Lễ hội Pô Tằm năm nay diễn ra trong 2 ngày. 7 giờ sáng ngày 30 lễ khai hội bắt đầu. Khi tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng bập bùng vang lên, Đoàn rước sắc phong và y trang của Ngài (vua Pô Đam) lên Tháp, đi đầu là Sư cả của đạo Paseh và các chức sắc ôn Paseh, Kahar, ôn Mưdôn, ôn Kainh và 9 thanh niên, thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống khiêng kiệu, lộng và đoàn múa quạt xếp thành hai hàng đường lên chân tháp thể hiện những vũ điệu Chăm đặc sắc. Trong lễ hội Pô Tằm có lễ khai mạc, cầu quốc thái dân an, dâng hương, các nghi thức theo nghi lễ truyền thống: mở cửa tháp, gội đền tháp và các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian (nhảy bao bố, đập nồi, đội nước, kéo co…). Chương trình lễ kéo dài đến hết ngày 31/7/2017 bằng các nghi lễ tế thần, lễ tạ ơn và lễ đóng cửa Tháp.
Theo sư cả Thường Xuân Hữu “Trước đây, lễ hội Pô Tằm diễn ra hàng năm, nhưng nay 3 năm mới tổ chức một lần nhằm tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hóa mới”. Theo sư cả, khi vừa xong vụ lúa, đồng bào Chăm dâng lễ vật tưởng nhớ đến vua Pô Đam, vị vua trị vì Vương quốc Chămpa từ năm 1433 - 1460, bày tỏ lòng biết ơn đất trời, các vị thần linh, mưa thuận gió hòa, tổ tiên đã phù hộ cho bà con dân tộc Chăm có một mùa sản xuất nông nghiệp bội thu…
Nhóm đền tháp Chăm Pô Đam có niên đại nửa cuối thế kỷ VIII – đầu thế kỷ IX, thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai. Hiện nay nhóm tháp này có 6 tháp, trong đó có 3 tháp bị sụp đổ, hiện nay đã được tỉnh trùng tu, bảo tồn lại nguyên trạng 4 tháp. Tháp chính thờ bộ sinh khí Linga-Yoni bằng chất liệu đá xanh đen nguyên khối. Hiện những dòng tộc là hậu duệ của vua còn lưu giữ 8 sắc phong do các vua triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Ðịnh phong tặng. Tháp Pô Ðam được Nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996.
Lễ hội Pô Tằm năm nay được tổ chức trọng thể, thu hút hàng ngàn người dân khắp nơi đã đến tham dự lễ hội, thể hiện tính tôn nghiêm, thành kính của phần lễ, tính sôi động, hào hứng của phần hội đã tạo nên một lễ hội truyền thống đặc trưng. Lễ hội là một biểu hiện về việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với di tích, là một sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng, là dịp để dân làng chúc mừng, thăm hỏi lẫn nhau, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm.