Từ khi ra đời đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ngành tổ chức xây dựng Đảng đã trải quả nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn khác nhau với những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm khác nhau tạo nên một truyền thống vẻ vang của Ngành.
Ngày 14/10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua Điều lệ Đảng. Điều lệ Đảng quy định "Trung ương chiếu theo các việc mà lập ra các bộ như Bộ Tổ chức, Bộ Tuyên truyền, Bộ Công nhân vận động...". Do đó, ngày 14/10/1930 được xem là ngày thành lập Bộ Tổ chức và được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX), ngày 14/10 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của ngành Tổ chức xây dựng Đảng và cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp, nhưng trên thực tế, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã diễn ra trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Đảng ta, từ khi chuẩn bị thành lập cho đến ngày nay.
Từ những ngày chuẩn bị thành lập Đảng cách đây hơn nửa thế kỷ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người cộng sản Việt Nam đầu tiên, chỉ sau ít tháng trở về bên cạnh Tổ quốc Việt Nam, tại Quảng Châu, với niềm tin và vui mà ít ai trên đời này thông cảm hết, đã ghi lại trong tài liệu lịch sử ký tên Người- Thư báo cáo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản, đề ngày 19/02/1925: “Tôi đã thành lập được 1 nhóm 9 người, trong đó có 5 người chuẩn bị kết nạp Đảng và 2 người chuẩn bị kết nạp vào Đoàn”. Người lập ra tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng Hội, sau này quen gọi là Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trong đó có hạt nhân Cộng sản Đoàn làm nồng cốt. Đây là cái mầm đầu tiên của tổ chức cộng sản Việt Nam.
Bác hết sức chăm chút đào tạo một lớp người nòng cốt của phong trào mới. Người đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, tập hợp, đào tạo, giáo dục và tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin cho những thanh niên ưu tú từ trong nước ra học, khoảng 200 người, do Bác trực tiếp huấn luyện, trong đó hầu hết sau này đều trở thành những nhà hoạt động cách mạng và lãnh đạo nổi tiếng của Đảng ta, như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai ... Đó là kết quả của công tác tổ chức mà Bác Hồ đã chuẩn bị để có ngày 03/02/1930 lịch sử cho đến ngày hôm nay.
Từ ngày thành lập đến nay, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã trải qua nhiều giai đoạn hoạt động và trưởng thành.
* Giai đoạn 1930-1935
Khi mới thành lập, Đảng chỉ có 50 chi bộ với hơn 200 đảng viên, song với sự nỗ lực của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ then chốt lúc này là tích cực phát triển đảng viên mới và củng cố các tổ chức của Đảng nên đến tháng 4/1931, Đảng có trên 2.400 đảng viên của 250 chi bộ (tăng 200 chi bộ và 2.200 đảng viên); các tổ chức quần chúng cách mạng như Công hội, Nông hội, Hội cứu tế đỏ, Phụ nữ liên hiệp hội... lần lượt ra đời; đến ngày 26/3/1931, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương cũng được thành lập.
Sau cao trào Xô viết Nghệ Tỉnh bị kẻ thù khủng bố trắng, đàn áp, bắn giết, bắt tù những người cộng sản và nhân dân tham gia, Đảng đã lãnh đạo khôi phục phong trào, đề ra nhiệm vụ cho công tác tổ chức là tập trung bảo tòan lực lượng cách mạng, bảo vệ Đảng, khôi phục hệ thống tổ chức, tiếp tục phát triển đảng viên và các đoàn thể quần chúng.
* Giai đoạn 1936-1939
Đây là giai đoạn Đảng tập trung lãnh đạo cuộc vận động dân chủ, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, chống đế quốc, đòi tự do cơm áo hòa bình nên công tác tổ chức có nhiệm vụ tích cực phát triển đảng viên, đưa đảng viên vào xí nghiệp, hầm mỏ, về khu phố, làng mạc để vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh.
Qua cao trào dân chủ 1936-1939, uy tín của Đảng được tăng cường, công tác tổ chức của Đảng trưởng thành thêm một bước. Ta giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử Viện dân biểu Bắc Kỳ, Viện dân biểu Trung Kỳ, phong trào đấu tranh phản đế, phản phong.
* Giai đoạn 1940-1945
Đảng trực tiếp lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Phương châm công tác tổ chức lúc bấy giờ: “Rộng rãi, thực tế, khoa học”. Công tác tổ chức đã được triển khai trên nhiều mặt, chú trọng tăng cường công tác phát triển đảng viên; kiện toàn bộ máy thống nhất của Đảng; gấp rút đào tạo cán bộ; tổ chức cho nhiều cán bộ, đảng viên vượt ngục; phát triển và củng cố Mặt trận Việt Minh, xây dựng, củng cố và mở rộng các khu căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang. Sự nỗ lực trong công tác tổ chức đã góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
* Giai đoạn 1945-1954
Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt. Công việc chính của công tác tổ chức lúc này là bảo vệ và phát triển Đảng; gấp rút đào tạo đội ngũ cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang, thực hiện khẩu hiệu xây dựng Đảng ta thành “một Đảng quần chúng”.
