Xác định tư tưởng quan điểm, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Từ đầu năm 2022, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương thành lập và triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhằm mục tiêu tuyên truyền để người dân nhận thức rõ, đúng, về chuyển đổi số, đồng thời đưa công nghệ số nhanh chóng lan tỏa đến mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội và đến với từng người dân.
Trên cơ sở triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 912/KH-UBND ngày 29/3/2022 của UBND tỉnh về phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bình Thuận năm 2022 và các kế hoạch liên quan về chuyển đổi số. Ngày 29/3/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 64-KH/HU, về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, UBND huyện Tuy Phong đã ban hành các Quyết định, Kế hoạch về công tác chuyển đổi số như Quyết định thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; Tổ giúp việc ban chỉ đạo chuyển đổi số; phân công nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch về phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng huyện Tuy Phong năm 2022; Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử huyện Tuy Phong, giai đoạn 2021-2025….
Hiện nay trên địa bàn huyện, các ngành đang tập trung phối hợp triển khai đảm bảo đạt được mục tiêu Xây dựng, phát triển dữ liệu số đề ra như: Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện (gọi tắt là Đề án 06). Triển khai thực hiện việc rà soát, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành Bảo hiểm xã hội bảo đảm tính liên thông, sẵn sàng kết nối, chia sẻ giữa các CSDL chuyên ngành và CSDL Quốc gia về bảo hiểm. Phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế (BHYT) trên địa bàn huyện triển khai thực hiện Công văn số 931/BYT-BH của Bộ Y tế nhằm thông báo rộng rãi đến người tham gia BHYT khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước Công dân (CCCD) gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID.
Trên lĩnh vực Chính quyền số, huyện Tuy Phong đã ứng dụng tốt chuyển đổi số vào phục vụ chỉ đạo và điều hành. Thực hiện có hiệu quả các ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan hành chính trên địa bàn huyện, đặc biệt là các ứng dụng sử dụng nền tảng chung của tỉnh (Hệ thống Phần mềm Quản lý Văn bản và Điều hành, Phần mềm Quản lý CBCCVC, Phần mềm Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh,…). Thực hiện rà soát, đề xuất danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và lộ trình thực hiện việc tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia trong năm 2022 (theo Công văn số 430/STTTT-BCVT&CNTT ngày 22/4/2022): Đến nay cấp huyện có 109 thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, mức độ 3: 39 thủ tục, mức độ 4: 70 thủ tục. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cấp xã có 15 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3: 8 thủ tục, mức độ 4: 7 thủ tục) được triển khai, đưa vào sử dụng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã thực hiện tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia: Cấp huyện (102 thủ tục): Mức độ 3: 36 thủ tục, mức độ 4: 66 thủ tục; cấp xã (14 thủ tục): mức độ 3: 8 thủ tục, mức độ 4: 6 thủ tục.
Trong lĩnh vực Kinh tế số, UBND huyện ban hành Công văn số 1517/UBND-VX ngày 23/6/2022 về việc triển khai Kế hoạch số 1751/KH-UBND ngày 03/6/2022 của UBND tỉnh về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn huyện. Phối hợp với VNPT Bình Thuận tổ chức hội nghị giới thiệu giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học trên địa bàn huyện. Chi Cục thuế khu vực Bắc Bình - Tuy Phong đã và đang triển khai, nâng cấp đầy đủ, kịp thời các ứng dụng của ngành phục vụ công tác quản lý thuế, các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế về khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế phù hợp với chiến lược chuyển đổi số Quốc gia và theo kế hoạch, lộ trình của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế.
Đối với lĩnh vực Xã hội số, giúp người dân được bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ và các tiến bộ khoa học xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, tổ chức đoàn thể chính trị tuyên truyền, hướng dẫn để người dân dần thay đổi thói quen trong thanh toán và thấy được sự tiện ích của thanh toán điện tử. Triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử,..để thực hiện thanh toán điện tử các dịch vụ như học phí, dịch vụ y tế, hóa đơn điện, nước, điện thoại…UBND huyện đã và đang chỉ đạo thực hiện việc phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông tư vấn triển khai bổ sung các phần mềm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh như: Phần mềm tuyển sinh đầu cấp; thanh toán không dùng tiền mặt ngành giáo dục; cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Phần mềm quản lý cán bộ công chức, thi đua khen thưởng của ngành nội vụ. Quản lý người có công của ngành lao động thương binh xã hội; quản lý tài chính của ngành tài chính… Tính đến ngày 15/11/2022, toàn huyện đã thu nhận 111.167 hồ sơ cấp CCCD, trong đó cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 cho 7.266 trường hợp. Đã truyền dữ liệu về Trung ương: 111.167/111.167 hồ sơ (đạt 100%); đã nhận thẻ CCCD từ C06 – Bộ Công an chuyển về: 107.884 CCCD, đã trả 107.884 CCCD (đạt 100%).
Qua thực tế, có thể thấy được, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị của huyện Tuy Phong đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, với tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 99%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 98%; họp trực tuyến ngày càng mở rộng. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện từng bước ứng dụng công nghệ số đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mở rộng thị trường; nhiều phương thức kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề mới xuất hiện góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Hạ tầng viễn thông được phủ sóng rộng trên địa bàn huyện đạt trên 95%.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Huyện ủy, HĐND & UBND huyện, sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, địa phương… Sau một năm thực hiện chuyển đổi số cấp huyện, xã trên địa bàn Tuy Phong đã đạt nhiều kết quả tích cực, các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số đều có những bước tiến triển mới, tiết kiệm được thời gian, kinh phí, giấy tờ, hồ sơ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.