Nhờ thực hiện khá tốt công tác dân số - KHHGĐ trong thời gian qua, huyện Tuy Phong đã chủ động kiểm soát được tỉ lệ tăng dân số, dự báo đúng quy mô dân số của từng giai đoạn, làm cơ sở cho việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2016 - 2020. Mức sinh giảm cùng với tuổi thọ tăng đã làm cơ cấu dân số của huyện có sự thay đổi theo hướng ngày càng tích cực. Tỉ lệ dân số của nhóm tuổi lao động (15 - 64 tuổi) tăng từ 65,7% (năm 2009) lên 69,0% (năm 2019). Điều đó cho thấy, tỉ lệ dân số trong nhóm tuổi lao động chủ yếu (15 - 64 tuổi) cao gấp 2,23 lần tỉ lệ dân số phụ thuộc. Có thể thấy, huyện Tuy Phong đang trong “thời kỳ cơ cấu dân số vàng”, cứ một người phụ thuộc thì có hơn hai người trong độ tuổi lao động (nguồn Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và 2019). Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thường xuyên được quan tâm, trong đó 100% người cao tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.
Đồng thời, nhờ xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình “Thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên”, từ 48 thôn, khu phố đăng ký có tỷ lệ sinh con thứ 3 thấp và không có người sinh con thứ 3 trở lên năm 2010, đến năm 2020 có 65 thôn, khu phố đăng ký. Chỉ tính riêng năm 2020, có 65/65 thôn, khu phố đăng ký và kết quả có 12/65 thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên, 5 xã/10 xã, thị trấn có tỉ lệ người sinh con thứ 3 trở lên dưới 15%.
Chuyển đổi trọng tâm tuyên truyền về dân số
Từ năm 2017 đến nay, công tác truyền thông đã từng bước chuyển đổi trọng tâm từ tuyên truyền chính sách Dân số - KHHGĐ sang Dân số và phát triển, chú trọng các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW. Các hoạt động truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh, tập trung vào các ngày kỷ niệm của Dân số, người cao tuổi và trẻ em gái.
Cùng với Trung tâm dân số - KHHDGĐ, Mặt trận và các đoàn thể huyện đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện các chính sách dân số. Hình thành các Câu lạc bộ tiền hôn nhân, Phụ nữ không sinh con thứ 3, mô hình “Thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên”. Đồng thời, các hội, đoàn thể còn phối hợp mở các lớp tuyên truyên, tư vấn về dân số cho đoàn viên, hội viên. Tiêu biểu: Hội phụ nữ huyện phối hợp mở 61 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về dân số, công tác gia đình cho 3.559 chị tham dự; mở 8 điểm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 555 chị. Huyện đoàn đã triển khai đến các cơ sở Đoàn và Đoàn trực thuộc, đẩy mạnh tuyên truyền trên Fanpage của Huyện đoàn và trên các trang mạng xã hội do các cơ sở Đoàn quản lý. Từ năm 2016 đến tháng 7/2021, có 78 tin bài, bài viết tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ được đăng tải. Chú trọng phát hiện xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến với nhiều nội dung sát với thực tiễn, có chất lượng và có sức lan tỏa.
Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung quy định về dân số - KHHGĐ vào bình xét thi đua để biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân, cặp vợ chồng thực hiện tốt công tác dân số trong năm; nghiêm túc xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ sinh con thứ 3 trở lên. Công tác dân số - KHHGĐ được xem là một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm; và được đưa vào hương ước, quy ước thôn, khu phố để đánh giá thi đua thôn, khu phố cuối năm.
Tuy nhiên, công tác dân số - KHHGĐ của huyện ta vẫn còn tồn tại khá nhiều thách thức. Khi mà một số xã, thị trấn có tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, nhất là vùng khó khăn và vùng ven biển; tình trạng nạo phá thai nhất là phá thai ngoài hôn nhân và tình trạng tảo hôn còn nhiều. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn nặng tư tưởng muốn có con trai nối dõi khiến cho tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, từ giai đoạn 2016 - 2020 tỷ số này tăng nhanh bình quân ở mức 112,9%, trong đó cao nhất ở năm 2019 117,5%. Tuổi thọ người dân tuy có tăng nhưng chất lượng cuộc sống người cao tuổi còn thấp. Số thanh niên bước vào độ tuổi lao động cao, song thực tế tỉ lệ được đào tạo nghề còn thấp, số lao động không tìm kiếm được việc làm còn nhiều. Chính vì vậy, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu dân số - KHHGĐ, cần sự “chung tay” của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo, điều hành, thực hiện, tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục và nâng cao nhận thức, kiến thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn dân để từ đó có sự chuyển biến trong suy nghĩ và hành động nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, nâng cao năng suất lao động, chỉ số phát triển con người góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà./.