Cấp ủy, chính quyền, các ngành trong huyện tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời Chỉ thị số 49- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc; thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vận động hỗ trợ đồng bào xã Phan Dũng bảo đảm ổn định đời sống do dịch Covid-19 bùng phát; qua đó, đồng bào DTTS luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Vận động Nhân dân tích cực góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống đồng bào DTTS tại địa phương; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo bền vững, vận động hầu hết hộ đồng bào DTTS đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, xã Phú Lạc đăng ký đạt nông thôn mới năm 2022; duy trì thường xuyên tuyên truyền công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc, tổ chức tiêm phòng cho con em các hộ đồng bào dân tộc theo các chương trình y tế quốc gia, phòng ngừa dịch bệnh trên người, giữ vệ sinh môi trường, thu gom rác để tránh tình trạng dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; duy trì giao khoán bảo vệ rừng 8.920 ha/225 hộ, đầu tư ứng trước đối với 85 hộ trồng lúa/59 ha ở xã Phan Dũng, thực hiện mô hình trồng lúa chất lượng cao SRI thuộc nguồn vốn của Chính phủ theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP cho 143 hộ/82ha (đồng bào DTTS 24 ha với tổng kinh phí thực hiện mô hình 280 triệu đồng), xác định các con vật nuôi chủ lực là bò cái sinh sản, dê, gà thịt; công tác củng cố, xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS được quan tâm, chất lượng được nâng lên, đảng bộ huyện có 33 chi bộ, đảng bộ trực thuộc với 3.490 đảng viên, trong đó đảng viên người DTTS 315, chiếm 9% (tăng 0,7% so với cuối năm 2021). Hoạt động kết nghĩa với 3 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được gắn kết, tạo sự phấn khởi trong đồng bào DTTS tại thôn được kết nghĩa, góp phần tích cực trong việc tham gia phát triển kinh tế- xã hội, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, động viên nhân dân an tâm sản xuất, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đời sống một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn; đất cấp sản xuất bị bỏ hoang do không chủ động nước tưới, bị sạn sỏi; công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa thường xuyên, sâu rộng, có lúc nội dung và hình thức chưa phù hợp; chưa phát huy đúng mức vai trò người có uy tín, tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhân tố phức tạp; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức thay đổi tư duy, nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội huyện và cấp ủy các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên về công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; nắm bắt kịp thời và đề xuất giải quyết các vấn đề, vụ việc nổi cộm, kiến nghị hợp pháp của đồng bào, không để xảy ra phức tạp về an ninh trật tự./.