Những bài học lịch sử quý báu của dân tộc ta là những triều đại thịnh trị của Việt Nam đều là những triều đại lấy dân làm gốc, vua quan có trách nhiệm phải lo cái lo của dân, vui cái vui của dân, cùng nhân dân bàn bạc, cùng nhân dân xây dựng và chiến đấu, đó là sức mạnh bách chiến bách thắng của dân tộc ta. Khắc sâu lời dạy của các bậc tiền bối, như: Nguyễn Trãi "Phúc chu tín thủy, dân do thủy" (Lật thuyền rồi mới biết dân mạnh như nước), "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân", Nguyễn Bỉnh Khiêm "Đắc Quốc ưng Tri tại đắc dân" (Được nước chính là được lòng dân), Trần Hưng Đạo "Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ, đó là thượng sách".
Quán triệt quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí Minh khẳng định, muốn làm cách mạng thắng lợi “trước hết phải có đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi“. Tư tưởng "Lấy dân làm gốc" được Người kế thừa, nâng lên tầm cao mới, với những nội dung mới. Người chỉ rõ và khẳng định trong bài báo “Dân vận“, đăng trên báo Sự Thật, số 120, ngày 15/10/1949 “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân“. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một tư tưởng lớn cho Đảng và nhân dân ta "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".
Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng sinh ra trong lòng dân tộc, được nhân dân cưu mang, giúp đỡ mà tồn tại, phát triển. Đảng với dân như cá với nước. Gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng mới có lực lượng. Bài học thực tiễn của cách mạng Việt Nam là khi Đảng có dân là có tất cả. Xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, nên từ khi Đảng ra đời, các đảng viên của Đảng đã đi vào các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, vận động đoàn kết, huấn luyện quần chúng đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi dân sinh, dân chủ và tổ chức quần chúng vào các đoàn thể cách mạng. Bác nói: Dân vận không phải "chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh", mà phải "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm".
Bác đã để lại cho chúng ta nhiều tư tưởng lớn, nhiều vấn đề, nhiều nội dung cụ thể, thiết thực cho công tác dân vận, nhưng vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất là tư tưởng trọng dân, vì dân. Đây là điểm xuất phát, là tiền đề của công tác dân vận. Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Bác đã tổng kết “Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn“. Vì vậy, Bác căn dặn chúng ta phải luôn trân trọng, phát huy và thực hành thật tốt dân chủ, vì “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân“, mà “dân chủ là quý báu nhất của nhân dân“; "Nước ta là nước dân chủ. Địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nhà nước do dân làm chủ", cho nên Bác cũng yêu cầu chúng ta “làm sao cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền làm chủ của mình, dám nói, dám làm“.
Từ ngày 14-31/10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng, Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, các Án nghị quyết của Đảng về Công nhân vận động, Nông dân vận động, Phản đế đồng minh, Cộng sản thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Quân đội vận động và vấn đề cứu tế. Như vậy, có thể nói, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã chăm lo công tác vận động quần chúng, tập hợp lực lượng cách mạng. Đảng trực tiếp xây dựng các đoàn thể cách mạng. Đến tháng 10/1930, hệ thống các ban chuyên môn về các giới vận của Đảng được xác lập, bao gồm: Ban Công vận, Ban Nông vận, Ban Thanh vận, Ban Phụ vận, Ban Quân đội vận (địch vận) và Mặt trận phản đế, đặt nền tảng toàn diện và hoàn chỉnh cho công tác dân vận của Đảng. Những tổ chức này ra đời đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng là tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng, giáo dục, vận động quần chúng, coi đây là nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Xuất phát từ thực tế lịch sử có ý nghĩa chính trị to lớn đó, Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10- là một trong những ngày của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, làm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng; năm 1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày bài báo “Dân vận“ ra đời, Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm làm “Ngày Dân vận" của cả nước.
Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, 23 năm ngày Dân vận của cả nước, 73 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận“, chúng ta vô cùng tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại về công tác dân vận của Đảng. Cả cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng, từ phương pháp công tác đến tác phong sinh hoạt của Người đều vì nước, vì dân, đều là tấm gương sáng về công tác dân vận cho chúng ta noi theo.
Đối với huyện ta, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận có những chuyển biến khá rõ nét trên nhiều mặt.
- Các cấp ủy Đảng có bước chuyển nhận thức, cụ thể hóa, ban hành nhiều văn bản tăng cường chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận của các cấp ủy từng thời điểm có đổi mới; tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện, sơ, tổng kết các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận.
- Các cơ quan Nhà nước có chú trọng tăng cường hơn việc triển khai thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính quyền, duy trì nề nếp tiếp công dân, tổ chức nhiều cuộc đối thoại, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong dân.
- Các tổ chức Mặt trận, đoàn thể chính trị- xã hội, hội quần chúng, các Ban Chỉ đạo công tác dân vận tiếp tục được kiện toàn, củng cố, ngày càng phát huy vai trò, chủ động hơn trong việc tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; có nhiều cố gắng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chuyển về cơ sở, bảo vệ và chăm lo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; nâng chất lượng nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
- Dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quân sự- quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Nhân ngày lịch sử truyền thống vẻ vang này, mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội cần bám sát các quan điểm chỉ đạo công tác dân vận của Đảng, để cách mạng thực sự là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh./.