Là một huyện ven biển, đời sống của nhân dân chủ yếu tập trung vào ngư, nông nghiệp nên một số gia đình phụ huynh chưa quan tâm thật sự đến việc học vấn của con em mình, coi giáo dục là nhiệm vụ của nhà trường không phải của gia đình. Đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, nên việc học của con em bị gián đoạn hoặc để con tự ý nghỉ học giữa chừng khi đến mùa biển,… để lao động phụ giúp cho gia đình nên gây khó khăn đến công tác giáo dục đào tạo. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, Tuy Phong ra sức khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn của huyện, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân.
Công tác truyền thông về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Ngành giáo dục tổ chức với nhiều hình thức phong phú và hiệu quả như: thông qua các lớp bồi dưỡng chính trị hè, trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo tập huấn, sinh hoạt chuyên môn và tuyên truyền trên các trang, kênh thông tin của ngành, đơn vị. Kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quan tâm, phát hiện, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt trong các hoạt động đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đối với chương trình hiện hành; đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh. Hầu hết cở sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường học đều được đầu tư đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều trường không đủ phòng học hoặc không đủ giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi /ngày. Năm học 2019– 2020 toàn ngành giáo dục đào tạo huyện Tuy Phong tiếp tục thực hiện các cuộc vận động trọng tâm; đổi mới quản lý giáo dục; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp theo quy hoạch của huyện; tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị trường học.
Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tuy Phong thực hiện chức năng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các xã, thị trấn trong toàn huyện, gồm các ngành nghề đăng ký đào tạo là 15 nghề: Sơ cấp 03 nghề, dưới 3 tháng 12 nghề. Học viên sau khi tốt nghiệp có tay nghề đáp ứng yêu cầu công việc trong các công ty, xí nghiệp hoặc tự ứng dụng trong kinh doanh sản xuất gia đình, mang lại hiệu quả công việc khá tốt, phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài các lớp đào tạo tại trung tâm thì đa số các lớp còn được đào tạo lưu động tại các xã, thị trấn. Thực hiện Kế hoạch của UBND huyện Tuy Phong về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đến năm 2020, Trung tâm GDNN - GDTX đã triển khai liên kết với các trường Cao đẳng, Trung cấp trong và ngoài tỉnh. Cơ bản các lớp liên kết đều liên quan đến chuyên môn của Sở LĐTB&XH, theo khuynh hướng phù hợp với nguyện vọng, năng lực học sinh và nhu cầu xã hội gồm: giáo dục THPT, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và tham gia lao động sản xuất. Trung tâm đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, quy trình kiểm tra, đánh giá phù hợp với phương thức đào tạo, hình thức học tập và đặc thù của môn học. Công tác dạy và học được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đa dạng hoá hình thức tổ chức, chương trình đào tạo theo yêu cầu đào tạo gắn với việc làm; đào tạo theo nhu cầu của người học và xã hội.
Tuy nhiên, đến nay Trung tâm GDNN-GDTX huyện chưa tổ chức các lớp Giáo dục thường xuyên do tuyển sinh không đủ số lượng để đào tạo. Mặc dù hàng năm, Trung tâm đều có các văn bản hướng dẫn các địa phương trong huyện về công tác tuyển sinh học nghề đúng theo quy định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và công bố công khai rộng rãi trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện treo băng rôn tuyển sinh và phát thanh trên các Đài truyền thanh ở các xã, thị trấn. Công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do kinh tế đặc thù huyện Tuy Phong vừa là nghề nông nghiệp, vừa là đánh bắt chế biến hải sản; người lao động luôn phải bám ruộng rẫy, bám biển dài ngày, đa số học viên là lao động chủ chốt trong gia đình, do vậy việc nghỉ làm để đến lớp cũng ảnh hưởng phần nào đến kinh tế gia đình. Số lượng lao động nông thôn chưa qua đào tạo ngày càng giảm, lao động trẻ có xu hướng đi làm tại các thành phố lớn, nên nhu cầu học nghề tại địa phương còn lại rất ít./.