Trong những năm 1947-1954, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, với Chỉ thị “Thi đua xây dựng Đảng” và “Xây dựng chi bộ tự động”, công tác phát triển đảng viên và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đẩy mạnh; số lượng đảng viên và cán bộ tăng lên rất nhanh, đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng đối với các cấp, các ngành trong cả nước. Điều này góp phần quan trọng vào chiến thắng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta.
* Giai đoạn 1955-1975
Đây là thời kỳ Đảng lãnh đạo cùng lúc 02 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do vậy, công tác tổ chức tập trung vào việc tiếp quản thủ đô và các vùng mới giải phóng; kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể; sắp xếp lại bộ máy các cấp và điều chỉnh cán bộ; tổ chức mạng lưới giao liên, bố trí lực lượng tập kết ra Bắc. Điều này góp phần cho thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
* Giai đoạn 1975-1986
Sau năm 1975 cả nước thống nhất đi lên CNXH. Từ năm 1975-1986 là giai đoạn xây dựng và củng cố hệ thống chính trị thống nhất của cả nước, nhiệm vụ của công tác tổ chức xây dựng Đảng là tập trung xây dựng và củng cố các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp trong các vùng mới được giải phóng.
* Giai đoạn 1986 đến nay
Tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng vạch rõ: ”Xây dựng Đảng mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là nhân tố quyết định sự phát triển của cách mạng nước ta. Đảng phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian này là kiện toàn các tổ chức Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường công tác cán bộ và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ; củng cố các tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt Đảng; nâng cao ý thức bảo vệ Đảng; chống đa nguyên, đa đảng; phải“Làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”.
Công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác tổ chức xây dựng Đảng nói riêng, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng; Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo công tác tổ chức xây dựng Đảng: các Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 6 (lần 2), Trung ương 7 (khóa VIII), Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX), đặc biệt, gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) và Kết luận Hội nghị Trung ương (khóa XIII) hiện nay về tổ chức, bộ máy, cán bộ là một chặng đường đổi mới cả về nội dung và cách làm. Nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ, về tổ chức bộ máy được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy định, quy chế, hướng dẫn để thực hiện. Đây là những định hướng quan trọng đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với lịch sử hình thành và phát triển ngành Tổ chức xây dựng Đảng, Đảng đã rút ra 6 kinh nghiệm trong công tác tổ chức xây dựng Đảng là:
1. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân và tăng cường tính tiên phong của Đảng, đây là yêu cầu cơ bản, có tính nguyên tắc đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị và tổ chức.
2. Kết hợp chặt chẽ giữa các mặt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
3. Nhận thức và thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng.
4. Nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đảm bảo tính kế thừa và phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đ/c Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt” thì công tác cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
5. Củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; bồi dưỡng phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng, quyền làm chủ và lợi ích thiết thực của nhân dân.
6. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố các cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, của công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta.
Ban Tổ chức Trung ương những năm gần đây chủ trương tiếp tục xây dựng ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thành xây dựng vị trí việc làm; quy định cụ thể chức trách, nhiệm vụ từng chức danh cán bộ, công chức nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và nêu cao trách nhiệm cá nhân. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác cán bộ “trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Xây dựng người cán bộ tổ chức xây dựng Đảng vừa hồng, vừa chuyên, khiêm tốn, chân thành, cầu thị, nói đi đôi với làm và nói không với tiêu cực.
Trong những năm qua, tập thể Ban Tổ chức Huyện ủy đã phát huy dân chủ, giữ gìn đoàn kết, luôn bám sát và chấp hành nghiêm túc mọi sự chỉ đạo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu chỉ đạo cũng như phối hợp và hướng dẫn các cấp ủy chi bộ, đảng bộ tổ chức thực hiện tương đối kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, chương trình hành động của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng, mỗi cán bộ làm công tác tổ chức cần hiểu biết và tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Tổ chức xây dựng Đảng; vinh dự và tự hào được đứng trong đội ngũ những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng; thấy được vị trí, vai trò của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, sức mạnh của Đảng về chính trị và tư tưởng được đảm bảo bằng sức mạnh về tổ chức; do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, trung thành với Đảng; luôn tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không để xảy ra suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa; bằng những nỗ lực cụ thể cần tập trung trí tuệ, tâm huyết, không ngừng học tập về mọi mặt, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu hoàn hành tốt nhiệm vụ cá nhân được giao và nhiệm vụ chung của Ban; cần nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, những quy định, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, áp dụng vào công việc của mình, làm việc một cách tích cực, sáng tạo và hiệu quả, với một trình độ chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cao. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong công việc và đơn vị./.