Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nhưng lúc này Trang trại ớt chim của anh Huỳnh Thanh Toán (28 tuổi) ở Bình Thạnh đã có nhiều người lui tới đặt hàng, có cả khách hàng “nghiện” ớt chim ở tận TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Phan Thiết… cũng đặt hàng qua điện thoại.
Dẫn chúng tôi dạo quanh trang trại hơn 1,5 ha trên vùng đất cát, anh Toán cho biết ớt chim Bình Thạnh sản sinh từ tiêu hóa của loài chim tự nhiên thải ra trong quá trình di cư, sinh sống nên có điều kiện phát triển rất tốt mặc cho thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở nơi đây khá khắc nghiệt. Và cũng chính vì vậy nó còn có tên gọi khác là ớt chim ỉa. Để nâng cao chất lượng trái ớt chim, anh Toán đã đưa vào trồng theo quy trình khép kín bằng nhà lưới diện tích 600 m2, áp dụng cách tưới và chỉ sử dụng loại phân chuồng từ nuôi bò, gà để bón cho ớt theo quy trình tự nhiên, đảm bảo cho sản phẩm sạch và an toàn khi sử dụng.
Người dân ở Bình Thạnh cho biết, trước đây thấy một loài ớt trái bé xíu mọc lên tự nhiên, bà con nông dân xem cây ớt chim này như một loại ớt rừng chỉ để làm vui cho vườn rẫy. Thế rồi khi du lịch Bình Thạnh phát triển, ẩm thực cũng từ đó “lên ngôi” với sự có mặt của trái ớt chim Bình Thạnh trong các món ăn đặc sản xứ biển từ cá, mực, ốc, sò, cua, ghẹ… Hình dáng đặc sắc, vị ngon nồng nàn, hương thơm lan tỏa của trái ớt chim Bình Thạnh theo du khách đi khắp mọi miền đất nước. Kể cũng lạ, những cây ớt chỉ cao khoảng nửa mét, trái bé xíu mọc hoang dại ở vườn rẫy, sườn núi đồi, hoàn toàn không có sự chăm sóc, bón phân, giờ đã khẳng định thương hiệu, thực sự là một loại đặc sản quý hiếm của vùng đất Bình Thạnh đầy nắng gió. Tuy nhiên, quá trình đưa cây ớt sống phân tán vào tập trung không phải dễ dàng. Chính vì vậy, mặc dù ớt chim mang giá trị kinh tế rất cao nhưng cũng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng. Năm trước, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, giá ớt chim từ 500.000 đồng/kg đã tăng lên gần 1.000.000 đồng/kg nhưng nguồn cung lại rất khan hiếm.
Ông Trần Văn Ba (55 tuổi) ở Bình Thạnh cho biết, với đặc tính riêng của cây ớt chim Bình Thạnh. Nó phải “sống” trên đất Bình Thạnh, chịu đựng cái nắng, cái gió và thấm đẫm hơi sương, sự mặn mòi của biển thì mới có độ ngon, cay, thơm đúng điệu, còn nếu đem đi trồng ở xứ khác thì không còn hương vị đặc trưng.
Khu du lịch Bình Thạnh thu hút khách 1,4 triệu khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm. Chị Trần Thị Hương (28 tuổi) một du khách của TP. Hồ Chí Minh cho biết, về Bình Thạnh du lịch đâu chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà còn để khám phá văn hóa ẩm thực trong những món ăn đậm đà hương vị, thơm ngon nức tiếng nơi này… Thích nhất là các món hải sản ăn kèm với chén muối tiêu chanh, với dĩa đồ chua, rau răm và đặc biệt được “nhấm” thêm trái ớt chim Bình Thạnh. Theo chị Hương, người Bình Thạnh hào phóng lắm, ớt chim mặc dù có giá đắt thế nhưng hễ ai ăn được bao nhiêu thì cứ lấy. Bởi vậy mà ai ăn rồi cũng mê mệt, cũng nghiện rồi cũng đặt mua cho bằng được loại ớt chim này để đem về dự trữ hay làm quà biếu cho người thân, bạn bè.
Bà Huỳnh Thị Thu Thiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh cho biết, Hội Nông dân xã đã đăng ký thương hiệu ớt chim Bình Thạnh và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu ớt chim Bình Thạnh trong năm 2019. Với thương hiệu này cùng với cách làm mới của người nông dân, ớt chim Bình Thạnh ngày càng phát triển hơn nữa, vươn cao vươn xa đến khắp mọi miền Tổ quốc và trở thành một món đặc sản thực sự hấp dẫn thu hút được đông đảo khách du lịch đến với nơi đây.
Nếu như vùng Tây nguyên có thương hiệu cà phê chồn độc đáo được tạo ra từ chính quá trình tiêu hóa tự nhiên của loài chồn, thì ớt chim Bình Thạnh (Tuy Phong) cũng là một thương hiệu khá nổi tiếng, một đặc sản tự nhiên ở xứ biển mặn mòi…
|