Có thể thấy rằng, trong những năm qua, kinh tế thủy sản có những bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, giá trị tăng thêm (GDP) ngành thủy sản bình quân hằng năm 7,88%, chiếm tỷ trọng 19,76% cơ cấu GDP của huyện. Công suất tàu thuyền tăng theo hướng phát triển thuyền công suất lớn, trang bị thiết bị hiện đại; sản lượng khai thác hải sản tăng nhanh qua từng năm. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường, kiềm chế các vi phạm có tính nghiêm trọng. Huy động nguồn vốn khá lớn của nhiều thành phần kinh tế để phát triển nuôi trồng thủy sản; diện tích và sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục tăng. Cơ cấu sản phẩm chế biến chuyển biến theo hướng phát huy nguồn nguyên liệu có lợi thế của địa phương. Kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế thuỷ sản được quan tâm đầu tư, nhất là các tuyến kè ở các xã, thị trấn Liên Hương, Phước Thể, Bình Thạnh…
Tuy nhiên, kinh tế thuỷ sản phát triển thiếu đồng bộ; chuyển đổi ngành nghề trong khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ còn lúng túng. Hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nghề cá. Mạng lưới dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển chưa ổn định, còn nhiều rủi ro. Sản phẩm chế biến chủ lực có giá trị kinh tế cao chiếm tỷ trọng thấp. Lao động nghề cá không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu tiếp cận các kỹ thuật mới, hiện đại cũng như tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa phát huy hết vai trò của kinh tế tập thể và các hình thức liên kết trong phát triển kinh tế thủy sản...
"Đặc sản Cù Lao Câu"
Để tiếp tục phát huy lợi thế về tiềm năng thủy sản trên địa bàn huyện, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế thủy sản trên cơ sở ổn định, bền vững và hiệu quả kinh tế ngày càng được nâng cao; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định một số quan điểm phát triển kinh tế biển đến năm 2015, đó là: Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng sản xuất hàng hoá; nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có tính cạnh tranh trên cơ sở khai thác, sử dụng tốt tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên biển và lao động; gắn khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản với bảo vệ môi trường; đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ nghề cá; nâng cao năng lực quản lý về thuỷ sản trên cơ sở tiếp cận khoa học về quản lý tổng hợp nghề cá có sự tham gia của cộng đồng. Phát triển kinh tế thuỷ sản phải gắn với quyền và quyền chủ quyền biển đảo.
* Một số chỉ tiêu chủ yếu
- Tổng giá trị tăng thêm (GDP) ngành thủy sản bình quân hằng năm: 12,44%.
- Tỷ trọng kinh tế thủy sản trong GDP của huyện: 19,2 %.
- Sản lượng khai thác hải sản: 49.750 tấn.
- Bình quân công suất tàu thuyền: 78,6 CV/chiếc.
- Ổn định diện tích nuôi tôm: 389 ha.
- Sản lượng tôm nuôi: 4.000 tấn.
- Sản lượng tôm giống: 9 - 10 tỷ post.
* Một số giải pháp chủ yếu:
1- Tổ chức khảo sát toàn diện thực trạng kinh tế thuỷ sản trên địa bàn huyện, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế thủy sản để triển khai thực hiện.
2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường
3- Tập trung phát triển khai thác hải sản với cơ cấu thuyền nghề hợp lý ở cả ba tuyến: bờ, lộng, khơi; giảm dần khai thác ven bờ, tiến tới ổn định số lượng thuyền và cường độ khai thác hợp lý, bố trí chủ yếu là các nghề khai thác có tính chọn lọc như: mành chà, các loại lưới rê, nghề câu, nghề lặn; đưa dần các loại nghề khai thác chủ động như: vây rút chì, nghề chà, giã… ra tuyến lộng và tuyến khơi. Chú trọng phát triển thuyền công suất lớn, trang bị hiện đại, khai thác hải sản xa bờ, phấn đấu hình thành tàu dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển; thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát huy hiệu quả của khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Tiếp cận quản lý tàu cá thông qua hệ thống thông tin tàu cá nhằm cảnh báo, ứng phó kịp thời các tai nạn, rủi ro trên biển, tăng cường bảo vệ, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển.
4- Ổn định diện tích nuôi tôm thịt và tôm giống theo quy hoạch đối với tôm thẻ và tôm sú; xử lý tốt vấn đề môi trường, quản lý tốt chất lượng tôm giống để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, chú trọng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá mú, cá bớp, tôm hùm và thử nghiệm nuôi một số nhuyễn thể 2 mảnh vỏ,...
5- Thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến mới có công nghệ hiện đại, khuyến khích đổi mới công nghệ, trang thiết bị các cơ sở chế biến thuỷ sản hiện có; phấn đấu áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cho một số doanh nghiệp lớn có điều kiện, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm thuỷ sản chủ lực; đa dạng hoá các mặt hàng thuỷ sản chế biến, nâng tỷ trọng các mặt hàng có giá trị cao đủ điều kiện xuất khẩu và cung cấp thị trường trong nước.
6- Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế thủy sản; đầu tư xây dựng Cảng cá Phan Rí Cửa (giai đoạn 2), khu neo đậu tàu thuyền Liên Hương, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão Chí Công, các khu đóng sửa tàu thuyền Phan Rí Cửa, Phước Thể, các tuyến kè biển Liên Hương, Phan Rí Cửa, Chí Công, Hoà Phú, Vĩnh Hảo, Bình Thạnh, khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung xã Chí Công, cụm công nghiệp chế biến thuỷ sản Hoà Phú...
7- Vận dụng tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế thủy sản của Chính phủ để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng, dịch vụ nghề cá, đầu tư vốn, công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh. Khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ đoàn kết và các hình thức liên kết kinh tế khác trong khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Xây dựng và phát triển Nghiệp đoàn nghề cá theo chỉ đạo của tỉnh.
8- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nghề cá, tăng cường công tác khuyến ngư, nâng cao năng lực quản lý về thuỷ sản trên cơ sở tiếp cận khoa học về quản lý tổng hợp nghề cá có sự tham gia của cộng đồng.
9- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thủy sản; tăng cường đào tạo ngắn hạn cho lao động nghề cá, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá...; củng cố đội ngũ cán bộ quản lý thủy sản cấp huyện và cấp xã.
MINH CHIẾN