Giữ gìn tổ nghiệp làng chài
Dẫn tôi đến nhà ông Trần La - Trưởng Vạn làng chài Phước Thể, ông Huỳnh Đình Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thể, nói: “Ông Trần La sống rất nghĩa tình. Đã đóng góp nhiều công sức cho vạn chài, xây dựng xóm làng no ấm”. Theo ông Dũng, là người có uy tín, ông La làm rất tốt vai trò cầu nối giữa hội vạn, ngư dân với chính quyền, vận động bà con ngư dân đoàn kết, xây dựng xóm làng, giúp đỡ nhau làm ăn, vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương...
Đón tôi trong căn nhà khá khang trang, ông La nói vui: “Tui thấy mình làm trưởng vạn lâu quá nên nhiều lần tui xin thôi, nhưng rồi bà con không chịu, cứ khăng khăng không cho tui nghỉ. Dân biển mà. Sống nhờ biển khơi nên cần thành tâm. Thôi thì chuyện xóm, chuyện làng tránh né sao được”. Từ khi sinh ra, ông đã gắn bó với con thuyền, con sóng. Đời ông, đời cha ông cũng thế, nay đến đời con, đời cháu ông cũng tiếp nối như vậy. Giờ lớn tuổi, ông mãn nguyện khi có một đại gia đình với nhiều thế hệ con, cháu, chắt ngoan hiền, nhà cửa đàng hoàng, nghề nghiệp ổn định. Tài sản của ông là con tàu, cái nghề cũng được truyền lại cho con cháu thay ông cưỡi sóng đại dương.
Bưng tách trà nóng, dấu thời gian đã phủ lên bàn tay chai sạn, nước da tuy có “đồi mồi” nhưng láng bóng bởi nắng, gió và vị mặn mòi của biển cả bao năm hun đúc, ông La kể: Khi xưa làng chài Phước Thể chỉ khoảng vài chục nóc nhà, gọi là một vạn. Miếu vạn ở vùng này có ý nghĩa là vạn chài, do những người làm nghề cá đầu tiên ở xóm chài lập nên để thờ tổ nghề. Xưa, cuộc sống ngư dân làng chài rất vất vả, thuyền nhỏ, lưới bé, đi lại khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Nay, mọi cái đã đổi thay. Mặc dù cuộc sống mới tác động nhưng người dân làng chài vẫn giữ được nhiều phong tục, tập quán của mình, đó là các kinh nghiệm đi biển, thờ cúng cá Ông. Với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, tín ngưỡng thờ thủy thần là chỗ dựa tâm linh của ngư dân. Những ngày lễ, tết, ngư dân đều đi lễ ở miếu làng. Sau chuyến đi đánh được nhiều tôm, cá và mỗi lần tai qua, nạn khỏi, ngư dân đều có lễ tạ.
Hai cái miếu vạn trong đất liền và ngoài đảo Lao Câu cách đất liền 7 cây số được xây dựng lại đàng hoàng cũng nhờ cái tình của bà con và sáng kiến của ông La. Tham gia vào hội vạn khá sớm, nhưng từ khi tiếp nhận chức trưởng vạn năm 2000, việc đầu tiên ông nghĩ đến là tu bổ, sửa sang lại các miếu vạn, bởi đó là nơi tâm linh, nơi thờ cúng tổ nghiệp nghề biển. Đích thân ông bỏ nhiều công sức đi vận động quyên tiền, xin phép chính quyền và cùng dân làng xây dựng lại miếu thờ, rồi xây lãm cất giữ nguyên vẹn hàng nghìn bộ cốt cá Ông. Hàng năm, những Ông lụy vào bờ đều được làm lễ chôn cất, thờ cúng theo phong tục.
Bấm ngón tay, ông La tính một năm có 2 lễ cúng vạn, vào rằm tháng 4 và tháng 6 âm lịch, trong đó lớn nhất là rằm tháng 4 trên đảo Lao Câu. Là trưởng vạn và chủ lễ, cứ mỗi dịp lễ cúng thì cả tháng trước đó, ông cùng Hội vạn họp bàn rồi tỏa đi thông báo, vận động đóng góp. Tiếp đến, ông lại cùng Hội vạn lo mở miếu vạn, chuẩn bị lễ vật, tổ chức lễ hát hầu ông Nam Hải, lễ hoàn nguyện tạ ơn Ông phù hộ độ trì làm ăn vượt qua sóng gió. Cực nhọc cả tháng trời nhưng đến ngày lễ, thấy bà con trong làng tề tựu đông đúc, ông mừng ra mặt. Bởi theo ông, người làng giàu hay nghèo thì việc đóng góp tùy thuộc vào từng phương tiện làm ăn. Có ngày lễ vạn thì tình làng nghĩa xóm mới bền chặt, mới giúp nhau vượt qua khó khăn trên biển.
