GIỚI THIỆU

BÀI 3: NỘI DUNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

1. Về phương hướng, phương pháp đào tạo cán bộ

Về phương hướng, Người chủ trương thu nạp mọi nhân tài của đất nước để cùng nhau chung sức chung lòng gánh vác công việc chung. Năm 1945, Người ra lời kêu gọi nhân tài và kiến quốc: ‘’Kiến quốc cần có nhân tài... Nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều’’[1]. Người nhắc nhở cần đào tạo lớp cán bộ mà thành phần là công nhân, nông dân vì đó là hai lực lượng cơ bản của cách mạng, và lớp trí thức vì đó là lực lượng đã đi cùng công nông kháng chiến, cho nên phải chú ý đào tạo ba lực lượng đó. Người chủ trương đồng thời chuẩn bị cán bộ đầy đủ, thích hợp với những công tác chủ yếu trước mắt và cho nhiệm vụ lâu dài là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Như vậy, phương hướng dùng người của Hồ Chí Minh vừa có ‘’diện’’, là tất cả nhân tài, vừa có ‘’điểm’’, là công nhân, nông dân và trí thức, vừa có trước mắt, vừa cho lâu dài.

Phương pháp dùng người của Hồ Chí Minh là lựa chọn và đào tạo cán bộ phải đi đôi với việc biết sử dụng và khéo sử dụng cán bộ, dùng người đúng chỗ, đúng việc; “phải có gan cất nhắc cán bộ”, vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Người nêu rõ quan điểm toàn diện khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải nhận xét rõ ràng cả ưu và khuyết điểm của họ về công tác, sinh hoạt, cách viết, cách nói, việc làm, cách đối xử với ta và với mọi người, không phải trong một lúc, mà phải xem cả công việc từ trước đến nay; cần xét ý kiến của nhiều người khác, xem rõ người đó có gần gũi quần chúng, được quần chúng tin cậy, mến phục không, phù hợp vào việc gì. Người viết: ‘’Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được’’[2].

2.  Vấn đề tìm nguồn nhân tài, nguồn cán bộ để sử dụng

Theo Người, người lãnh đạo phải lăn lộn với đời sống xã hội, với phong trào cách mạng, lắng nghe  ý kiến nhân dân, chú ý đến dư luận xã hội, tìm người tốt đào tạo họ trở thành những cán bộ. Đó là một trong những nguồn vào quan trọng không thể xem thường. Đối với cán bộ cấp cơ sở nói chung, Người thường nói đến nguồn quan trọng bổ sung vào đội ngũ cán bộ của Đảng là đảng viên. Muốn có cán bộ tốt, phải có đảng viên tốt. Vì vậy, việc giáo dục người vào Đảng, nâng cao trình độ mọi mặt cho người đã ở trong Đảng là rất quan trọng. Người yêu cầu tất cả đảng viên rèn luyện, coi đó là điều kiện đầu tiên để đào tạo trở thành cán bộ. Bồi dưỡng đội ngũ đảng viên để trở thành những cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta.

Ngoài ra, Người còn nhắc nhở cần chú ý đến lực lượng cán bộ ngoài Đảng, phải thu nạp lực lượng to lớn đó, chọn những người có đủ tiêu chuẩn để đào tạo họ trở thành những cán bộ. Nếu chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng không thể thành công, còn phải đoàn kết với người ngoài Đảng, ‘’nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết’’, vì vậy, ‘’ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng’’[3]. Đó là dấu hiệu tích cực trong việc dùng người theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

3. Việc đánh giá, bố trí cán bộ

Theo Hồ Chí Minh, đánh giá cán bộ là để biết mặt mạnh, mặt yếu của cán bộ; là cơ sở để bố trí, sử dụng đúng cán bộ, là một việc khó, phức tạp và hệ trọng nên phải thận trọng, khách quan. Hiểu, đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ phải có những yêu cầu, chuẩn mực phù hợp với từng địa phương, từng lĩnh vực, đánh giá một cách toàn diện, công minh, khách quan. Khi đánh giá con người phải đánh giá họ trong trạng thái động chứ không thể trong trạng thái tĩnh; ‘’không chỉ xem một việc mà phải xem toàn bộ cả lịch sử, toàn cả công việc của họ’’, ‘’nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ’’[4]. Bác viết: ‘’Biết người cố nhiên là khó. Tự biết mình cũng không phải dễ’’[5]. Muốn đánh giá đúng về một con người, thì người đánh giá phải đủ tư cách. Không đủ tư cách thì không thể đánh giá được. ‘’Muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”[6].

