Uỷ ban nhân dân huyện, cấp ủy các chi bộ, đảng bộ cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của cấp trên liên quan đến trẻ em với nhiều hình thức, nội dung phù hợp (Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, thị trấn; phổ biến trong các cuộc sinh hoạt của các chi, tổ hội phụ nữ, nông dân; bằng các hình thức trực quan như trên băng rol, khẩu hiệu hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em hàng năm tại 11/11 xã, thị trấn; cấp phát 1.000 tờ rơi; tổ chức các cuộc thi; trình diễn văn nghệ; diễn đàn trẻ em…); thông qua Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của huyện. Các phòng, ban ngành huyện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, các kênh thông tin truyền thông các vấn đề liên quan đến trẻ em; treo pano, băng rol, phóng sự, viết tin bài tổ chức nhiều hoạt động có hiệu quả thiết thực thu hút nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia như “Tháng hành động vì trẻ em” (từ ngày 01/06 đến ngày 30/6), Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, Tết Trung thu, ngày Gia đình Việt Nam, “Diễn đàn trẻ em”… Trong đó nổi bật các hoạt động:
Trung tâm Văn hóa thể thao - Truyền thanh Truyền hình huyện xây dựng lồng ghép nội dung tuyên truyền Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong các tiết mục văn nghệ của đội thông tin lưu động; ưu tiên bố trí thời lượng phát sóng truyền thanh, truyền hình tuyên truyền về phòng, chống bạo hành đối với trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật…)
Phòng Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký khai sinh cho trẻ em, đảm bảo quyền lợi của trẻ ngay từ khi mới sinh ra đời.
Ngành công an tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, Mặt trận, các đoàn thể tiếp tục thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên; chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhằm ngăn chặn, hạn chế khả năng phát sinh tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em ngay tại cơ sở.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh nâng cao nhận thức trong việc “nói không với hành vi bạo lực”; tích hợp kỹ năng sống vào các môn học văn, giáo dục công dân, sử, địa; phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội, tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, hành vi đúng, chuẩn mực đạo đức cho học sinh.
Mặt trận và các đoàn thể huyện lồng ghép công tác bảo vệ trẻ em vào hoạt động của các các phong trào đang thực hiện như: phong trào xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà…; phối hợp các xã, thị trấn thực hiện can thiệp trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Tích cực phối hợp với Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức chương trình, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tạo môi trường thân thiện, cùng quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em: Chương trình “Ðêm hội trăng rằm” nhân Tết Trung thu hàng năm gắn với thăm hỏi, tặng quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn... thu hút hơn 19.000 lượt em thiếu nhi tham gia; tổ chức hơn 200 buổi tập huấn về “kỹ năng sơ cứu đuối nước”; tổ chức chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường”… với hơn 30.000 lượt em tham gia; tập huấn, nói chuyện chuyên đề, trang bị kiến thức phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho giáo viên, cán bộ phụ trách thiếu nhi.
Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn quan tâm tuyên tryền bằng hình thức trực quan: dựng 3 pano về chống bạo hành trẻ em (đặt tại thị trấn Liên Hương, xã Chí Công, xã Phú Lạc) và 01 pano về ngôi nhà an toàn cho trẻ em (đặt tại thị trấn Liên Hương) tại các khu vực trung tâm xã, thị trấn; hàng năm đều treo băng rol hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em” tại 11 xã, thị trấn và phát 1.000 tờ rơi. Thành lập khoảng 20 nhóm tư vấn trực tiếp, chỉ đạo lực lượng cộng tác viên tăng cường tư vấn trực tiếp tại từng hộ gia đình, đồng thời nắm bắt được những thông tin về trẻ em đang gặp khó khăn cần được giúp đỡ như trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ bị khuyết tật, trẻ có nguy cơ bị xâm hại, qua đó có kiến nghị cấp có thẩm quyền can thiệp, trợ giúp.
