Bên cạnh đó, với sự phát triển về kinh tế- xã hội, những công trình, dự án lớn như nhiệt điện, phong điện, điện mặt trời, cảng biển, đập thủy lợi Sông Lòng Sông, hồ chứa nước Phan Dũng... là niềm cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ đến tham quan, khám phá, trãi nghiệm và cho ra đời những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị. Tình hình kinh tế - xã hội - văn hóa phát triển, quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện cơ bản ổn định; đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí của người dân được nâng lên, nhu cầu văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng hiện đại đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của văn học, nghệ thuật.
Trong những năm qua, việc mở rộng về không gian sáng tạo, tư duy nghệ thuật, quan niệm nhân sinh của văn học, nghệ thuật luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ thực hiện, gắn với chú trọng thực hiện công tác định hướng các hoạt động sáng tác theo phương châm bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Trong 15 năm qua, việc sáng tạo văn học nghệ thuật trên địa bàn huyện có những chuyển biến đáng kể với các đề tài, nội dung phong phú, loại hình, phương pháp sáng tác đa dạng như thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, ảnh nghệ thuật, sản phẩm âm nhạc ngợi ca về con người và quê hương Tuy Phong…
Quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ được tôn trọng; thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ, người dân tham gia sáng tác, sáng tạo văn học nghệ thuật, đồng thời đảm bảo theo các quy định pháp luật, định hướng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của cá nhân người sáng tác đối với cộng đồng, xã hội; không phổ biến, lưu hành các tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc, làm xấu hình ảnh và con người Tuy Phong, gây bức xúc trong Nhân dân.
Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học nghệ thuật các dân tộc trên địa bàn huyện luôn được quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy, như: Chữ viết của dân tộc Chăm ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc đã được nghiên cứu, biên soạn hoàn thành giáo trình và đưa vào giảng dạy ở cấp tiểu học; các nhạc cụ truyền thống được gìn giữ và phát huy hiệu quả trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số như trống Ginăng, Paranưng, kèn Saranai của dân tộc Chăm; Mãla và hát ngâm hari của dân tộc Rắclây; hò Bá trạo của ngư dân vùng biển và đố thai được duy trì ở xã Bình Thạnh.
Toàn huyện có 01 Chi hội văn học nghệ thuật gồm 20 hội viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động sáng tác, giới thiệu, phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật của địa phương đến các tầng lớp Nhân dân; có 04 Câu lạc bộ đờn ca tài tử, 01 Câu lạc bộ Tuồng cổ, 01 nghiệp đoàn nhiếp ảnh với hơn 100 hội viên tham gia tác nghiệp ghi lại và quảng bá hình ảnh các danh lam, thắng cảnh của quê hương và phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu. Huyện có Đội văn nghệ lưu động và hầu hết các xã, thị trấn đều có đội văn nghệ quần chúng tổ chức biểu diễn phục vụ nhân các dịp lễ, kỷ niệm của địa phương. Toàn huyện, có 11 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Các hoạt động sáng tạo trên từng lĩnh vực cụ thể như văn học, âm nhạc, điện ảnh, múa, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng đa dạng, phong phú, có chiều hướng phát triển tích cực. Nội dung, hình thức thể hiện vừa mang đậm nét truyền thống quê hương, vừa giao thoa tiếp thu nhiều nét tinh hoa, tiên tiến, hiện đại của các vùng miền trong cả nước và xu thế hội nhập thời đại của thế giới.
Trong 15 năm qua, Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên, giao lưu giữa các văn nghệ sĩ, lực lượng sáng tác và hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn huyện, mời một số nhạc sĩ, ca sĩ trong và ngoài tỉnh về sáng tác và biểu diễn những khúc ca ngợi về quê hương và con người Tuy Phong, có một số tác phẩm tham gia các hội thi, hội diễn cấp tỉnh đạt giải thưởng cao. Duy trì việc xuất bản Tờ tin Tuy Phong (02 số/năm), qua đó thu hút, phổ biến nhiều bài viết, tác phẩm có giá trị. Các lễ hội dân gian mang nét văn hóa cổ truyền, tính đặc thù riêng của huyện như: Lễ hội Xuân Thu nhị kỳ, Lễ hội Kỳ Yên, Lễ hội Cầu Ngư… tại các đình làng, các hội Vạn lạch, Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại di tích Cát Bay, Lễ hội Ka tê, Lễ hội tháp Pô Dam, Lễ hội giỗ Tổ các vua Hùng (lễ hội cấp tỉnh) được tổ chức tại đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa tổ chức vào ngày mùng 10/3 (âm lịch) hàng năm... được duy trì thường xuyên, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa tinh thần. Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thanh truyền hình huyện phối hợp Trung tâm Văn hóa tỉnh khai giảng lớp Đờn ca tài tử tại huyện.
Hàng năm, Chi hội Văn học nghệ thuật Tuy Phong tổ chức nhiều đợt sinh hoạt, tạo sân chơi, điều kiện để các hội viên tham gia các hoạt động sáng tác; nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết được ra mắt, giới thiệu với bạn đọc trong, ngoài huyện; các hội viên tích cực tham gia các cuộc thi viết, nhiếp ảnh trong nước và quốc tế đạt nhiều giải thưởng cao; phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức Trại sáng tác đề tài “Xây dựng nông thôn mới” tại xã Bình Thạnh và Hòa Minh; tham dự các Trại sáng tác do Trung ương Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Công an, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chi hội Văn học nghệ thuật Tuy Phong duy trì hoạt động hiệu quả, hàng năm đều xuất bản Tập san văn nghệ nhân dịp cuối năm, với trên 30 tác phẩm mỗi kỳ.
