Nốt nhạc …thăng trầm
Tháng 3, nắng gió vẫn ràn rạt, chúng tôi trở lại vùng đất xã Phú Lạc, nơi có nền văn hóa Chăm đặc sắc. Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Cửu Chi Thông, 70 tuổi, ngụ làng Lạc Trị, một trong 4 người của làng vẫn còn giữ chắc nhịp trống Ginăng. Bây giờ, trước "cơn lốc" của vô vàn thể loại âm nhạc đương đại ăn theo thị hiếu nhiều người trẻ, những người dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ về trống Ginăng không nhiều. Thế nên, khi thấy chúng tôi tìm tới nhà với mong muốn được tìm hiểu về loại nhạc cụ truyền thống này của người Chăm, ông Thông niềm nở trải lòng như gặp lại con cháu về thăm sau bao năm trời đằng đẵng xa quê.
Với vẻ rất thân tình, ông Thông bảo trống Ginăng là “đặc sản” của đồng bào Chăm, trọn bộ có 72 nhịp căn bản theo ông bà xưa truyền lại. Tuy trống có 4 thang âm chính, nhưng việc phối nhịp không phải dễ dàng, tuỳ theo tài năng của mỗi nghệ sĩ biểu diễn biến tấu sao cho có hồn, thu hút lòng người. Chẳng hạn, khi người Chăm kết thúc mùa màng lên Tháp thì nhịp điệu phải vui tươi, rộn rã; còn khi các vũ nữ uyển chuyển trong điệu múa Chăm thì tiếng trống phải dìu dặt xa đưa, bay bổng… Theo quan niệm người Chăm, những người có tâm hồn thanh thản, trong sáng thì đánh trống mới nghe rộn ràng, hùng hồn, còn những người có bụng dạ hẹp hòi, ích kỷ thì tiếng trống khó đi vào lòng người được. Chơi trống từ năm 25 tuổi, ròng rã hơn 45 năm trời, tiếng trống của ông đã đem lại niềm vui cho biết bao người trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm như Ka tê, Pô Đam, Ramưwan, múa cổ truyền…Ông Thông kể, thế hệ ông trước đây đi tìm thầy để học đánh trống Ginăng là kỳ công và tốn kém vô cùng. Người nào học đánh trống “nghe được” cũng phải tốn ít nhất 30 giạ lúa, còn người học thành tài, có đủ khả năng để biểu diễn trong các lễ hội của làng thì lúa phải tính bằng xe bò. Giờ, tìm người ngoài đã khó, còn trong nhà có 8 đứa con cả trai và gái, cháu chắt đủ đầy nhưng chẳng đứa nào theo nghiệp của ông. Đôi lúc ngồi nghĩ lại mà quặn đau gan ruột, bao nhiêu cái đẹp, cái hay của trống được ông cố gắng lĩnh hội, gìn giữ cốt để truyền cho thế hệ sau mà chẳng có ai để truyền.
Nắng ràn rạt, gió rít lên từng cơn ngoài hiên nhà, ông Thông hào hứng nổi trống "đãi" khách bằng những bản nhạc do chính ông dày công soạn thảo. Ngồi bệt xuống nền nhà đưa đầu gối nâng chiếc trống, tay phải cầm chiếc dùi gõ, còn những ngón tay trái nhảy múa uyển chuyển trên mặt trống. “Gừng càng già càng cay”, tiếng Ginăng vang lên bập bùng, rạo rực vũ điệu cuồng say, dâng trào như niềm tin thắng lợi, khi hiền dịu như gió mát lành bên thửa ruộng mỗi sớm mai, lúc êm đềm như tiếng nước con sông Lòng Sông xuôi về biển cả...Với đôi tay điêu luyện, chủ nhân của tiếng trống Ghi năng này từng làm say đắm biết bao chàng trai, cô gái Chăm vùng đất nắng gió Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhìn ông Thông ôm chiếc trống Ginăng vào lòng vuốt ve như báu vật, buông tiếng thở dài có vẻ như tiếc nuối, buồn xa xăm. Tôi hiểu nổi lòng sâu thẳm của ông, bởi thế hệ của ông giờ đã là “xưa nay hiếm”, giữ được "đời sống tinh thần ấy" là cả một đời ông cặm cụi sương gió, nhiệt huyết và niềm đam mê.
