Tại Đại hội VI (12/1986), Đảng nhấn mạnh: ‘’Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...’’.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, tại Đại hội VII (6/1991), lần đầu tiên Đảng nêu: ‘’cùng với chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh’’ và khẳng định: ‘’Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của dân tộc ta’’. Cương lĩnh 1991 khẳng định: ‘’Đảng lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động’’.
Trước Đại hội VII của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài diễn văn đọc tại Hội thảo quốc tế ‘’Hồ Chí Minh, Việt Nam và hòa bình thế giới’’ tổ chức ở Cancútta (Ấn Độ) ngày 14/01/1991 đã khẳng định: ‘’Tư tưởng Hồ Chí Minh là bước phát triển mới của chủ nghĩa Mác- Lênin được vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới ở Việt Nam’’; ‘’Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống diễn đạt khái quát lại, đó là: độc lập và thống nhất Tổ quốc, tự do và dân chủ cho nhân dân, công bằng và hạnh phúc cho mọi người, hòa bình và hữu nghị cho các dân tộc, sự phát triển các quan hệ văn hóa và nhân văn cho thời đại’’.
Giáo sư Trần Văn Giàu, trong bài viết trên báo Nhân dân ra ngày 15/3/1992, ông viết: ‘’Sự gắn bó đến nhất quán giữa cách mạng dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa đó là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Với Bác Hồ, cách mạng dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ là một ngọn cờ, luôn luôn lấy lợi ích của nước, của dân làm trọng. Độc lập là điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội mới củng cố được độc lập. Đó là tư tưởng Hồ Chí minh’’.
Trong bài nghiên cứu của mình, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ đưa ra định nghĩa như sau: ‘’Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống những luận điểm về cách mạng Việt Nam gắn liền với những biến động của thế giới trong thế kỷ XX, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, trên tất cả các lĩnh vực, có quan hệ đến đời sống của giai cấp và dân tộc, xã hội và con người, quốc gia và quốc tế’’[1].
Trong bài ‘’Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh’’, đồng chí Đào Duy Tùng đã viết: ‘’Tư tưởng Hồ Chí Minh- sản phẩm của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào thực tiễn Việt Nam- rất phong phú, bao trùm nhiều lĩnh vực’’[2].
Trong bài ‘’Tư tưởng Hồ Chí Minh- quá trình hình thành và nội dung cơ bản’’ trình bày ở Hội thảo khoa học của đề tài KX.02.01, họp ở Hà Nội, ngày 29-30/10/1992, bổ sung và phát triển nội dung định nghĩa đã nêu ở Hội nghị Cancútta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố vấn của Bộ Chính trị về vấn đề tư tưởng Hồ Chí Minh, đã viết: ‘’Tư tưởng Hồ Chí Minh là bước phát triển mới và sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, kết hợp với chủ nghĩa yêu nước và truyền thống văn hóa, nhân ái Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây; là lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phát triển không ngừng lên cách mạng xã hội chủ nghĩa; giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ văn minh và giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa vì hòa bình và phát triển của nhân dân các dân tộc trên thế giới’’.
Tại Đại hội IX (4/2001), Đảng ta có bước phát triển trong nhận thức và tư duy lý luận khi khẳng định: ‘’Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta’’.
Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn Giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở định hướng cơ bản của Đại hội IX, đã bước đầu định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh như sau: ’’Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người’’.
Đại hội XII (01/2016) khẳng định: ‘’Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện ‘’tự diễn biến’’, ‘’tự chuyển hóa’’ trong nội bộ’’.
Tại Đại hội XIII của Đảng, khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, nêu ‘’... kiên định niềm tin vào chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn’’. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu quan điểm chỉ đạo: ‘’Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa’’. Báo cáo chính trị Đại hội XIII: ‘’Việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW... được thực hiện đồng bộ với các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu’’.
Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW[3], những năm qua, các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội đã thực hiện những chủ đề, nội dung cụ thể, thiết thực đạt được nhiều kết quả khả quan. Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh không những ngày càng lan tỏa rộng rãi, mà đã bén rễ, ăn sâu trong đời sống xã hội, trở thành phương châm hành động trong mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, trong mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Cả nước đang triển khai thực hiện chuyên đề năm 2022 ‘’Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay’’ sẽ là bước ngoặt lớn trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, công tác cán bộ./.
[1] Báo Nhân dân, ngày 15/5/1992.
[2] Tạp chí Cộng sản, số 5-1992.
[3] Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động ‘’Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’.
Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về ‘’Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’.
Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về ‘’Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’’.