Ấm lửa tình người
Đến Bệnh viện Tuy Phong, chúng tôi không chỉ ngỡ ngàng trước đà phát triển ngày càng lớn mạnh của một bệnh viện huyện mà còn thấy ở nơi đây ấm lửa tình người. Đưa chúng tôi thăm Bếp ăn từ thiện khá khang trang, cơm được hấp bằng nồi hơi và hệ thống bếp bằng lò ga khép kín, tủ lạnh, dụng cụ chế biến rất sạch và an toàn, ông Nguyễn Kỳ Thư-Giám đốc Bệnh viện huyện cho biết bệnh viện đã thành lập ban quản lý bếp ăn, trong đó giám đốc là trưởng ban, thành viên là các trưởng khoa phòng, điều dưỡng cùng với 1 thủ quỹ, 1 kế toán lo việc chi tiêu và bố trí một bộ phận nấu ăn phục vụ bệnh nhân nghèo hàng ngày. “Người nghèo bình thường mưu sinh, lao động để kiếm bữa ăn đã chật vật, lúc ốm đau trên giường bệnh, cuộc sống còn khó khăn chồng chất. Giúp họ có được bữa ăn là góp phần giãm lo âu, căng thẳng, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”- Ông Thư nói.
Chị Phạm Thị Phương, nhân viên Bếp ăn từ thiện cho biết ai cũng lao động tất bật, phải thức dậy từ sáng sớm chuẩn bị bữa cháo sáng, rồi sau đó đi chợ về nấu cơm, chế biến thức ăn...Sáng đúng 10 giờ 30, chiều lúc 15 giờ là mọi việc phải gọn gàng, tươm tất để kịp chuyển những suất cơm cho bệnh nhân nghèo. “Những người nhận cơm là bệnh nhân nghèo, khó khăn, số tiền ít ỏi mà họ tích cóp được đều dồn hết cho việc mua thuốc, chữa bệnh nên những suất ăn từ thiện rất ý nghĩa. Dù có khó khăn mấy thì những bữa cháo, cơm tình người vẫn ngút khói giúp bệnh nhân vượt qua lúc ngặt nghèo. Làm việc ở đây vừa là trách nhiệm, em còn học cách sống phải biết yêu thương, chia sẻ”- Chị Phương tâm sự.
Bệnh viện Tuy Phong biên chế 120 ngường, bệnh nhân điều trị nội trú chiếm số lớn và đa phần là những người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người già… Gặp những bệnh nhân nghèo đang dùng cơm tại Bếp ăn từ thiện, ánh mắt ai cũng lộ rõ niềm vui dù cơn đau đang hành hạ. Bà Lê Thị Hương, 55 tuổi, nuôi chồng bị bệnh, thổ lộ: “Không nhờ những bát cháo, bát cơm ngày 3 bữa, chắc là tôi không có khả năng nuôi nổi chồng bệnh trong thời gian qua”. Cùng tâm trạng như bà Hương, chị Trần Thị Vân (44 tuổi) đang chăm sóc mẹ già nằm chữa trị tại khoa Nội xúc động cho biết: “Nhờ có bữa cơm từ thiện này mà gia đình đỡ phần nào gánh nặng chi phí, để dành tiền lo thuốc cho bà cụ”.
Thương người như thể thương thân
Hơn một năm qua, ngày nào cũng vậy, bếp cơm lửa vẫn sáng đều đặn làm chỗ nương nhờ cho người bệnh và thân nhân nghèo trong những lúc khó khăn, bệnh tật là cả mồ hôi, công sức và tình thương của mọi người. Ông Vũ Văn Chỉnh cho biết rất trăn trở, suy tư trước những người dân nghèo bị bệnh gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống và điều trị bệnh, Hội Chữ thập đỏ huyện và Ban giám đốc Bệnh viện huyện đã quyết định xây dựng bếp cháo nhân đạo. Từ bếp cháo trở thành bếp cơm nhân đạo, từ 2 xuất trưa, chiều, giờ đã nâng lên phục vụ bệnh nhân nghèo 3 bữa trong ngày. Nếu như năm 2011 bếp ăn nhân đạo mới chỉ đáp ứng được hơn 20 suất thì đến năm 2012 đã lên trên 30 suất mỗi ngày. Chất lượng suất ăn không còn gánh nặng tâm lý kiểu ban ơn, bố thí mà tăng dần từ 20.000 đồng (2011) lên 25.000 đồng (2012). Để có được những bữa cơm nghĩa tình, Hội Chữ thập đỏ huyện và Bệnh viện Tuy Phong đã phải ngược xuôi vận động các nhà hảo tâm, từ thiện hỗ trợ, giúp đỡ cơ sở vật chất cho Bếp ăn từ thiện, với chi phí mỗi tháng từ 6 triệu – 8 triệu đồng.
Thành công của bếp ăn từ thiện này đã nhanh chóng lan tỏa và được các nhà hảo tâm cũng như giới chuyên môn ngành y tế đánh giá cao, Ông Nguyễn Trần Quân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết Bệnh viện Tuy Phong là nơi làm tốt mô hình Bếp cơm từ thiện, điều đó không chỉ sẽ chia sự khó khăn, thiếu thốn mà còn mang lại niềm vui, tình nhân ái cho bệnh nhân nghèo. Rất mong sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cấp ngành, những tấm lòng hảo tâm để Bếp ăn từ thiện luôn là điểm tựa ấm áp cho hàng ngàn bệnh nhân lâm vào cảnh bệnh tật nghèo khó.
Hỏi về bí quyết làm thế nào để tổ chức thành công và duy trì hoạt động lâu dài, hiệu quả của bếp ăn từ thiện, ông Nguyễn Kỳ Thư, Giám đốc Bệnh viện huyện vui vẻ nói: “Có gì là bí quyết đâu, chỉ cần có tâm trong sáng, kết nối những tấm lòng nhân ái lại với nhau để tạo nên nguồn lực tổng hợp là làm được. Bất kỳ ai, hễ có tấm lòng là chúng tôi đều trân trọng”.
MINH CHIẾN