Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm chỉ đạo huy động, phân bổ các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án của Trung ương, nguồn ngân sách địa phương gắn với tăng cường vận động nguồn lực xã hội hoá giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sắm mới thiết bị dạy học, bồi dưỡng và trả lương cho giáo viên, cộng tác viên phụ trách phổ cập giáo dục. Nhất là những năm gần đây, các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên nguồn kinh phí dành cho xây dựng chỉ tiêu trường học được tăng cường, bộ mặt trường lớp được khang trang, nhất là các vùng dân tộc thiểu số: Phan Dũng, Phong Phú, Phú Lạc. Tính đến năm 2021, toàn huyện có 860 phòng học, 302 phòng chức năng ở cả 3 cấp, trong đó có 22/60 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; chiếm tỷ lệ 36,67%.
Duy trì, củng cố kết quả PCGD các cấp
Công tác PCGD mầm non luôn được huyện quan tâm chỉ đạo thường xuyên, giáo viên được bố trí, phân bổ một cách phù hợp, năm 2021 không còn tình trạng thừa - thiếu giáo viên, nâng tỉ lệ bình quân giáo viên/lớp từ 1,4 giáo viên (năm 2011) lên 2,06 giáo viên (năm 2021). Toàn huyện hiện có 319 giáo viên công lập đang giảng dạy ở bậc mầm non, 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp theo quy định; trong đó, trên chuẩn chiếm 41,1%. Hàng năm, công tác tuyên truyền, vận động tuyển sinh bậc mầm non luôn được các ngành chức năng triển khai quyết liệt. Trong đó, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mầm non đạt 97,1% (năm 2021) tăng 11,1% so với năm 2011; kéo giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với công tác phổ cập mầm non như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh mẫu giáo. Cơ sở vật chất, trường lớp được xây dựng kiên cố, 100% trường lớp có nhà vệ sinh, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh; các trường chú trọng xây dựng sân chơi xanh - sạch - đẹp, trang thiết bị dạy học, phục vụ hoạt động vui chơi ngoài trời được quan tâm đầu tư tối thiểu theo quy định, đảm bảo an toàn, thân thiện cho trẻ.
Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo quan tâm rà soát củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục 2 cấp huyện - xã. Căn cứ tình hình thực tế, UBND huyện đã kịp thời xây dựng kế hoạch, xác định nội dung và giải pháp phù hợp với địa phương (nhất là các vùng dân tộc, vùng khó khăn). Phòng Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo các trường bậc tiểu học và THCS đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả của phương pháp giảng dạy mới và đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng khuyến khích tinh thần tự học, tự rèn luyện; chỉ đạo thực hiện dạy đủ các môn học, đúng phân phối chương trình cũng như các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, chính khóa. Tỉ lệ tuyển mới vào lớp 1 đúng độ tuổi và tỉ lệ hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đều đạt 100%. Có 100% trường Tiểu học dạy Tiếng Anh chương trình 10 năm đối với lớp 3 ; 70% tổng số trường Tiểu học có phòng máy tính để dạy chương trình Tin học.
11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện duy trì đạt chuẩn mức độ 2 về PCGD trung học cơ sở (THCS) với 14 trường, 222 phòng học và 120 phòng chức năng, các trường đều được trang bị máy tính để triển khai chương trình Tin học. Tỉ lệ học sinh tuyển mới vào lớp 6 chiếm 97,2% (năm 2020). 99,4% học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Giáo viên được phân bố khá phù hợp, bình quân 1,8 giáo viên/lớp; có nhân viên làm công tác thư viện, thiết bị, thí nghiệm, văn phòng theo quy định tại Thông tư 16/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên một số bộ môn vẫn xảy ra ở cấp THCS; năm 2021, thiếu 15 giáo viên.
Tăng cường phân luồng học sinh sau THCS
Trong thời gian qua công tác phân luồng học sinh sau THCS luôn được huyện quan tâm chỉ đạo, nhất là tăng cường phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và trung học phổ thông, học nghề thông qua các hoạt động hướng nghiệp. UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện triển khai thực hiện Kế hoạch số 4713/KH-UBND, ngày 05/10/2018 của UBND tỉnh đến các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, UBND huyện cho phép các trường THCS phối hợp với các trường Cao đẳng nghề, các trung tâm GDNN - GDTX của tỉnh tổ chức tuyên truyền, tư vấn thông tin tuyển sinh đến các em học sinh lớp 9.
Ngành giáo dục của huyện tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại. Yêu cầu các trường đảm bảo thực hiện đúng, đủ chương trình hướng nghiệp cho học sinh hàng năm; chú trọng liên hệ thực tế, phân tích đặc điểm, yêu cầu của một số ngành nghề hiện nay; cung cấp kịp thời thông tin về các chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội việc làm, nhu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với học sinh đi học nghề theo quy định của Nhà nước, hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách, học sinh sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm khuyến khích, thu hút học sinh tham gia học nghề, giúp các em lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu xã hội; góp phần khắc phục tình trạng “thừa thầy - thiếu thợ”. Giai đoạn 2015 - 2020, có 90,71% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học lớp 10, các trường trung cấp nghề.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhiều năm qua luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, củng cố tư tưởng chính trị... Đối với chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên đại trà theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với tổng kinh phí: 313.200.000 đồng.
Buổi kết nạp Đội của các học sinh trường Tiểu học Liên Hương 2
Công tác xã hội hoá, tranh thủ các nguồn lực phục vụ công tác giáo dục được tăng cương đã tạo đòn bẩy thúc đẩy nâng cao chất lượng PCGD, xoá mù chữ của huyện nhà. Ngoài kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ công tác PCGD, hàng năm, Hội Khuyến học huyện luôn phát huy tích cực vai trò trong công tác khuyến học, khuyến tài, vận động nguồn quỹ khuyến học giúp đỡ hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên tiếp tục con đường học tập; hỗ trợ, phối hợp mở các lớp bổ túc, xoá mù chữ cho người trong độ tuổi lao động. Chỉ tính riêng năm 2020, Hội Khuyến học toàn huyện đã vận động nguồn quỹ khuyến học được 3.554.443.000 đồng.
Có thể thấy, trong 10 năm qua, ngành giáo dục nói riêng và toàn hệ thống chính trị của huyện nói chung đã có nỗ lực rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, đổi mới phương pháp dạy - học bước đầu đạt kết quả khích lệ. Kết quả công tác phổ cập giáo dục ở cả 3 cấp không ngừng được củng cố, nâng dần tỷ lệ xóa mù chữ ở người lớn, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học. Điều này góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao dân trí, ổn định đời sống Nhân dân.