Ông Trần La đã có một cuộc hành trình đầy nan gian, vất vả mà không hề mệt mỏi để giữ gìn, bảo tồn “di sản văn hóa” làng biển qua các nghi thức cúng tế, lễ vật, văn tế cho đến đội chèo, đoàn rước linh... Trong lễ cúng vạn, nghi thức chèo bả trạo mang nhiều ý nghĩa, coi như một sự “thành bại” trong mùa mở biển. Chừng như một sự tâm huyết và khát vọng cuộc đời, ông La đã phát huy huy tinh hoa hát múa bả trạo bằng cách xây dựng Đội chèo bả trạo, mua vận sắc phục truyền thống, truyền lại một “kho tàng bả trạo” dài ngất ngưỡng với nhiều thể dạng lễ nghi đặc sắc như Ông Nam Hải, tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ, ca ngợi Bác Hồ…
|
Ông Trần La - Trưởng Vạn làng chài Phước Thể.
|
Kết nối cộng đồng
Chiều cuối ngày, nắng hây hẩy tỏa dọc bờ kè biển Phước Thể. Ông Trần La, trưởng vạn làng chài quày quả đi trước. Vốn gốc nhà biển, lại ưa hoạt động, nên dù đã tuổi lớn nhưng dáng ông vẫn thoăn thoắt. Thấy tôi rảo bước kế bên, ông La tranh thủ kể, đời ngư phủ gắn liền với biển cả. Nhà cửa khang trang cũng từ các chuyến đi biển ấy mà có. Hồi sáng, tui đến chơi nhà đứa cháu họ. Nó bảo tòa nhà hai tầng, tầng trên ở, tầng dưới buôn bán. Việc nhà để cho vợ vừa buôn bán, vừa lo cho lũ nhỏ ăn học để nó yên tâm đi bất cứ ngư trường nào trên biển của Tổ quốc.
Dân biển quen “ăn sóng, nói gió” nên đã thành lệ, cứ sau chuyến ra khơi đối mặt với sóng gió trở về là nhậu nhẹt, hát ca. Nhiều khi anh em quá đà say sưa nên ồn ào mất trật tự trong thôn xóm. Nghe bà con than, ông La lại cùng công an thôn đi động viên anh em vui nhưng nên có chừng mực. Điều mà ai cũng thấy đó là sự hiện diện của ông cùng Hội vạn như sự san sẻ, niềm tin cho ngư dân. Trong quá trình làm ăn, mua bán hải sản, chuyện ghe tàu...ngư dân lại xảy ra xung đột, xích mích, ông La lại mất ăn mất ngủ đi khuyên nhủ, phân tích đúng sai để bà con ngư dân hiểu, nhường nhịn ôn hòa.
Từ khi lập làng đến nay, đã trải qua 7 - 8 đời trưởng vạn, nhưng ông La là người có thâm niên giữ chức trưởng vạn lâu nhất của làng chài Phước Thể. Tháng năm đi qua, đời sống vạn chài ngày càng sung túc, nhà đẹp, nhiều hộ đóng được tàu to, nhưng chỉ cái chức trưởng vạn của ông La thì vẫn chưa có ai thay thế. Điều trăn trở nhất của ông là nơi trú ngụ tàu thuyền. Mỗi khi biển nổi cơn thịnh nộ, sóng to, gió lớn hàng trăm con tàu trong vạn đã bỏ cửa biển Phước Thể mà đi các nơi khác lánh nạn, bán hải sản và tiếp nhiên liệu. Tàu không về, cửa biển trống không. Hàng quán dọc cửa biển vắng khách hơn “chùa bà Đanh”. Khổ nhất là những người mẹ, người vợ, trước đây mỗi khi tàu về là tất bật chuyển cá tôm lên bờ rồi lo chạy chợ kiếm thêm ít đồng cùng chồng san sẻ nuôi con. Lúc tàu không về, họ đâm ra thừa thải, thiếu thốn. Cánh dân chài đi bạn dở khóc, dở cười là làm ăn kiếm sống trên biển nhưng muốn về thăm nhà phải thuê xe thồ chở về quê chứ tàu có vào cửa biển Phước Thể được đâu.
Nói về ông trưởng vạn, bà con ngư dân Phước Thể ai cũng bảo ông La “tội” lắm, nhậm chức trưởng vạn không lương, “cơm nhà, áo vợ” mà lo chuyện làng, chuyện xóm chu toàn. Gặp tôi, lão ngư Sáu Hiếu ở Phước Thể, bảo: “Cái chức trưởng vạn tuy dễ mà khó, không phải ai cũng làm được. Nghề biển vốn hiểm nguy nên dân biển rất coi trọng tâm linh, hơi phần “mê tín”. Do đó, người đứng đầu trưởng vạn ngoài gia đạo, đức hạnh, uy tín tốt thì còn phải “mát tay” cho những chuyến biển an toàn, những con tàu cập bến chở nặng cá tôm”. Theo ông Hiếu, ông La giống như thuyền trưởng vậy, dẫn dắt tàu thuyền ra khơi vào lộng xuôi chèo mát máy, ngư đắc lợi. Nói mà mừng, bao nhiêu năm qua, rất nhiều tàu thuyền và ngư phủ của làng chài này “xuất binh” đánh bắt khơi xa trên mọi vùng biển của đất nước, dù gặp sóng to, gió lớn... nhưng vẫn đều cập bến an toàn. Niềm vui, nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt của ngư dân sau mỗi chuyến biển trở về.
Chia tay ông Trưởng Vạn làng chài Phước Thể khi tàu thuyền tấp nập cập bến cuối ngày, ông La bảo: “Chú thấy đó, nhờ chăm chỉ làm ăn, nhiều ngư dân không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu cho gia đình và quê hương từ chính nghề biển mà họ đã gắn bó. Làng chài Phước Thể hôm nay khác xưa nhiều lắm, nhà cửa xây dựng mới càng nhiều, cửa hàng, quán sá sầm uất, cảnh làm ăn, chợ búa nhộn nhịp...Vạn chài vui hơn khi cuối năm 2017, xã Phước Thể về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới”.