Qua tuyên truyền, quán triệt, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhất là cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được nâng lên, thể hiện trách nhiệm trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở địa phương. Các bậc cha mẹ ngày càng quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được sống, học tập, vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, phát triển toàn diện.
Đoàn Thanh niên phối hợp với các ban, ngành có liên quan, thực hiện tốt các hoạt động thanh, thiếu niên và nhi đồng. Tạo nhiều sân chơi, phong trào bổ ích cho các em thiếu niên, nhi đồng, giúp các em giao lưu, học hỏi, có thể phát huy những năng khiếu, sở trường và niềm đam mê của mình, hình thành kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp: Phối hợp với các phòng, ban huyện liên quan, uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức Trại hè thiếu nhi gắn với chủ đề “Hãy nghe trẻ em nói”; Chương trình “Ðêm hội trăng rằm” với nhiều hoạt động phong phú, bổ ích nhý thi bày mâm cỗ, liên hoan, hội diễn vãn nghệ, kịch, múa lân, thãm hỏi, tặng quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hơn tập huấn về “kỹ năng sơ cứu đuối nước”; tổ chức chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường”; “Phòng chống tai nạn thương tích”; “Tập huấn nâng cao năng lực cho thiếu nhi”; tuyên truyền cho học sinh hạn chế tắm biển, ao, hồ, sông, suối và gắn bảng cảnh báo ở những khu vực có nýớc sâu, nguy hiểm…; vận động xây dựng 06 điểm vui chơi cho thiếu nhi trị giá với tổng trị giá 405 triệu đồng.
Hội Phụ nữ tổ chức nhiều hoạt động gắn kết giữa phụ nữ và trẻ em như tổ chức Hội thi “Cán bộ Hội phụ nữ với công tác bảo vệ trẻ em năm 2020” có hơn 135 chị tham dự; phối hợp, thăm, hỗ trợ 02 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bệnh hiểm nghèo; phát động xây dựng Quỹ chia sẻ yêu thương hỗ trợ 09 trường hợp trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền 103,581 triệu đồng; thăm, tặng 195 suất quà (số tiền 11,6 triệu đồng) cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; 01 trường hợp trẻ sơ sinh mồ côi mẹ (01 triệu đồng), đề xuất chính quyền địa phương trợ cấp đột xuất cho 01 trẻ tử vong do ngộ độc (06 triệu đồng); tổ chức trao 38 suất học bổng Tiếp bước cho em đến trường (32 triệu đồng). Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động với ý nghĩa vừa xoa dịu nỗi đau, vừa trở thành điểm tựa vững chắc cho các em mồ côi mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã xây dựng Kế hoạch số 11/KH-BTV ngày 21/01/2022 và triển khai, phát động trong hệ thống Hội, bước đầu, đã nhận đỡ đầu cho 03 em là trẻ mồ côi (có cha mẹ bị mất do bệnh Covid-19). Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức thăm hỏi, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tặng quà tết và trao tiền đỡ đầu (500.000 đồng/em/tháng) cho 03 em với tổng số tiền 9,6 triệu đồng.
Hội Khuyến học phối hợp với ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xét, cấp 12.106 suất học bổng, chi hỗ trợ cho 43.828 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng 46.096 lượt học sinh giỏi, hỗ trợ sửa chữa trường lớp… với tổng số tiền với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong đợt dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn huyện, Mặt trận và các đoàn thể huyện tích cực tổ chức vận động, kêu gọi hỗ trợ nhiều phần quà, thực phẩm thiết yếu để phục vụ đời sống cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là trẻ em bị mắc bệnh, trong khu vực cách ly y tế.
Trong thời gian tới, Tuy Phong xác định tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng, hoạt động về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho mọi thành viên trong gia đình, nhà trường, xã hội và cho chính trẻ em. Đa dạng các hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, viễn thông và mạng xã hội, truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng… nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chú ý quan tâm triển khai thực hiện có kết quả Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.