Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Dân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, các Ban Đảng, Văn phòng Huyện ủy và các cơ quan ban ngành huyện, xã, thị trấn và các công ty TNHH.
Báo cáo hội nghị đánh giá: Trong 4 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của Huyện ủy về việc tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và công nhân. Qua quán triệt, học tập, xác định trách nhiệm các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành trong việc xây dựng giai cấp công nhân; cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và công nhân nhận thức đầy đủ hơn vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân trong giai đoạn cách mạng hiện nay và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc giáo dục lý tưởng, chăm lo xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thực trạng công nhân, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể huyện đã xây dựng kế hoạch hoặc lồng ghép với nhiệm vụ chuyên môn để triển khai thực hiện xây dựng giai cấp công nhân cho phù hợp với điều kiện cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Các cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, Công đoàn, các đoàn thể chính trị- xã hội quan tâm hơn trong việc bồi dưỡng, giáo dục giác ngộ chính trị, ý thức giai cấp, ý thức dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng đối với công nhân trong doanh nghiệp; có chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước đối với công nhân như: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề và trình độ nhận thức chính trị- xã hội, chi trả tiền lương, tiền công; số doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân tăng 3,6 lần so với năm 2007; giải quyết nghỉ phép, chăm sóc sức khoẻ định kỳ, an toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ; đời sống phần lớn công nhân từng bước được ổn định và nâng lên; vai trò công nhân tham gia các hoạt động chính trị, phát huy dân chủ tại doanh nghiệp ngày càng rõ nét, có hiệu quả, góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển.
Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền, bồi dưỡng phát triển đảng viên, bổ sung nguồn cho cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, phát huy vai trò tổ chức Đảng trong việc lãnh đạo xây dựng doanh nghiệp được chú ý, số đảng viên trong doanh nghiệp tăng 1,34 lần; việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức Công đoàn, phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn vững mạnh trong các doanh nghiệp được quan tâm, nhất là đối với doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế, đó là: còn có doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước vi phạm pháp luật lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiển y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân; vi phạm việc chi trả tiền lương, tiền công, chế độ nghỉ bảo sản, trợ cấp thất nghiệp, bảo hộ lao động, sa thải công nhân, không ký hợp đồng lao động cho công nhân và thoả ước lao động tập thể trong doanh nghiệp. Đội ngũ công nhân địa phương còn thiếu về số lượng công nhân lành nghề, hạn chế về chất lượng trình độ học vấn, nhận thức chính trị, tay nghề còn thấp. việc bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị- xã hội ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn nhiều khó khăn
Hội nghị xác định một số nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
1- Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể huyện và cơ sở tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thường xuyên, sâu rộng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của Huyện ủy, tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành về nhiệm vụ tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước.
2- Các cấp chính quyền tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với công nhân, lao động; chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ôn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; nắm chắc biến động về thu nhập, số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ công nhân, lao động hàng năm tại địa phương. Quan tâm công tác đào tạo nghề; tạo môi trường pháp lý thuận lợi và hỗ trợ, khuyến khích để phát triển các hình thức đào tạo nghề tư nhân và tự đào tạo nghề đối với công nhân, lao động nông thôn. Lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả hoạt động của Tổ kiểm tra liên ngành của huyện tăng cường kiểm tra về lĩnh vực chấp hành pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp theo Chỉ thị 06/2006/CT-TTg, ngày 06/3/2006 của Thủ tuớng Chính phủ và Chỉ thị số 03/2011/CT-UBND ngày 14/7/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về đẩy mạnh thực thi pháp luật lao động trong các loại hình doanh nghiệp.
3- Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục giác ngộ chính trị, tư tưởng, truyền thống cho công nhân, vận động kết nạp đoàn viên, xây dựng mới các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, tạo nguồn để kết nạp đảng viên trong công nhân các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, xúc tiến thành lập tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vục Nhà nuớc.
4- Các ngành chức năng chủ động phối hợp, triển khai có hiệu quả các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và bọn phản động nhằm vào lực lượng công nhân ở địa phương; phối hợp giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp trong công nhân ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”, phức tạp kéo dài, nhất là các vụ đình công, lãn công…; tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường lành mạnh để chủ doanh nghiệp và công nhân an tâm sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
MINH CHIẾN