Chia tay ông Cửu Chi Thông, chúng tôi tìm đến nhà ông Bích Văn Sơn (60 tuổi) ở Lạc Trị. Ông Sơn được xem là người “có một không hai” ở Phú Lạc chơi kèn saranai. Nói chuyện với chúng tôi, ông Sơn bảo: “Tiếng kèn đã thấm vào máu tôi hơn 30 năm rồi. Học thổi kèn Saranai này ngoài sự đam mê, khổ luyện thì cần phải có cái duyên. Không có duyên thì kể như công cốc, vì cái duyên chính là cái hồn, cái tinh túy nhất để gắn liền với chiếc kèn này”. Theo ông Sơn, là nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm, tiếng kèn saranai với 45 điệu, lúc hân hoan réo rắt, lúc khắc khoải nối đất với trời. Nhưng việc truyền dạy rất khó khăn, thứ nhất là theo quan niệm xưa nay của đồng bào Chăm không được phép truyền dạy tại nhà, mà việc truyền dạy phải đem ra ngoài vườn, ngoài rẫy; thứ hai, người học phải có năng khiếu, đam mê và tâm huyết; thứ ba là các em các cháu bây giờ thích nhạc hiện đại, có tiết tấu nhanh, còn sự hiểu biết về nhạc cụ dân tộc còn hời hợt….Do cuộc sống gia đình khó khăn phải bươn chải kiếm sống nên việc luyện tập các ngón nghề cũng ít dần đi, độ dài của tiếng kèn càng ngắn lại, nhưng mỗi khi làng có hội, có lễ là ông “xách kèn” phục vụ bất kể ngày đêm. Thổi hết hơi, khàn giọng không phải là điều mà ông băn khoăn, cái lo của ông chính là, sau mình, ai sẽ là người nối dài tiếng kèn saranai của cha ông để lại.
Cơn gió chiều mênh man lẫn trong nổi lòng khắc khỏi vì chưa có người “nối nghiệp”, ông Kinh Hổ là một trong hai “nghệ nhân” ở làng Lạc Trị còn sử dụng thành thục trống Paranưng cho biết, đồng bào Chăm bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Gia đình và xóm làng no ấm hơn nên đời sống văn hóa tinh thần ngày càng nâng cao. Trong các lễ hội, ngày vui của làng không thể thiếu tiếng trống Paranưng, bởi nhạc cụ này chứa đựng cả thế giới tâm linh, tín ngưỡng riêng của đồng bào Chăm. Tiếng trống Paranưng vang lên, đó là âm hưởng linh thiêng, báo hiệu mùa lễ hội sắp đến, mùa màng bội thu nên ai nấy cũng vui vẻ phấn khởi để hòa mình vào các lễ hội của cộng đồng. Những vũ điệu Paranưng luôn được các chàng trai lựa chọn để “đấu” với nhau, chơi độc tấu hoặc cũng có thể dùng để đệm cho nhau hát và còn là phương tiện để bày tỏ tình cảm với các cô gái. Không biết tiếng trống Paranưng sẽ còn "sống" được đến bao lâu khi người "nối dõi" đang ngày càng "cạn kiệt"?
Tâm tư gửi gắm
Ông Kinh Duy Trịnh (64 tuổi), ở Phú Lạc, nguyên là giáo viên, có nhiều công trình biên khảo văn hóa Chăm, sách giáo khoa tiếng Chăm cho ngành giáo dục cho biết: Trong văn hóa Chăm, âm nhạc là sự kết nối thiêng liêng giữa con người với thần linh và vũ trụ bao la. Với cuộc sống của người Chăm hôm nay, những thanh âm bập bùng, réo rắt, huyền bí này còn là sự nối kết những người đang nặng lòng với văn hóa truyền thống Chăm xích lại gần nhau hơn, cùng hòa chung với những nền văn hóa của các dân tộc anh em. Tiếng trống Ginăng, Paranưng, kèn sararai “sống” được thì phải gắn liền với lễ hội, bởi đây là những loại nhạc cụ đặc biệt chỉ sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào Chăm, tự thân nó không tồn tại một cách đơn lẽ, “chơi” được trong tất cả các tiệc tùng, lễ hội như các loại nhạc cụ hiện đại khác. Tuy nhiên, môi trường sinh tồn của ca múa nhạc thay đổi nhiều quá, các nghệ nhân gạo cội dần dần già đi, còn thế hệ trẻ lại thoát ly đi lao động, không có thời gian và tâm trạng học tập lớp người đi trước, khiến văn hóa âm nhạc Chăm đứng trước nguy cơ mai một.
Rời Phú Lạc, vẫn còn đó những nỗi niềm đau đáu tìm người truyền lửa của những người đang giữ lửa. Có lẽ, các cơ quan chức năng, ngoài việc sưu tầm, ghi âm để lại, cần sử dụng, đưa giá trị âm nhạc sống động trong đời sống cộng đồng, lễ hội kết hợp du lịch, các hội thi trình diễn nhạc cụ, nhất là đối với lớp trẻ. Mặt khác, tạo điều kiện tốt cho các nghệ nhân và con em dân tộc Chăm có điều kiện, môi trường học tập truyền giao lại tay nghề, trình diễn âm nhạc của cha ông, dân tộc mình, từ đó vừa khuyến khích vừa tạo tình yêu, trách nhiệm về việc giữ gìn, tiếp nối, phát huy, bảo tồn và phát triển lại các loại hình âm nhạc, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chăm./.
Nhạc cụ Chăm sử dụng trong lễ hội bao gồm: Trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi, Hagar (trống con), Chiêng, Asăng (tù và), Tăngek (nhạc gõ bằng 2 cây gỗ)…là những nhạc cụ điển hình của các dân tộc Chăm, những di sản văn hóa hết sức quý giá từ ngàn đời nay, trong đó bộ ba trống Paranưng, Ginăng và kèn Saranai không thể tách rời nhau trong các lễ hội. Mỗi chiếc trống, chiếc kèn… được ví như những phần “hồn” của con người.
|