởng chế độ chính sách. Các chính sách của Đảng, Nhà nước đề ra hợp ý Đảng, lòng dân, được nhân dân và đối tượng chính sách đồng tình ủng hộ, có tác động tích cực đến đời sống chính trị - xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Năm 2019, trường hợp của ông Nguyễn Văn Hồng, Trương Cao Hồng là một trong số rất nhiều đối tượng được Hội CCB huyện chỉ đạo Hội CCB xã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước. Nếu tính từ năm 2015 đến nay, Hội CCB huyện đã phối hợp với Quân sự, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện giải quyết 8 trường hợp theo Quyết định 49 với số tiền 21.600.000 đồng; 351 trường hợp theo Quyết định 290 với số tiền 1.026.250.000 đồng; 834 trường hợp theo Quyết định 62 với số tiền 3.307.200.000 đồng, đồng thời giải quyết chế độ bảo hiểm y tế cho 1.749 người thuộc đối tượng theo Quyết định 49, 290, 62 với số tiền 505.795.406 đồng. Sau những năm tháng phục vụ trong quân ngũ, trở về địa phương, nhiều người phải đối mặt với cuộc chiến mới - cuộc chiến chống đói nghèo. Song chính chất “Bộ đội Cụ Hồ” được trui rèn trong những năm tháng quân ngũ đã tiếp cho họ sức mạnh để chiến thắng. Và, các chế độ chính sách được thực hiện kịp thời, công khai kết hợp với công tác tuyên truyền, tôn vinh công lao đóng góp của những người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế đã làm tăng thêm lòng tin, niềm tự hào, phấn khởi cho nhân dân và đối tượng chính sách đối với Đảng và Nhà nước.
Mang đậm tính nhân văn, phù hợp đạo lý, truyền thống dân tộc, thỏa lòng mong ước của những người tham gia kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế, Hội CCB các cấp đã thực hiện khá tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đồng hành bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên. Riêng những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy nay đã vào tuổi 60, có người đến tuổi “xưa nay hiếm” không giấu được niềm hạnh phúc bởi không những giá trị vật chất mà chính công lao của họ được Đảng, Nhà nước ghi nhận.
Rời Tuy Phong khi không khí chào đón xuân mới Canh Tý 2020 đang rạo rực trên những công trình, bao ngôi nhà xây mới và những kết quả phấn khởi sau một năm các cấp, các ngành và nhân dân thi đua lao động sản xuất, tôi vẫn nhớ và thấm thía cái nghĩa cái tình đồng đội của những cựu chiến binh “Bộ đội Cụ Hồ”.