Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện quan tâm củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống khám chữa bệnh và điều trị bằng y học cổ truyền (YHCT) từ huyện đến cơ sở, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân; nhiều cơ sở Đông y được thành lập và cấp phép hoạt động, đóng góp tích cực vào hoạt động khám và chữa bệnh. Đồng thời, hướng dẫn, vận động người dân trồng và sử dụng thuốc nam theo phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại nhà”. Hàng năm Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, xã, thị trấn đều đưa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân vào Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công tác khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT, YHCT kết hợp y học hiện đại được ngành y tế huyện quan tâm và triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả. Tính từ năm 2008 đến nay, Hội Đông y huyện và cơ sở khám, chữa bệnh cho 472.941 lượt người, đạt 157% kế hoạch huyện giao (theo giai đoạn); Trung tâm Y tế huyện thực hiện 468.801 lượt khám và điều trị theo phương pháp YHCT, trong đó có 94.345 lượt khám bằng phương pháp không dùng thuốc.
Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, thuộc Trung tâm Y tế huyện (gọi là Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng) và Tổ Đông y, thuộc Phòng Khám đa khoa Phan Rí Cửa (gọi là Tổ Đông y) được đầu tư trang thiết bị, dụng cụ để triển khai công tác khám bệnh, chữa bệnh về YHCT, phục hồi chức năng cơ bản được đảm bảo. Nhiều năm qua, Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng và Tổ Đông y luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu khám, chữa bệnh được giao. Có 10/11 trạm y tế có tổ chức khám chữa bệnh bằng YHCT, trong đó có 01 trạm y tế có Tổ đông y hoạt động lồng ghép (xã Chí Công), duy trì hoạt động ổn định từ năm 1987 đến nay. Ngoài ra, còn có 07 Tổ chẩn trị Hội Đông y xã, thị trấn và 15 phòng khám Đông y của cán bộ, hội viên được trang bị dụng cụ huyết áp kế, nhiệt kế, máy châm cứu, máy mát-xa… và các loại thuốc đông - tây y để điều trị các bệnh thông thường như huyết áp, hạ sốt, đau đầu, nôn ói, an thần…
Các cơ sở y tế thực hiện đầy đủ các dịch vụ, kỹ thuật về YHCT theo danh mục kỹ thuật được Giám đốc Sở Y tế phê duyệt (điều trị chuyên khoa; kết hợp với y học hiện đại; điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt...). Việc khám và điều trị bệnh bằng phương pháp YHCT mang hiệu quả tích cực, đặc biệt là khám và điều trị các bệnh liên quan đến cơ, xương, khớp như thoái hóa cột sống, đau cổ vai, cánh tay, đau thần kinh tọa...
Công tác quản lý nhà nước về Đông y, Đông dược được tăng cường; hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo thành lập các tổ kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn huyện; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những sai sót; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định gắn với công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
Công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về YHCT cho nhân viên y tế và cán bộ, hội viên Hội Đông y được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Lực lượng làm công tác Đông y trên toàn huyện hiện nay có 06 bác sĩ (trong đó có 01 bác sĩ chuyên khoa cấp I), 21 y sĩ, 03 điều dưỡng, 01 dược sỹ trung cấp, 35 Lương y trung cấp và sơ cấp, 07 Lương dược sơ cấp và 06 cán bộ công tác ở Trạm Y tế được đào tạo (y sĩ đa khoa định hướng Y – Dược cổ truyền) và phụ trách công tác y – dược cổ truyền, thực hiện công tác khám, chữa bệnh YHCT và YHCT kết hợp với y học hiện đại. Hàng năm, Hội Đông y huyện phối hợp với Hội Đông y tỉnh hội tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Đông y cho cán bộ, hội viên cơ sở nhằm nâng cao kiến thức Đông y, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, do các giáo viên Hội Đông y tỉnh giảng dạy.
