Ngay khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, Tuy Phong chịu tác động không nhỏ từ các vấn đề kinh tế-xã hội, nhất là việc khắc phục ô nhiễm môi trường; mưa lũ, hạn hán để lại hậu quả nặng nề trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có thời điểm diễn biến phức tạp; nhu cầu nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, cùng với những khó khăn nội tại của các doanh nghiệp, nhân dân...
Trong hoàn cảnh ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tuy Phong đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí, đề ra các giải pháp, biện pháp và hướng đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc tổ chức thực hiện. Trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm, then chốt về phát triển kinh tế-xã hội, củng cố và giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh mà huyện tập trung ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong đó nổi bật với 2 lĩnh vực đột phá về nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nhất là chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch theo Nghị quyết Đại hội đề ra. Đảng bộ huyện xác định, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, duy trì nền nếp, quy chế làm việc, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải được chú trọng đúng mức. Với phương châm: rõ người, rõ việc để đánh giá đúng chất lượng, năng lực cán bộ, công chức làm cơ sở sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp, Tuy Phong đã có bước chuyển mới sau khi ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nhất là chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn huyện đến năm 2020”.
Với nỗ lực ấy, công tác lãnh đạo của cấp uỷ, sự chỉ đạo, điều hành, quản lý của chính quyền và sự phối hợp của mặt trận, đoàn thể ngày càng tốt hơn, nhất là xác định và lựa chọn chủ đề từng năm để định hướng, tập trung nguồn lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường, giải phóng mặt bằng, giải quyết các vấn đề bức xúc kéo dài trước đây...Tuy nữa nhiệm kỳ, nhưng có nhiều chỉ tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trọng tâm đạt mức khá so kế hoạch; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng, đến cuối năm 2018: Công nghiệp- Xây dựng chiếm 49,86%; Dịch vụ- Thương mại- Du lịch: 29,42%; Ngư- Nông- Lâm: 20,72%. Tốc độ chuyển dịch nhanh và ổn định: Công nghiệp- Xây dựng bình quân tăng hàng năm 12,31%; Dịch vụ- Thương mại- Du lịch tăng 11,94%; Ngư- Nông- Lâm nghiệp tăng 9,9%. Kinh tế tiến triển nhanh, nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, một số xã, thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa, Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo phát triển khởi sắc hơn. Điều đáng mừng là Tuy Phong có sự bứt phá phát triển với quy mô và sức cạnh tranh được nâng lên, từng bước khẳng định rõ vai trò, vị trí là địa bàn năng động phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy Phong không chỉ nổ lực rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm mà còn thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, công dân; nhờ đó số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư tăng khá cao so với đầu nhiệm kỳ. Đến nay, nhiều công trình quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng sẽ tạo tiền đề để đến năm 2020, tiếp tục đưa Tuy Phong thành vùng phát triển công nghiệp sôi động của tỉnh, trong đó có Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, Khu công nghiệp Tuy Phong, Cụm Công nghiệp chế biến thủy sản Hòa Phú, Nhà máy điện gió Bình Thạnh, Nhà máy điện gió Phú Lạc và 21 dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời (trong đó, có 09 dự án đã được cấp quyết định đầu tư, 12 dự án còn lại đang xúc tiến các thủ tục cần thiết). Sắp tới đây, tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn Tuy Phong sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để Tuy Phong tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Một điểm sáng ấn tượng nữa là sau khi Đề án “Đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch” ra đời đã tạo “cú hích” mạnh mẽ lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Trong hai năm rưỡi, trên địa bàn huyện đã thành lập 72 công ty, doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 8.646,5 tỷ đồng, 1.596 hộ kinh doanh cá thể chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực thương mại–dịch vụ. Điều dễ nhận thấy ở Tuy Phong là có rất nhiều ngân hàng, siêu thị, doanh nghiệp vận tải, công ty may và các cơ sở dịch vụ kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, ăn uống, du lịch...Các công ty, doanh nghiệp này tiếp tục mở rộng quy mô, khai thác tốt thị trường, nguồn lao động tại chổ, tạo nên diện mạo sầm uất, khởi sắc ở các xã, thị trấn vốn khó khăn trước đây của huyện. Vùng đất mệnh danh là “nắng và gió” đã trở thành lợi thế, chuyển mình đổi thay khai thác tốt tiềm năng du lịch, trong đó có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa. Các dự án du lịch được chấp thuận đầu tư, kết cấu hạ tầng phát triển du lịch ngày càng tốt hơn, thu hút 1.299.574 lượt khách du lịch, trong đó lượng khách nước ngoài tăng lên hàng năm...đã góp phần thúc đẩy, tăng nhanh tỷ trọng ngành “công nghiệp không khói” trong cơ cấu kinh tế chung của huyện.
Với đặc điểm tự nhiên là ven biển, đồng bằng và miền núi, tiềm năng và lợi thế về đất đai, rừng biển khá lớn nên Tuy Phong đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản, gắn với đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng đất phù hợp với điều kiện thời tiết, từng vụ, khu vực sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chuyển biến tích cực; ngoài cây lúa thì cây thanh long, nho…mang lại hiệu quả, đã khai thác, phát huy các vùng đất cát, hoang hóa ở các xã Chí Công, Bình Thạnh, Phong Phú. Chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, kết cấu hạ tầng cảng cá, nâng cao năng lực tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được triển khai thực hiện đạt kết quả. Sản lượng khai thác thủy sản, sản xuất tôm giống tăng qua từng năm, đạt 60.000 tấn/năm, giữ vững thương hiệu tôm giống Tuy Phong, đạt 22,03 tỷ post. Số tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ hoạt động bước đầu có hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới với vai trò chủ thể của người dân chuyển biến tích cực, đã có 4 xã Bình Thạnh, Hòa Minh, Phước Thể, Vĩnh Hảo đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều công trình như nhà văn hóa, hệ thống điện nước, trường học, thủy lợi, khu dân cư, đất sản xuất và hàng trăm km đường giao thông nông thôn được đầu tư và đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần khởi sắc bộ mặt nông thôn, miền núi. Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,47%…Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng, GPDP bình quân đầu người ước năm 2018 đạt 52 triệu đồng/người, tăng 8% so năm 2016 (44,65 triệu đồng) và đạt 2.507 USD, tăng 13% so năm 2016 (2.058 USD); đạt 78,34% so với Nghị quyết (3.200 USD).
Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể có nhiều chuyển biến rõ nét, làm cho năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức, cơ sở đảng ngày càng được nâng lên. Việc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã có sự chuyển biến rõ hơn từ nhận thức sang hành động “làm theo” và trở thành công việc thường xuyên của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo được sự chuyển biến khá toàn diện trong hệ thống chính trị của huyện; ý thức tổ chức kỷ luật, thái độ phục vụ nhân dân, sự nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt kết quả bước đầu. Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được phát huy tốt hơn, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, từ đó nhân dân vững tin vào đường lối đổi mới của Đảng.
Phát huy kết quả tích cực bước đầu, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Tuy Phong tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nhân tố mới; khắc phục những hạn chế, yếu kém, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII đã đề ra; quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, mũi đột phá theo lộ trình thống nhất, bước đi cụ thể, phù hợp. Cùng với đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, tiếp tục thu hút đầu tư và xây dưng kết cấu hạ tầng; phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ-du lịch; phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ phát triển hợp tác xã kiểu mới, thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung thực hiện các vấn đề văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tạo sự chuyển biến toàn diện hơn trong hệ thống chính trị, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, (nhiệm kỳ 2015-2020).