Đến nay 9/12 trạm y tế (TYT) có biên chế bác sĩ và cán bộ chuyên trách khám chữa bệnh y học cổ truyền, thực hiện Đông – Tây y kết hợp; 12/12 TYT có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 11/12 TYT có dược tá, dược sĩ; có 32 y tế thôn tại các xã miền núi, dân tộc (Phan Dũng, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, Phong Phú, Phú Lạc) và lực lượng cộng tác viên y tế trên toàn huyện; 12/12 xã, thị trấn giữ được chuẩn Quốc gia Y tế xã giai đoạn 2001- 2010. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em được tập trung thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm chủng vacxin phòng bệnh uốn ván bình quân hàng năm đạt trên 90%; Phụ nữ từ 15-35 tuổi tiêm phòng uốn ván đạt 100%. Hàng năm, tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm đạt trên 99%; trẻ em dưới 5 tuổi được uống vitamin A đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 05 tuổi giảm từ 14,57% năm 2001 xuống còn 11,4% năm 2011. Các chương trình y tế quốc gia được thực hiện khá tốt, phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chú ý.
Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Trong năm 2011 đã khám và điều trị 52.525 lượt bệnh nhân, tỉ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt 13,12%, điều trị nội trú 460 trường hợp với 2.060 ngày điều trị (bình quân 4,47 ngày điều trị/ bệnh nhân), góp phần giảm tải số lượt bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên. Tổ chức Hội Đông y từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, có 04 phòng chẩn trị với 35 lương y, 01 lương dược; Bệnh viện có khoa Đông y với 01 bác sĩ và 03 y sĩ, kỹ thuật viên y học cổ truyền. Các xã, thị trấn đều có Hội Đông y với 126 hội viên, có vườn thuốc nam với tổng diện tích 5.000m2; có 11 phòng khám y học cổ truyền tư nhân và các cơ sở kinh doanh thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Cơ sở vật chất và trang thiết bị mạng lưới y tế tiếp tục được đầu tư, phục vụ tốt việc khám chữa bệnh. Hiện nay, các trạm Y tế có nhà làm việc cấp 4 tương đối khang trang; mỗi Trạm Y tế có 7- 9; có điện lưới Quốc gia, sử dụng nguồn nước máy sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, điện thoại, mạng Internet, máy vi tính. Bệnh viện Huyện và Phòng khám đa khoa Phan Rí Cửa được đầu tư xây dựng mới và trang bị các thiết bị kỹ thuật khá đồng bộ; có 7/12 trạm Y tế được Sở Y tế đầu tư máy siêu âm đen trắng và máy đo điện tâm đồ (Chí Công, Phong Phú, Phú Lạc, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Vĩnh Tân và Bình Thạnh). Toàn huyện có trên 230 giường phục vụ bệnh nhân, trong đó Bệnh viện huyện 120 giường, phòng khám Đa khoa PRC 50 giường, tổng các trạm y tế cơ sở 60 giường, so với năm 2002 tăng 100 giường.
Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân; mạng lưới y tế cơ sở tuy được mở rộng nhưng trang bị vẫn còn lạc hậu, thiếu thốn. Tình trạng thiếu bác sĩ vẫn là một thách thức lớn, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ y tế, nhất là ở tuyến xã, thị trấn không đồng đều.
Ảnh 2: Trạm y tế xã Phan Dũng.
Trên cơ sở những kết quả 10 năm qua, Huyện ủy Tuy Phong xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, đó là:
1- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 13-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về củng cố và kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng và mỗi người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
2- Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và đầu tư của Nhà nước về y tế; bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở (bao gồm cộng tác viên, y tế thôn, bản và Trạm y tế các xã, thị trấn). Phấn đấu đến cuối năm 2020 có 12/12 trạm xã, thị trấn đạt chuẩn mới của Quốc gia về y tế; vận động từ 30% – 40% dân số tham gia rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên, tạo điều kiện có 90% hộ sử dụng nước sạch và 80% hộ gia đình có sử dụng hố xí hợp vệ sinh.
3- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; tiếp tục nâng cao y đức cán bộ y tế từ huyện đến cơ sở, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ bệnh nhân gắn với thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chú trọng đào tạo và có chế độ chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ về công tác tại các trạm y tế xã, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
4- Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng. Mở rộng và triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Tiếp tục đầu tư xây dựng, bổ sung, nâng cấp các trang thiết bị ở các trạm y tế xã, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; thực hiện đến năm 2014 có 100% nhân dân tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện; đẩy mạnh công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình và các hoạt động đông y. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra vệ sinh môi trường, VSATTP. Định kỳ tổ chức các đoàn đi khám chữa bệnh cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa gắn với thực hiện tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ cho các đối tượng chính sách và người nghèo trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
5- Quan tâm xã hội hoá công tác y tế: thu hút các tổ chức, doanh nhân hợp tác, liên doanh với Bệnh viện, Trung tâm Y tế để từng bước hiện đại hoá trang thiết bị, đa dạng hoá các mô hình khám chữa bệnh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân gắn với tăng cường đầu tư của Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý ngành nghề y dược tư nhân.
MINH CHIẾN