Trong thời gian qua, bên cạnh những yếu tố thuận lợi đã nêu ở trên, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự tập trung chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và sự nỗ lực của các địa phương công tác biên soạn Lịch sử truyền thống trên địa bàn huyện Tuy Phong đã đạt được nhiều kết quả: Huyện đã hoàn thành việc biên soạn và xuất bản LSTT Đảng bộ Huyện từ năm 1930 – 2000. Ở cơ sở: 02 thị trấn đã biên soạn lịch sử truyền thống địa phương đến năm 2000; 08 xã biên soạn Lịch sử truyền thống địa phương đến năm 2010.
Từ năm 2018 đến năm 2020, đã có 02 công trình lịch sử được xuất bản là: Lịch sử Đảng bộ xã Phú Lạc (1975-2015) và Lịch sử Lực lượng vũ trang huyện Tuy Phong (1975-2015). Các công trình lịch sử đã xuất bản cơ bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung mang tính thống nhất chung với lịch sử Đảng bộ huyện, đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của đơn vị, địa phương góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ huyện. Nội dung các quyển sách đã xuất bản tái hiện lại lịch sử khá đầy đủ, chân thực và sinh động, khắc phục từng bước sự phản ánh xuôi chiều; có đánh giá tổng kết thực tiễn lịch sử và rút ra bài học kinh nghiệm.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác biên soạn, Ban Thường vụ Huyện ủy còn thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân từ đó nhận thức về việc biên soạn lịch sử mang lại hiệu quả thiết thực. Việc tuyên truyền đã được cấp ủy các xã, thị trấn quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của đoàn thể; Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh các địa phương phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống vào các dịp 30/4, 27/7, 02/9, 22/12; ngoài ra, các tập lịch sử truyền thống còn được trưng bày tại Trung tâm học tập cộng đồng để phục vụ cán bộ, nhân dân có nhu cầu đến tìm đọc, nghiên cứu.
Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh Truyền hình huyện tăng cường công tác tuyên truyền lịch sử địa phương trên hệ thống truyền thanh, truyền hình nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và của địa phương. Lịch sử Đảng bộ địa phương được tổ chức giảng dạy cho học sinh ở các trường trung học cơ sở (lớp 6, lớp 8 có 01 tiết dạy vào cuối học kỳ II; lớp 7 dạy 01 tiết giữa học kỳ I và 02 tiết cuối năm; lớp 9 dạy 02 tiết vào học kỳ II) và trung học phổ thông (lớp 10 dạy 01 tiết, lớp 11 dạy 01 tiết, lớp 12 dạy 02 tiết vào học kỳ II); đồng thời lồng ghép trong các chương trình ngoại khóa, đạt kết quả khá tốt.
Nhìn chung, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã quan tâm chỉ đạo cấp uỷ các xã, thị trấn tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 120-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng một cách nghiêm túc đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp. Cấp ủy các cấp có quan tâm và cố gắng trong việc bố trí kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Các công trình lịch sử đã xuất bản cơ bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung mang tính thống nhất chung với lịch sử Đảng bộ huyện, đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của đơn vị, địa phương góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ huyện. Công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương đã được cấp ủy các xã, thị trấn quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú. Điều đó đã góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương, cổ vũ các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của huyện đã đề ra./.