Vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1691 - 1782), sau hơn 30 năm ngưng chiến, chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng trong tiếp tục tiến sâu về phía Nam để mở mang bờ cõi, quy dân lập ấp. Năm 1697 chúa dừng chân tại vùng đất Bình Thuận để ổn định việc khai phá và tự trị với địa danh là Thuận Phủ, sau đổi tên là Trấn Thuận Thành. Vùng đất Long Hương (thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong ngày nay) nguyên là khu vực hữu ngạn cuối dòng sông Lòng Sông chảy ra biển. Sau quá trình di dân vì thiên tai, bão lũ đến đầu thế kỷ 18 khu vực này bắt đầu ổn định thôn xóm, địa danh Long Hương cũng được gọi từ đây. Theo gia phả đặt tại miếu, cụ Nguyễn Nê là tiền hiền khai hoang lập ấp. Người dân trong vùng cùng với cụ dựng lên một nơi thờ cúng thổ công, địa sở bằng vách lá mái tranh. Đến thời vua Thành Thái 1897 những người dân trong làng đã cùng nhau chung sức, chung của để xây dựng nên một ngôi miếu lớn hơn. Cấu trúc của miếu được xây dựng theo hình chữ nhất, gồm 5 gian dài, hai bên có nhà đông, tây thờ tiên linh phụng và nhà làm việc của làng Hương Lý. Phía trước áng phong có trụ cờ cao 8m và cổng Tam quan mang dáng vẻ uy nghi, có thành đá bao quanh công trình phụ. Đây là một công trình kiến trúc cổ có giá trị văn hóa.
Ảnh: Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
“Mỹ tục khả phong” là một nét văn hoá, phong tục đẹp. Ngày nay, ngôi miếu (hay còn gọi là đình làng) tiếp tục là biểu tượng về nguồn cội quê hương của người dân Liên Hương. Hàng năm đình làng Long Hương tổ chức 2 lễ cúng Tế Xuân (vào ngày 16/2 âm lịch) và Tế Thu (16/8 âm lịch), đồng thời Đại lễ sẽ diễn ra vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Đây còn được gọi là Kỳ yên đại lễ theo hương ước của làng có từ thời xa xưa, thể hiện nét văn hoá của dân tộc, tâm nguyện của con dân làng nước đối với đấng thần linh.
Lễ Tế thu với nghi thức cúng Tiền Hiền và Hậu Hiền, theo đó Tiền hiền là những người có công khai phá ra làng nước, quê hương, xây dựng miếu môn, chùa chiềng; còn Hậu hiền là những người kế thừa Tiền hiền bồi bổ, giữ gìn đình chùa, miếu mạo; cúng các vị nằm xuống vì quê hương đất nước. Trong lễ cúng Tiền hiền có tế Heo sống với ngụ ý rằng heo còn tươi tốt để mời thần. Heo được đưa vào cáo Thiên rồi sau đó đưa ra giết thịt tại chổ, lấy một ít huyết và lông đem chôn trước cổng đình làng, gọi là “Mao huyết”. Lễ vật cúng Tiền hiền có thủ dĩ (đầu đuôi heo, lòng heo, huyết, heo), 1 cặp vịt và cơm canh. Trong tín ngưỡng sơ khai của người dân Long Hương, thờ trời, thần núi, thần sông, thần biển là điều quan trọng bởi xưa kia, cuộc sống của cộng đồng dân cư còn thưa thớt, mà con người lại phải đối mặt với bao nỗi lo, những hiểm nguy từ thiên nhiên mang đến. Từ đó, ý niệm về thần bắt đầu xuất hiện. Trước khi tế thần có lễ Thượng kỳ (Cờ thần), cúng Thiên cẩu (Chó trời), trong lễ cúng có sử dụng đuốc với ý niệm từ thửa khai thiên lập địa, con người nhờ ánh đuốc soi đường. Đặc biệt, trước khi diễn ra lễ cúng, đình gióng lên 3 hồi mõ báo hiệu cho con dân trong làng biết lễ cúng bắt đầu, cùng với đó còn có Chuông cổ, Trống chầu để phục vụ cuộc cúng.
Ảnh: Nghi thưc cúng tại đình làng Long Hương
Nghi thức cúng rất đặc biệt và trịnh trọng. Ở làng có một bộ phận Nho lễ gồm những người chuyên về nghi thức cúng, lễ nhạc, học trò lễ. Văn tế có Văn tế phụng cúng Tiền hiền, cúng Thần, cúng lần lượt theo ba gian tả, hữu và chánh điện. Nhạc lễ sử dụng theo lối nhạc cung đình. Học trò lễ dâng hương, rượu, trầu...Lễ nghi cúng được đặc trách, trong đó có một vị Chánh tế (trong Lễ tế Tiền hiền); một vị Chủ tế, Bồi tế và 2 vị Tả ban, Hữu ban (trong lễ tế Thần). Lính hầu vận lễ phục, áo dài, khăn đóng đứng hầu cho hoàn thành cuộc cúng.
Trải qua bao biến cố của lịch sử, miếu thần vẫn còn lưu truyền hai câu đối của các bậc tiền nhân thuở xưa:
Bá thiên niên địa nhân linh kiệt
Vạn ức cổ vật thịnh dân khang.
Tháng 2/2009, Đình làng Long Hương được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
MINH CHIẾN