GIỚI THIỆU

BÀI 2: KHÁI NIỆM TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁN BỘ VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

Xây dựng Đảng về tổ chức, trong đó có công tác cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh về chất lượng, đủ về số lượng, có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa là công tác cấp bách hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn cho rằng, vấn đề cán bộ là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng và đối với công tác xây dựng Đảng. 

Quan điểm tư tưởng của Người về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ trở thành kho tàng lý luận vô cùng quý báu, có ý nghĩa thực tiễn hết sức sống động, mãi mãi là bó đuốc soi đường cho công tác cán bộ của Đảng.

Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của người cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng: "Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho nhân dân, cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của nhân dân, của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc"[1]; là cái “dây chuyền”, “cầu nối” đặc biệt giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân, “dây chuyền”, “cầu nối” tốt sẽ góp phần giáo dục, động viên, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào phong trào cách mạng, dây chuyền dở thì chính sách của Đảng và Chính phủ có hay cách mấy cũng không thực hiện được; mặt khác, việc hoạch định, xây dựng chính sách mới cũng gặp khó khăn, không phù hợp, thậm chí sai lầm. Từ kinh nghiệm và thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú của mình, Người rút ra kết luận: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”;“Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn"[2].

Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, cán bộ quyết định mọi việc; công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của cán bộ. Cán bộ là nhân tố quyết định gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và của chế độ, nên hơn ai hết, họ phải có đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, phương pháp và phong cách của một con người mới xã hội chủ nghĩa để lãnh đạo đất nước và phục vụ nhân dân.

Nói về công tác cán bộ, Người dạy ‘’phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung’’; vì vậy‘’nhiệm vụ của chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà’’. Người dặn dò: “Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm”. Người đặc biệt lưu ý cán bộ lãnh đạo, quản lý phải biết giao việc và kiểm tra cán bộ. Phải biết thương yêu, giúp đỡ cán bộ một cách chân tình; phải dân chủ và tuyệt đối không được định kiến, hẹp hòi với cán bộ.

Công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ là tổng thể các biện pháp của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể trong xây dựng tiêu chuẩn cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; luân chuyển, điều động cán bộ; bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ,… nhằm phát huy năng lực đội ngũ cán bộ theo hướng bố trí số lượng hợp lý, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ‘’vừa hồng, vừa chuyên’’, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu hoạt động của hệ thống chính trị trong tình hình mới.

Cán bộ và công tác cán bộ gắn liền với nhau, không thể tách rời. Phải có quan điểm đúng đắn về cán bộ thì mới làm tốt công tác cán bộ. Thực hiện tốt công tác cán bộ là một biện pháp tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển./.

 


[1] Hồ Chí Minh: Về vấn đề cán bộ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1974, tr. 26.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, Tập 5, tr.280.