Với việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nên kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 đạt khá cao như: Sản lượng khai thác thủy sản bình quân: 55.00 tấn, đạt 107,84% (kế hoạch 51.000 tấn); sản lượng nuôi trồng thủy sản: 2.200 tấn, đạt 55% (kế hoạch 4.000 tấn); sản lượng lương thực: 32.400 tấn, đạt 108% (kế hoạch 30.000 tấn); sản lượng tôm giống đạt 24 tỷ/17 tỷ post (năm 2017 là 22,03 tỷ post); 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm (theo chuẩn mới 2016 – 2020) giảm 1,23% (kế hoạch: giảm từ 1,2 đến 1,5%/năm); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (đến năm 2020) đạt 89,65% (kế hoạch: trên 90%); tỷ lệ lao động qua đào tạo các hình thức đến năm 2020 đạt 70%, đạt 100% (kế hoạch 70%); giải quyết việc làm cho 14.022 lao động, đạt 103,87% (kế hoạch 13.500 người)…
Đáng mừng là 4 năm qua (2017-2020), kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện. Nổi bật là huyện đã tập trung chuyển đổi và phát triển một số cây trồng có lợi thế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, trong đó cây thanh long ruột đỏ, tăng diện tích từ 72 ha năm 2017 lên 250 ha năm 2020; cây Táo phát triển từ 17 ha năm 2017 lên 50 ha năm 2020; Nho Hồng Nhật, lúa Đài thơm 8...Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh được chú trọng. Nông dân có nhiều cách làm mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thâm canh, tăng năng suất, nhất là tưới tiết kiệm, nhà lưới, kỹ thuật chăm sóc, lai tạo giống mới…Đặc biệt là làm tốt hơn chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có lợi thế, giải tỏa chuyện “được mùa mất giá”, trong đó HTX Long Điền 1 liên kết với Công ty giống cây trồng Nha Hố (Ninh Thuận) tiêu thụ 150 tấn lúa/năm và Nhà máy xay xát tiêu thụ 500 tấn lúa/vụ; HTX Long Hương liên kết với Cty Hưng Nông Phát (Phan Thiết) tiêu thụ 100 tấn lúa /năm; HTX Phước Thể liên kết Doanh nghiệp Tư Thành tiêu thụ sản phẩm cây nho, sản lượng khoảng 300 tấn/năm, đồng thời liên kết với Công ty cổ phần nông nghiệp R&D– T.p Hồ Chí Minh bao tiêu các sản phẩm rau, củ, quả do HTX sản xuất, với sản lượng 24 tấn/năm. Tận dụng lợi thế về đất đai, nông dân đã phát triển mô hình kinh tế trang trại, trong đó có 15 trang trại chăn nuôi được đầu tư bài bản với các loại vật nuôi chủ lực như bò, cừu canada, dê Úc, heo, vịt, gà..đem lại nguồn thu nhập khá cao; đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng từ khâu làm đất cho đến thu hoạch đối với cây lúa đã đạt 100%. Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm; tổng diện tích rừng giao khoán 13.694 ha/334 hộ, với mức thu nhập hàng năm từ 10 – 12 triệu đồng/hộ, tăng từ 2- 4 triệu đồng so với thu nhập năm 2017, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho một bộ phận lao động.
Kinh tế thủy sản phát triển mạnh về khai thác và nuôi trồng; sản lượng đạt chỉ tiêu giao hàng năm và tăng dần qua các năm. Cơ cấu thuyền nghề khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng tăng thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ. Tổng số tàu thuyền đến cuối năm 2020 là 1.455 chiếc/211.141cv; bình quân công suất 145,11cv/tàu (năm 2017 là 123,24cv/tàu). Dịch vụ hậu cần nghề cá cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ cho khai thác hải sản; hoạt động chế biến thủy sản duy trì, ổn định và thực hiện tốt quy định về an toàn thực thẩm (có 13/13 doanh nghiệp hoạt động chế biến đông lạnh, khô và thu mua, sơ chế hải sản, chế biến nước mắm xếp loại đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm). Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống quan tâm đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, do đó trong những năm qua sản lượng ổn định và phát triển; chất lượng giống tốt, giữ vững thương hiệu đáp ứng nhu cầu cung cấp tiêu thụ giống trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Về mặt văn hóa và xã hội, diện mạo nông thôn có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục- đào tạo được nâng lên; hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy học được đầu tư quy mô hơn, đáp ứng yêu cầu dạy học và tiến tới đạt chuẩn quốc gia đạt 35% (21/60 trường), chuẩn nông thôn mới. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, nhất là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại; bố trí luân phiên bác sỹ khám chữa bệnh tại Trạm y tế xã, đảm bảo 3,3 bác sỹ/10.000 dân, 11/11 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Chất lượng các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có cải thiện; chú trọng kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền trong khám và điều trị bệnh. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi về cân nặng giảm còn dưới 7,5%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020 đạt 89,65%, tăng 15,89% so với năm 2017 (năm 2017 là 73,76%). Các hoạt động thông tin tuyên truyền, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống được chú trọng thực hiện tốt. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” triển khai sâu rộng, chất lượng nâng lên, ý thức thực hiện nếp sống văn minh của nhân dân chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về văn hóa, thể thao đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Chương trình giảm nghèo được triển khai tích cực, có hiệu quả, nhất là lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội với giảm nghèo, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 còn 0,86% (đầu năm 2017 là 5,43% và cuối năm 2017 là 4,03%). Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người 44,6 triệu đồng/năm (thành thị 48,2 triệu đồng; nông thôn 43,9 triệu đồng), tăng 9 triệu đồng so năm 2017 (35,6 triệu đồng).
Trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Đảng bộ huyện hết sức quan tâm đến đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo khang trang, khởi sắc vùng nông thôn, miền núi, trong đó đường giao thông, hệ thống thủy lợi, kè biển, điện thắp sáng, trường học…với trị giá gần 600 tỷ đồng. Nhờ đó, toàn huyện đạt 145 tiêu chí nông thôn mới, bình quân đạt 16,1 tiêu chí/xã; 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Điều dễ dàng nhận thấy là qua 4 năm thực hiện chương “Tam nông” gắn với xây dựng nông thôn mới; kinh tế- xã hội vùng nông thôn tiếp tục phát triển. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực theo đúng định hướng; nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả sản nông nghiệp được nâng lên, nhất là các sản phẩm nông- lâm- thủy sản đặc trưng và có lợi thế của huyện. Tiềm năng, lợi thế của huyện được khai thác tốt hơn; bộ mặt đô thị và nông thôn, kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc. Hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh (giao thông, thủy lợi, điện, các công trình trường học, nhà văn hóa...) được quan tâm đầu tư, nhất là phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Văn hóa xã hội ngày càng tiến độ, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục cải thiện. Hệ thống chính trị nông thôn được coi trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng ở vùng nông thôn được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, nhất là vùng nông thôn cơ bản được giữ vững, ổn định; phát huy tốt sức mạnh của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, kết gắn giữa phát triển kinh tế- xã hội với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Có thể khẳng định những kết quả trên là tiền đề, động lực để Tuy Phong tiếp tục ra sức phấn đầu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tuy Phong lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025.