Theo đó, nội quy tiếp công dân có 4 điều, gồm (Quyền và nghĩa vụ của công dân; Trách nhiệm của người tiếp công dân; Những trường hợp người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp công dân; địa điểm, thời gian tiếp công dân).
Nội quy quy định người tiếp công dân phải tôn trọng công dân, bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân; không sách nhiễu, gây phiền hà hoặc cản trở quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Tiếp nhận đơn, lắng nghe, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng luật định, đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết. Công khai, dân chủ, kịp thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân. Giữ bí mật cho người tố cáo theo quy định của pháp luật.
Nội quy tiếp công dân cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân là được thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định pháp luật; nghiêm cấm các hành động, lời nói kích động, gây rối trật tự, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến Đảng, Nhà nước và uy tín, danh dự người tiếp công dân, người thi hành công vụ. Trường hợp nhiều người (từ 03 người trở lên) cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện. Không được mang theo các vật dễ cháy, nổ, chất độc hại, hung khí, súc vật hay trẻ em và quay phim, chụp ảnh, ghi âm vào nơi tiếp công dân.