Để mở đầu cho chuyến du lịch tham quan thắng cảnh vùng miền núi địa bàn huyện Tuy Phong, mời các bạn ghé thăm hồ chứa nước Sông Lòng Sông:
Hồ Sông Lòng Sông được khởi công xây dựng vào cuối năm 2001, bắt đầu đưa vào sử dụng năm 2005. Trữ lượng diện tích mặt nước khoảng 275 ha, dung tích hơn 37 triệu khối, cung cấp nước tưới cho 4.300 ha diện tích đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân toàn huyện. Ngoài ra, hồ còn có nhiệm vụ là điều tiết lũ cho vùng hạ du, diện tích mặt hồ rộng, được bao bọc bởi các dãy núi, tạo nên một phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, rất phù hợp cho những chuyến dã ngoại, câu cá thư giãn.
Sau khi tham quan hồ, chúng ta vượt dốc với con đường ngoằn ngoèo quanh co uốn khúc, hiểm trở, bao bọc xung quanh hồ để đến một điểm du lịch khác, không kém phần kỳ bí, nó gắn liền với lịch sử giải phóng quê hương Tuy Phong, đó là thác Tân Cung.
Đây là dòng thác đầu nguồn của Hồ Sông Lòng Sông với dòng chảy trải dài hơn 3 km, nhiều khe nước đổ về, tạo nên dòng thác tuyệt đẹp, bọt tung trắng xoá, từng đàn cá lượn lờ, tạo cho phong cảnh sinh động. Không những thế, các bạn còn được chiêm ngưỡng những khối đá bị bào mòn theo thời gian tạo nên hình thái kỳ dị, uốn lượn như những con rồng đá hội tụ nơi này, nào là Hàm Ếch, Hang Cọp, suối Cá Linh …. theo tên gọi của địa phương. Nơi đây cũng là cửa ngõ giao liên giữa các căn cứ cách mạng như Khu nhà Bảo, suối Huyện đội, căn cứ Tân Lê với miền xuôi của các chiến sỹ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng quê hương Tuy Phong.
Ngược về hướng tây bắc hơn 10 km, chúng ta đến với xã Phan Dũng, vùng đồng bào dân tộc Răglay, các bạn sẽ có dịp giao lưu, tìm hiểu phong tục tập quán của người địa phương, thưởng thức những đặc sản vùng miền núi, giao lưu ca hát và uống rượu cần với người dân bản địa…
Theo lịch trình, chúng ta tiếp tục khám phá khu rừng nguyên sinh Tà Hoàng và thác Yavly. Để đến được với thác Yavly, chúng ta phải đi xuyên qua khu rừng nguyên sinh Tà Hoàng. Đoạn đường mặc dù quanh co, khúc khuỷu, men theo con đường nhỏ, những quãng ngắn có những con suối với từng đàn cá tung tăng bơi lội và thật thỏa thích hơn khi dạo chơi trong rừng đại ngàn. Rừng Tà Hoàng là khu rừng còn tương đối nguyên vẹn, rộng hơn 20 ngàn ha, nơi đây còn khá nhiều loài cây gỗ quý như lim, sao, căm xe, trắc, gõ, giáng hương, nhiều khu rừng bằng lăng thẳng tấp, chót vót lên trời xanh… dưới tán rừng là những thảm thực vật cây bụi, nhiều loài hoa rừng đủ màu sắc, những khối đá kỳ vĩ, với những con suối chắn ngang, nép bên bờ là những rặng chuối rừng, măng tre, hoa dại, thắp thoáng trong rừng có những ngôi nhà sàn, đồng ruộng xanh tươi của đồng bào dân tộc, tạo thành những bức tranh thuỷ mặc thiên nhiên tuyệt đẹp giữa núi rừng.
Nép sâu nơi cuối rừng là ngọn thác mang tên người con gái Răglay là Yavly, hay còn gọi là thác Mây. Sau hơn 2 giờ băng rừng, lội suối, chúng ta đã nghe tiếng thác đổ như mời như gọi.
Thác Yavly cao gần 50 mét, dù mùa nắng hay mùa mưa, thác vẫn tuôn trào tại đỉnh thác nước chảy xiết như hai máng xối giao nhau, uốn lượn như rồng đang phun nước, hơi nước bay cao tạo thành những làn mây phủ cả một góc rừng, gặp ánh nắng tạo thành cầu vồng bảy sắc tuyệt đẹp. Dưới chân thác là một bể rộng khoảng hơn 100 mét vuông, mực nước không sâu nhưng trong vắt, có thể nhìn thấy từng viên đá cuội, từng đàn cá tung tăng lội ngược dòng nước, là một bãi tắm lý tưởng với dòng nước mát lạnh.
Phải tắm một lần ở đây bạn mới cảm nhận hết sự thú vị của nó, nước trong mát, đủ rộng để bạn bơi lội vui đùa thoả thích, tắm xong, bạn có thể chọn những tảng đá lớn làm nơi nghỉ ngơi và thưởng thức những món cá đồng tại chỗ thật là tuyệt vời và thi vị khi ngắm nhìn nhiều loài bướm đẹp, nhiều cây gỗ quý, những mảng rêu phong cổ kính, tạo nên quang cảnh thần tiên của riêng núi rừng Tà Hoàng.
Trong tương lai không xa, ngành du lịch Tuy Phong sẽ có kế hoạch đầu tư khai thác đưa thác và rừng Tà Hoàng trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, cuốn hút nhiều du khách đến với thiên nhiên, đến với con người Tuy Phong.