Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu Ủy ban nhân dân, Mặt trận, các đoàn thể, đảng bộ các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Quán triệt sâu kỹ, đầy đủ về ý nghĩa, nội dung, phương thức, quy trình thực hiện đối thoại theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), Hướng dẫn số 11-HD/TU, ngày 09/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; việc chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là phương thức giúp cho cấp ủy, chính quyền nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào cấp uỷ, chính quyền và nâng cao sự đồng thuận trong xã hội.
2. Văn phòng Huyện ủy phối hợp với Văn phòng HĐND&UBND, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các cơ quan có liên quan kịp thời nắm bắt những vấn đề nhân dân quan tâm, dư luận, xã hội, những vấn đề phức tạp, nổi cộm ở địa phương; cũng như các phản ánh, kiến nghị của nhân dân đã đề xuất nhiều lần nhưng chưa giải quyết; để tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân đảm bảo thực chất, hiệu quả.
3. Uỷ ban Mặt trận huyện hướng dẫn cho hệ thống Mặt trận ở cơ sở thực hiện tốt việc nắm bắt, tổng hợp ý kiến kiến nghị của nhân dân trước khi tổ chức đối thoại; tăng cường theo dõi, giám sát việc quyết các kiến nghị của nhân dân sau cuộc đối thoại.
4. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc có hiệu quả việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương với nhân dân; nâng cao trách nhiệm của chính quyền, nhất là người đứng đầu trong việc tổ chức hoạt động đối thoại định kỳ, chủ động đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của việc đối thoại. Việc đánh giá, rút kinh nghiệm, tổng hợp kết quả giải quyết các ý kiến nghị của nhân dân sau đối thoại vào báo cáo tổng kết năm của cấp ủy, chính quyền.