“Bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” là mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết số 41-NQ/TW được triển khai tiếp tục tại Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII). Trong những năm qua, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân (UBND) huyện không ngừng lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị quán triệt, tuyên truyền sâu rộng mục tiêu trên và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường.
Theo đó, các phòng ban chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể hàng năm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương; phối hợp tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở doanh nghiệp; tăng cường khảo sát, nắm tình hình nhằm phát hiện ngăn chặn; gắn với tiếp nhận giải quyết kịp thời các tin báo, đơn thư tố giác của quần chúng nhân dân các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Do đó, tình hình khiếu kiện, khiếu nại, đông người gây mất trật tự an toàn xã hội giảm dần.
Khắc phục môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái
Những năm qua, các ngành, địa phương của huyện tiếp tục chú trọng thực hiện các biện pháp về phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nhất là tập trung bảo vệ môi trường ở những khu vực trọng điểm như: Khu bảo tồn Hòn Cau, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, khu xử lý chất thải tập trung của huyện. Theo đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đã được khắc phục đáng kể; khu chế biến cá hấp (xã Phú Lạc) đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, không còn hiện tượng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường; tình trạng ô nhiễm môi trường tại đồng muối công nghiệp Thông Thuận (xã Vĩnh Hảo) cũng đã cơ bản giải quyết ổn định, không còn khiếu kiện tập trung, đông người.
Phòng TN-MT tham gia phối hợp với Sở TN-MT trong công tác thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đến việc triển khai thực hiện và vận hành dự án; qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả, phát huy hiệu lực đánh giá tác động môi trường trong việc phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, định kỳ phối hợp điều tra, thống kê, đánh giá các nguồn thải theo lưu vực sông, nhất là các nguồn nước thải trước khi thải ra biển, sông. Hạn chế tối đa việc quy hoạch, xây dựng mới các nghĩa trang Nhân dân, bãi rác thải ở thượng lưu sông, suối. Đối với các khu dân cư ven biển bị sạt lở, Huyện luôn tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh đề đầu tư xây dựng các đê chắn sóng ven biển ở địa bàn các xã, thị trấn: Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Liên Hương, Bình Thạnh, Chí Công và Phan Rí Cửa.
Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học được chú trọng
Công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng được chỉ đạo tích cực hơn, đẩy mạnh việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ vật tư kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất, hạn chế việc phá rừng làm rãy, khai thác lâm sản trái phép. Thực hiện các chương trình, dự án phục hồi hệ sinh thái rừng như: dự án trồng cây xanh, triển khai các hoạt động hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên, trồng các cây bản địa xung quanh và hai bên bờ hồ, sông suối, tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã…Quy hoạch lại 03 loại rừng, toàn huyện đã tập trung trồng nhiều loại cây để tạo thêm cây xanh cho rừng phòng hộ, rừng chắn cát bay, nông lâm kết hợp góp phần nâng độ che phủ rừng lên 65%.
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được quan tâm hơn. Cùng với tăng cường công tác kiểm ngư, nghiêm cấm khai thác các loài bị suy giảm, tăng cường kiểm tra việc đánh bắt bằng thuốc nổ, giã cào. Chú trọng hơn đến việc đóng tàu công suất lớn, trang bị các thiết bị đánh bắt xa bờ và giảm số thuyền có công suất nhỏ để bảo vệ, tạo điều kiện cho các loại hải sản gần bờ có nguy cơ cạn kiệt được phục hồi.
Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên nước được quan tâm giữ gìn, khai thác hợp lý, phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh tế và đời sống. Huyện Tuy Phong đã đưa vào sử dụng 03 công trình cung cấp nước sản xuất cho nhân dân như công trình hồ Phan Dũng, hồ Sông Lòng Sông, hồ Đá Bạc và kênh tiếp nước từ huyện Bắc Bình về huyện Tuy Phong cùng nhiều đập nhỏ khác của nhân dân để phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là những loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Xử lý nghiêm các hành vi mua, bán, săn, bắt, sử dụng và vận chuyển các loài động vật hoang dã.
Trong 05 năm qua, Phòng TN-MT, Cảnh sát môi trường huyện phối hợp Sở TN-MT, Cảnh sát môi trường tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh có các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thanh, kiểm tra khoảng 120 cơ sở, trong đó các ngành của huyện lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 60 trường hợp vi phạm trên 500 triệu đồng. Hầu hết, các cơ sở đều vi phạm các hành vi: xả nước thải vào môi trường vượt quy chuẩn cho phép; không lập Bản cam kết bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường theo quy định hoặc có lập nhưng không thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu; không thực hiện giám sát môi trường hoặc giám sát không đầy đủ; không nộp phí nước thải công nghiệp; chôn lấp, đốt chất thải không đúng quy định về bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản trái phép,…
Song song đó, công tác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường ở khu dân cư cũng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai; cùng phối hợp của Mặt trận đoàn thể và sự đồng thuận, vào cuộc của người dân trong việc tham gia thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, xây dựng tuyến đường hoa… nhờ đó bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp; chất lượng môi trường (nước, không khí) ở khu dân cư được cải thiện.
Tuy nhiên, vấn đề môi trường trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Hiệu quả quản lý các nguồn tài nguyên (đất, nước, khoáng sản, rừng) còn nhiều bất cập; khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra ở một số nơi; rác thải sinh hoạt ở một số địa phương chưa được thu gom triệt để; cơ sở giết mổ gia súc gây ô nhiễm vẫn còn nằm xen lẫn trong khu dân cư; hệ thống thoát và xử lý nước thải khu dân cư chưa kịp đáp ứng được nhu cầu thực tế; hoạt động gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện... Đó chính là những thách thức lớn mà các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cần phải chung sức, chung lòng triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới nhằm hướng đến hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội huyện nhà./.