Việc trồng và sử dụng cây thuốc nam phục vụ công tác chẩn trị YHCT được ngành y tế quan tâm. Hiện nay, có 10/10 Hội Đông y các xã, thị trấn có trồng cây thuốc nam với tổng diện tích khoảng 8.280m2, với hơn 40 chủng loại khác nhau, góp phần phục vụ công tác khám, chữa bệnh; một số Hội Đông y cơ sở trồng thuốc nam với diện tích lớn, phong phú về chủng loại dược liệu để lấy nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh như: Hòa Minh, Hòa Phú, Phong Phú, Bình Thạnh; Hội Đông y huyện trồng 01 vườn thuốc nam với diện tích 200m2 để làm mẫu và học tập. Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Tổ Đông y, các Trạm y tế đều trồng cây thuốc nam mẫu với số lượng khoảng 40 cây theo danh mục quy định của Bộ Y tế nhằm giới thiệu, tuyên truyền về công dụng của thuốc nam, phổ biến các bài thuốc dân gian để chữa các bệnh thông thường. Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện nay có vài hộ gia đình trồng cây đinh lăng tự phát diện tích khoảng vài hecta để bán cho các cơ sở thu mua dược liệu.
Công tác thừa kế, phát huy, phát triển vốn quý y dược học cổ truyền được Trung tâm Y tế huyện, Hội Đông y huyện quan tâm, tổ chức các hội thảo, hội nghị về các đề tài khoa học nghiên cứu, tổng kết cách dùng các cây thuốc nam và phương pháp trị bệnh không dùng thuốc. Hàng năm, Hội Đông y huyện duy trì việc tổ chức Hội thảo chuyên đề về đông y và tổng hợp phát hành “Tập san đông y” nhằm ghi lại những bài thuốc hay, những cây thuốc quý trong dân gian; từ năm 2008 đến nay, Hội Đông y huyện đã xuất bản 17 cuốn tập san. Trung tâm Y tế huyện tổ chức Hội thảo nghiên cứu khoa học về công tác điều trị bệnh, đã có nhiều đề tài đăng ký, được ghi nhận và triển khai trong thực tế mang lại hiệu quả, trong đó có 03 đề tài liên quan điều trị bệnh theo phương pháp YHCT.
Nguồn nguyên liệu, thuốc thiết yếu phục vụ cho nhu cầu khám, chữa bệnh cơ bản đảm bảo. Giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2023, tổng kinh phí mua dược liệu, vị thuốc, thuốc và thuốc dược liệu tại Trung tâm Y tế huyện hơn 80 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua dược liệu và vị thuốc hơn 04 tỷ đồng và kinh phí mua thuốc, thuốc dược liệu hơn 76 tỷ đồng; nguồn thuốc sử dụng cho khám, chữa bệnh tại Trung tâm y tế huyện được đấu thầu theo quy định; dạng thuốc rất phong phú, có chất lượng (viên, nang, hoàn, si rô, cao dán…); các Trạm y tế được Trung tâm y tế cung ứng theo danh mục dự trù, không giới hạn số lượng, chủng loại thuốc.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong y tế, giai đoạn 2014-2019 hợp đồng với Công ty TNHH Khang Minh đặt 02 máy sắc thuốc và đóng gói tự động tại Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng và Tổ Đông y… để điều chế thuốc nước thành phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT, điều trị các bệnh về xương khớp và thần kinh. Trên địa bàn huyện hiện có 15 phòng chuẩn trị và 07 cơ sở kinh doanh thuốc thành phẩm đông dược và dược liệu đang học động theo quy định, thực hiện các hoạt động khám và châm cứu, điều trị, xem mạch, cho toa, bốc thuốc điều trị những bệnh thông thường trong điều trị ..., tạo điều kiện thuận lợi để người dân lựa chọn việc phương pháp khám, điều trị bệnh theo nhu cầu, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Hội Đông y huyện phát triển với 10 tổ chức Hội cơ sở, 120 hội viên (tăng 05 tổ chức hội cơ sở và 72 hội viên so với năm 2008), trong đó có 02 cán bộ chuyên trách. Từ năm 2008 đến nay, đã kết nạp 130 hội viên, đạt 100% chỉ tiêu kết nạp hội viên hàng năm do Hội Đông y tỉnh giao; chất lượng hoạt động của Hội Đông y từ huyện đến cơ sở tương đối ổn định, hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao hàng năm.