Công tác giới thiệu tác giả, tác phẩm và giao lưu văn hóa - văn nghệ được quan tâm thực hiện. Trong những năm qua, huyện tổ chức nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ và tham gia các hội thi, hội diễn cấp tỉnh cũng như khu vực, xuất bản ấn phẩm, tập san, băng đĩa,… phục vụ kịp thời các sự kiện chính trị, thu hút đông đảo văn nghệ sỹ, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ tham gia, qua đó nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi về quê hương Tuy Phong ra đời, có tác phẩm đạt giải cao, góp phần giới thiệu, quảng bá về quê hương, con người Tuy Phong đến đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.
Công tác quản lý, giới thiệu, truyền bá các sản phẩm văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng được đặc biệt chú trọng; Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thanh truyền hình huyện, Trang thông tin điện tử huyện, tài khoản Facebook “Nét dẹp Tuy Phong”, “Quê hương Tuy Phong” không ngừng nâng cao chất lượng các tin, bài; chú trọng những tin, bài có tính chất phát hiện, phê phán, góp phần định hướng dư luận xã hội, giáo dục, định hướng, nâng cao trình độ thẩm mỹ, thị hiếu, lý tưởng và thẩm mỹ cho Nhân dân, đẩy lùi các sản phẩm văn hóa độc hại trong cộng đồng.
Công tác xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật quần chúng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân huyện luôn quan tâm chỉ đạo cơ quan, ban ngành liên quan triển khai các biện pháp xây dựng và phát triển hoạt động văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích Nhân dân lưu truyền và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc. Hàng năm, tổ chức tốt các chương trình văn nghệ chào mừng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; tổ chức Liên hoan đơn ca tài tử - cải lương; Hội diễn nghệ thuật không chuyên; Hội thi “Giọng ca vàng”; Hội thi “Tiếng hát Bolero”; Cuộc thi “Tiếng hát Tuy Phong”; triễn lãm ảnh nghệ thuật; trưng bày hình ảnh giới thiệu thành tựu kinh tế - văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện; tổ chức sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức “Khu bảo tồn biển Hòn Cau”; Triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Cuộc trò chuyện mùa Xuân” và Đêm thơ Nguyên tiêu tại Làng du lịch Cổ Thạch xã Bình Thạnh; Cuộc thi ảnh đẹp bãi rêu Cổ Thạch; Cuộc thi ảnh “Nét đẹp Tuy Phong”; Liên hoan “Tiếng hát về nguồn” lần thứ XV/2011 tại xã Chí Công; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” năm 2015; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức “Dạ hội điện ảnh” năm 2017. Ngoài ra, các tổ chức chính trị- xã hội huyện tổ chức nhiều hội thi, hội diễn như: Liên hoan “Hát ru và hát dân ca”, sáng tác thơ ca, hò vè (Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện); Hội diễn nghệ thuật không chuyên CBCNVC-NLĐ (Liên đoàn Lao động huyện); Hội thi “Nhóm tuyên truyền ca khúc Cách mạng”, đêm ca nhạc với chủ đề “Vòng tay nhân ái”, cuộc thi sáng tác MV Hát Quốc ca chủ đề “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” (Huyện đoàn)…
Toàn huyện có 02 Trung tâm văn hóa; 09 Nhà văn hóa xã. Trong những năm qua, các thiết chế văn hoá hoạt động tương đối tốt, đem lại hiệu quả thiết thực góp phần tạo sân chơi lành mạnh trong các tầng lớp Nhân dân, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ văn hoá cho Nhân dân; là nơi sinh hoạt chính trị, văn hoá, xã hội, kịp thời phổ biến các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, tuyên truyền giáo dục về lối sống, triển khai các vấn đề, yêu cầu của địa phương đến các tầng lớp Nhân dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác về chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như trau dồi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương thân tương ái trong cuộc sống; tạo điều kiện cho Nhân dân giao lưu với nhau. Từ năm 2015 đến nay, được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh, trên địa bàn huyện Tuy Phong được trùng tu 04 di tích: đền Thờ Hùng Vương, Vạn Tả Tân (thị trấn Phan Rí Cửa) nhóm đền Tháp Pô Dam (xã Phú Lạc), đình Long Hương (thị trấn Liên Hương).
Mạng lưới thư viện trên địa bàn huyện được quan tâm phát huy có hiệu quả; Thư viện huyện, các thư viện trường học, UBND, các tổ chức chính trị các xã, thị trấn phát huy tốt tinh thần phối hợp triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc xây dựng, duy trì thói quen đọc sách của người dân. Hàng năm, Thư viện huyện và các thư viện trường học đều bổ sung mới từ 100 đến 200 đầu sách. Ngoài ra, còn đẩy mạnh và khuyến khích phát triển thư viện tư nhân, tủ sách họ tộc, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học trong cộng đồng dân cư, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu đọc sách cho người dân.
Những kết quả đạt được trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trên địa bàn huyện trong 15 năm qua đã có tác động, làm chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần xây dựng con người mới có tinh thần yêu nước, có lối sống lành mạnh, tích cực lao động và sáng tạo; các tác phẩm VHNT đều đảm bảo đúng theo định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước, phản ánh khá sinh động cuộc sống và con người Tuy Phong, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện; các hoạt động văn học, nghệ thuật đã có những chuyển biến tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, hình thành nhiều phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo quần chúng tham gia... góp phần cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời phản bác, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch./.