Hồ Chí Minh rất thận trọng trong việc lựa chọn cán bộ. Mục đích chủ yếu của lựa chọn là để đưa đi bồi dưỡng lâu dài hay để sử dụng ngay là hai mặt của một vấn đề, đòi hỏi người lãnh đạo phải có sự tính toán cẩn thận. Muốn lựa chọn cán bộ đúng, trước hết phải có quan điểm rõ ràng, có những tiêu chuẩn đúng. Theo Người, lựa chọn cán bộ một cách đúng đắn là phẩm chất cao quý của mỗi người lãnh đạo; người lãnh đạo mà không biết dùng người, hoặc dùng người một cách thiên lệch, thiếu đúng đắn thì chưa xứng với cương vị đó. ‘’Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình’’[7]. Người yêu cầu từng ngành, từng cấp lựa chọn người phù hợp với công việc của ngành mình, cấp mình; phải xây dựng chức danh tiêu chuẩn từng loại cán bộ cho chính xác để lựa chọn cán bộ đúng đắn.

4. Huấn luyện cán bộ

Người nói: ‘’Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu’’, “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[8]. Muốn dùng người có hiệu quả, phải huấn luyện cho đầy đủ, chắc chắn. Phẩm chất và năng lực cán bộ không bỗng dưng mà có, nó phải qua rèn luyện.‘’Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng trong[9]. ‘’Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, một phần lớn do công tác, tôi luyện mà có’’[10]. Mục đích cuối cùng của việc huấn luyện, việc học tập, là phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế, Đảng mới thành công. Đó là những vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng trong công tác huấn luyện, học tập theo quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh.

5. Về việc phê bình cán bộ

Hồ Chí Minh coi việc phê bình cán bộ là vấn đề không thể thiếu trong quá trình đào tạo, bổ nhiệm và quản lý cán bộ; tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, giúp chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng, giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Người coi đây là một nguyên tắc thuộc về đạo đức, tư tưởng và chính trị vô cùng quan trọng, vì nó làm cho con người tỉnh ngộ và quay về với phẩm chất của người cán bộ đó, đem lại cho mọi người niềm tin vào sự lành mạnh trong các hoạt động của mình. Muốn vậy, người cán bộ phải có tư cách người phê bình. Người có thái độ đúng đắn bao giờ cũng tự phê bình mình trước khi phê bình người khác. Trung thực, thận trọng, đúng mức, có lý, có tình là phương pháp phê bình cán bộ rất có hiệu quả của Hồ Chí Minh. Người luôn luôn có cái tâm trong việc chăm lo, đối xử với con người và có cái tâm trong việc dùng người. Đó là đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh trong việc đào tạo cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu công tác, vì phẩm chất và năng lực cán bộ. ‘’Tâm’’ chuẩn thì dùng người chuẩn. Người có tâm chuẩn như Hồ Chí Minh thì thường dựa vào nhân dân để chọn người tài. Người cho rằng, phát hiện ra người tài đã khó, dùng được người tài càng khó. Muốn dùng được người tài một cách chính xác, Người thường dựa vào nhân dân, vào tổ chức. Đó là công tâm và tín tâm. Nhân dân phát hiện, tổ chức nghiên cứu, tạo thành hai mặt của một vấn đề đào tạo cán bộ./.

 

 

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 57.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 292, 293.

 

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 450.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 2011, Tập 4, tr. 498.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 2011, Tập 4, tr. 497.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 2011, Tập 4, tr. 497.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 2011, Tập 4, tr. 503.

 

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 2011, Tập 5, tr.309.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nôi, 2011, Tập 8, tr.246.

[10] Hồ Chí Minh: Về vấn đề cán bộ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1974, tr. 41.