Hàng năm triển khai đến các đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, phổ biến các chính sách liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học. Thúc đẩy nghiên cứu, khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân tích cực tham gia học tập, nghiên cứu khoa học trên từng lĩnh vực có liên quan nhằm phục vụ tốt hoạt động chuyên môn của từng ngành.Thường xuyên tiến hành rà soát, tổ chức tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động đối với nhân sự chuyên ngành sinh học để bổ sung cho các đơn vị, nhất là các trường học còn thiếu để đáp ứng kịp thời yêu cầu, tình hình dạy và học môn công nghệ sinh học ở bậc trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Huyện đã xây dựng hoàn chỉnh 01 phòng xét nghiệm đạt chuẩn an toàn sinh học cấp II cho Trung tâm y tế huyện.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của các cấp, các ngành nên việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp đã đặt được những kết quả đáng kể: Mô hình sản xuất lúa bằng biện pháp 3 giảm 3 tăng, phương pháp hữu cơ, ... đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa đồng thời giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm; đã ứng dụng, chuyển giao thành công các giống tiến bộ được sản xuất bằng công nghệ sinh học như bạch đàn, keo lai,....góp phần thúc đẩy nhanh việc trồng rừng; ứng dụng thành công qui trình sản xuất tôm giống bằng công nghệ vi sinh (giai đoạn Naw – Zoa – Mysys: chủ yếu dùng men vi sinh xử lý nước, phân hủy thức ăn dư thừa; giai đoạn Post: dùng men vi sinh xử lý nước, phân hủy thức ăn dư thừa và xử lý đường ruột) và đưa công nghệ này vào sản xuất tại các trại tôm giống ở Vĩnh Tân, Chí Công, mỗi năm cung ứng trên 20 tỷ tôm giống ra thị trường; Ứng dụng công nghệ kỵ khí, biogas và chế phẩm E.M để xử lý chất thải, nước thải trong quá trình chăn nuôi (xây dựng hầm bigoas; dùng chế phẩm E.M trộn vào thức ăn, nước uống xử lý phân giảm mùi hôi, sử dụng đệm lót sinh học bằng chế phẩm BALASA N01 trong chăn nuôi gà, heo....).Việc ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, phòng chống sâu bệnh hại đối với cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy hải sản; sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ nuôi cấy mô đã nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp. Đang phối hợp thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng điều trị bệnh gout từ loài địa y trên địa bàn huyện.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần hạn chế dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dập dịch, tiêu độc khử trùng; Góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Từng bước nâng cao tính ổn định, giảm dần tính phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất/đơn vị diện tích canh tác; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ lạc hậu, thủ công thay đổi dần bằng tập quán canh tác hiện đại, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ngành chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến cả về cơ cấu, chất lượng đàn cũng như những thay đổi về phương thức tập quán chăn nuôi. Hệ thống giống lợn, bò, dê, cừu, gia cầm đã được cải tiến: Tỷ lệ máu ngoại trong tổng đàn được nâng lên, quy mô và công nghệ cũng có nhiều chuyển biến.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế: Một số hộ nông dân còn mang nặng tâm lý hoài nghi công nghệ sinh học nên chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phần nào ảnh hưởng đến kết quả triển khai và ứng dụng công nghệ sinh học. Ngoài ra, đời sống của nhân dân đa số còn rất nhiều khó khăn nên việc đầu tư áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án từ ngân sách nhà nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, Tuy Phong đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm: Tranh thủ các vốn hỗ trợ từ các chương trình hợp tác đầu tư với nước ngoài, từ trung ương đến địa phương, nguồn xã hội hóa (nếu có) để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học. Phối hợp với các cấp, các ban, ngành có liên quan để đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, đáp ứng kịp thời tình hình, yêu cầu liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học.
Từ đó, đề ra giải pháp đột phá để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học giai đoạn đến năm 2030 là triển khai đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp để tạo ra được một số sản phẩm chủ lực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà./.