Trong 15 năm qua Hội Đông y từ huyện đến cơ sở đã triển khai thực hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Điều lệ Hội: Xây dựng tổ chức hội rộng khắp trên toàn huyện, có 10/11 xã, thị trấn có tổ chức hội, các hội cơ sở duy trì thường xuyên việc khám, chữa bệnh bằng đông y và các bài thuốc gia truyền, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân; tuyên truyền trong hội viên, Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của các loại cây thuốc nam thông thường, cách chữa trị đơn giản; duy trì việc tổ chức gặp mặt, giao lưu, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, thu thập nhiều môn thuốc, vị thuốc, bài thuốc có giá trị gắn với công tác sưu tầm, nuôi trồng, khai thác, bảo tồn, phát triển dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như: Cây thiên môn, tâm thất rừng, tam thất nam, nghệ hương, nghệ tím, xuyên tâm liên, xạ vàng, ngãi đen... Từ năm 2008 đến nay, đã thực hiện khám, chữa bệnh cho 472.941 lượt người, với tổng số tiền trên 15,7 tỷ đồng; trong đó, điều trị bằng các phương pháp châm cứu, lễ, xoa bóp 170.467 lượt, sử dụng 280.866 thang thuốc, 77.029 chai, 140.073 hộp và 36087 gói cao, đơn, hoàn, tán để điều trị bệnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ người dân thực hiện điều trị bằng phương pháp đông y chưa cao và có xu hướng sử dụng tây y khi mới mắc bệnh, dù bệnh nhẹ. Mô hình Tổ chẩn trị Đông y lồng ghép trạm y tế chưa được triển khai nhân rộng ở các xã, thị trấn. Hội Đông y xã, thị trấn có nơi còn hoạt động cầm chừng, chưa chủ động tham mưu triển khai các hoạt động chuyên môn của Hội, công tác tập hợp hội viên chưa mạnh; có Hội ngưng hoạt động trong thời gian dài do chưa có nhân sự chủ chốt (Hội Đông y xã Vĩnh Tân). Còn 5/10 trạm y tế xã, thị trấn chưa có nhân viên y tế được đào tạo (y sĩ đa khoa định hướng Y – Dược cổ truyền) và phụ trách công tác y – dược cổ truyền, thực hiện công tác khám, chữa bệnh YHCT và YHCT kết hợp với y học hiện đại; có trạm còn thiếu trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh đông y. Chất lượng hoạt động của Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng tại Trung tâm Y tế có thời điểm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu bệnh nhân trong tình hình mới.
Đông y có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là hỗ trợ tự chăm sóc tại cộng đồng và y tế cơ sở, trên thực tế đã khẳng định tác dụng hiệu quả đối với người bệnh trong công tác điều trị; trong thời gian đến với nhiều bệnh mạn tính, bệnh mới nổi và các bệnh khó chữa, nhu cầu về tự chăm sóc và chữa bệnh tại cộng đồng sẽ ngày một tăng lên, đông y sẽ là một trong những lựa chọn ưu tiên để thực hiện. Do đó, cần phải đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn cho lực nhân viên y tế, phát triển điều kiện cơ sở vật chất, tuyên truyền nhân rộng và phát triển các bài thuốc hay để đáp ứng nhu cầu người dân trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng hoạt động của Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng để đáp ứng được nhu cầu bệnh nhân trong tình hình mới gắn với chỉ đạo nhân rộng Mô hình Tổ chẩn trị Đông y lồng ghép trạm y tế ở các xã, thị trấn. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến các kiến thức về y, dược học cổ truyền tại cộng đồng, tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên hội đông y và Nhân dân nuôi, trồng các loại dược liệu dùng làm thuốc để đảm bảo phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa phương./.