Đó là kết quả sau 05 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Huyện ủy và UBND huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền và ứng dụng công nghệ sinh học vào đời sống, sản xuất. Sự phối hợp hoạt động của các ngành với các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học ngày càng hiệu quả.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng an toàn
Trên địa bàn Tuy Phong, hiện nay, chủ yếu áp dụng các giống lúa mới (ML48, Đài thơm 8) vào sản xuất đại trà thay thế cho các giống lúa cũ (IR 59606, OM 4900…). Đồng thời đưa các giống xác nhận vào sản xuất, đã được nghiên cứu khảo nghiệm từ 3 vụ trở lên, nhờ đó năng suất lúa bình quân tăng, chất lượng cao hơn. Triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất trên cây lúa như mô hình “1 phải, 6 giảm” (sản xuất lúa chất lượng), mô hình ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến đối với lúa gieo sạ (SRI),… thông qua các mô hình, giúp cho người dân áp dụng các quy trình tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập. Thời gian gần đây, giống Nho Hồng nhật đang được trồng phổ biến với 15ha/46,9ha diện tích trồng nho toàn huyện (trong đó có 3,5 ha gắn với khâu làm nhà lưới), thay thế dần cho giống nho đỏ địa phương. Giống nho mới đem lại năng suất tốt và giá trị thương phẩm cao hơn hẳn các giống nho trước đây. Hai giống thanh long mới là thanh long ruột đỏ và thanh long ruột tím đang phát triển mạnh về diện tích với 383,7ha được trồng mới, trong đó 76,4 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Hầu hết diện tích cây táo của huyện (chủ yếu ở xã Phong Phú và Phú Lạc) đều chuyển sang trồng trong nhà lưới nên năng suất đạt tương đối cao. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tuy Phong đã đưa một số giống cây trồng mới vào sản xuất như: Quýt lai ( trồng ở Vĩnh Hảo); Cây Bưởi da xanh, sầu riêng,... ở thôn La Bá, xã Phong Phú.
Bên cạnh đó, người dân đang dần chuyển hướng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh thay thế dần cho các loại phân bón hóa học, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cải tạo đất và bảo vệ môi trường, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững. Áp dụng các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, chế phẩm sinh học để điều trị các bệnh hại trên cây trồng.
Lai tạo, tăng nâng suất đàn vật nuôi
Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc thụ tinh nhân tạo cho đàn gia súc giúp hạn chế được các bệnh truyền nhiễm, tạo ra con giống có chất lượng cao hơn. Chương trình “cải tạo đàn bò vàng địa phương” thông qua các mô hình khuyến nông đưa những con giống đực ngoại (bò Sind, Brahman) về lai tạo trực tiếp với bò cái vàng địa phương, nâng cao tỷ lệ đàn bò lai. Thực hiện thành công chương trình nạc hóa đàn lợn, đưa giống mới thuần ngoại như Landrace, Yorkshire vào nuôi thích nghi tại địa bàn huyện, để làm tươi máu các dòng lợn cũ, đưa tỷ lệ lợn lai trên tổng đàn chiếm 80%, rút ngắn chu kỳ nuôi từ 6-7 tháng, xuống 3,5 - 4 tháng, tăng năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi. Thông qua công nghệ cấy phôi thai sẽ xác định được giới tính mong muốn đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi (chủ yếu trên gia cầm).
Xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học (sử dụng men vi sinh Banasa N01, cùng với nguyên liệu mùn cưa, trấu,…) và hầm Bioga xử lý chất thải chăn nuôi giúp giảm chi phí và hạn chế được ô nhiễm môi trường. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại vắc xin, nhờ đó, người chăn nuôi chủ động tiêm phòng các loại vắc xin theo quy trình cho đàn vật nuôi, đã hạn chế được dịch bệnh xảy ra, hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản
Ứng dụng thành công quy trình sản xuất tôm giống bằng công nghệ vi sinh và đưa công nghệ này vào sản xuất tại các trại tôm giống ở Vĩnh Tân, Chí Công. Mỗi năm cung ứng trên 20 tỷ tôm giống ra thị trường. Ứng dụng công nghệ nuôi vi tảo an toàn sinh học làm thức ăn tươi sống để nâng cao hệ miễn dịch tự nhiên cho ấu trùng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sử dụng men vi sinh trong kiểm soát môi trường ươm tôm giống khống chế dịch bệnh. Tạo ra con giống có kích thước lớn hơn, gia tăng sức đề kháng, tăng tỷ lệ sống, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng để rút ngắn thời gian nuôi.
Nhằm hạn chế sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi trồng thủy sản, hiện nay các hộ nuôi trồng thủy sản thay thế bằng các loại thân thiện với môi trường và có tính chất an toàn bền vững. Như cải tạo ao bằng các chế phẩm sinh học, sử dụng thảo dược trị bệnh ký sinh trùng cho tôm, cá…
Việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp ở huyện Tuy Phong dần đem lại những thành quả tích cực. Sản lượng, năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp tăng lên thấy rõ, đời sống người dân được cải thiện. Nông dân đã dần chuyển đổi tập quán canh tác từ lạc hậu, thủ công sang canh tác hiện đại, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học, theo hướng hữu cơ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và vẫn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng./.