Làm việc vì cái tâm...
Buổi sáng đầu tháng 3, trời còn chưa tỏ, ông Hồ Cửu (sinh năm 1947) ở xóm 9, thôn 3 xã Phước Thể đã lục đục đẩy cái xe rác, mang theo cào, rổ, xô...ra biển. Dẫn tôi dọc theo tuyến kè biển Phước Thể, ông Cửu bảo nhà nước đã xây dựng cái kè này để bảo vệ đất đai không bị trôi xuống biển. Kè đẹp, biển đẹp vậy mà rác cứ vứt bừa bãi. Dân mình sống ở đây, vệ sinh môi trường không làm sạch thì ai làm.
Do đặc điểm đời sống vùng biển, một bộ phận cư dân còn tư tưởng “sạch nhà mình” luôn nặng hơn “sạch vì cộng đồng” nên xả thải mọi lúc mọi nơi, trong đó khu vực đầu tuyến kè biển Phước Thể được xem là “vùng nóng” của rác thái từ biển tấp vào bờ và rác từ trong thôn, xóm đổ ra. Trong cái nắng hanh hao của tháng 3, cùng với gió thổi rát mặt, ông Cửu khom lưng, đặt chiếc cán cào cỏ trên vai, dùng hai tay dằn mạnh chiếc cào trên mặt đất, lùi người kéo gom từng đóng rác. Cào xong, ông quay sang dùng rổ nhựa để sàng lọc, vì rác lẫn lộn trong cát biển không thể hốt chung được. Số rác đọng lại trên rổ, ông đem đổ vào xô, rồi kệ nệ xách từng xô rác nặng, lội bộ gần 20 m trên cát lún đến vị trí tập kết. Cứ nhẫn nại như thế, ông làm sạch chổ này, rồi chuyển sang chổ khác làm tiếp. Hơi thở hổn hiển, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, đôi tay gân guốc dính đầy rác bẩn, bước chân loạn choạng trên cát của ông đã để lại phía sau một vùng biển sạch sẽ, tươm tươi.
Thấy tôi lo ngại về sức khỏe của mình, ông cười bảo “Việc gì làm quen là được, cộng cái tâm vào thì nặng cũng thành nhẹ”. Nghe ông nói, cảm giác đầu tiên ghi nhận nơi ông là một con người rất kiên định và có ý thức trong từng lời ông nói ra. Những gì ông nói làm tôi hiểu hơn về những gì ông đang làm. Dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày ông đều ra biển lặng lẽ thu gom rác. Công việc nhìn bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng nhưng ít ai hiểu được rằng đó là cả ý thức bảo vệ môi trường sống đang dần bị ô nhiễm do con người gây nên.
Với tay quẹt mồ hôi đang đổ xuống mặt, ông Cửu bảo: “Công việc của tui chẳng thế nghỉ ngơi, sóng biển ngày nào chẳng xô bờ đem theo rác, rồi rác từ trong xóm đổ ra, mình cứ thế miệt mài làm, sạch được chừng nào hay chừng nấy”. Công việc nhặt rác quả thật không dễ, rác bẩn ở biển đủ loại, từ chai lọ, bịch ni lông, phao xốp đến xác động vật chết đã thối rữa…đều được ông Cửu phân loại từng thứ để xử lý.
Ngồi bên ông trên bãi biển lộng gió, ông bảo nhìn rác ngập ngụa mà thấy đau lòng. Nhiều nơi họ giữ sạch được sao mình không giữ. Với suy nghĩ “nên làm một việc gì đó có ích cho môi trường biển sạch hơn”, ông quyết định đi nhặt rác và coi đó như là nghĩa vụ của mình mà không hề đắn đo thiệt hơn hay đòi hỏi công quả gì. Những ngày đi nhặt rác, ông chẳng có đồ bảo hộ nên hay bị mảnh chai bể đâm tứa máu, có hôm té ngã ê ẩm cả người. Rồi cả chuyện mùi hôi thúi nồng nặc mùi thịt, cá, chuột chết…xộc lên, ông ốm cả tuần. Đưa cánh tay chai sạn vì nắng gió chỉ ra biển, ông Cửu bảo “Chú thấy không, ngoài kia là hòn Lao Câu nổi tiếng đẹp, trong này là bờ biển cát trắng uốn cong. Thiên nhiên tạo hóa cho vùng biển này nhiều thứ lắm, ngoài con tôm, con cá để ăn, còn cả một cảnh quang trong lành để sống, sao mình không biết bảo vệ, giữ lấy”. Ông kể, từ khi có Dự án bảo vệ Rùa biển ở Phước Thể, ông càng phấn khởi dọn rác bởi ông biết con Rùa ăn phải bịch ni long, vướng lưới sẽ chết. Rồi ông bảo mấy năm nay, con Rùa đã quay trở lại, nó vào bãi đẻ ở đảo Lao Câu mà còn vào trong bờ biển Phước Thể để đẻ nữa. Ông nhắc nhở mọi người không bắt rùa mà phải tạo môi trường để rùa sinh sống, phát triển.
Cứ mỗi lần ra biển, ông dành cả sức lực của mình để cào, hốt và đốt chai lọ, bị nilong, hộp xốp...Mùa bấc hay mùa nam, ngày nắng chói chang hay gió giật mịt mù, người ta vẫn thấy một ông già gầy gầy, cao cao lặng lẽ bên bờ biển cào, hốt, đốt rác mặc cho gió, nắng cứ xô lụi thụi vào người.
...để tạo ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người
Quần quật với rác ở bờ biển cả một buổi sáng mệt nhừ, ông Hồ Cửu dẫn tôi trở về nhà. Đi trên con đường bê tông xóm 9 sạch sẽ, nhà cửa khang trang, ông Cửu bảo, mấy năm nay, cuộc sống của cư dân làng biển đã có sự đổi thay, nghề biển có cái ăn nên ngư dân xây dựng được nhà cửa đẹp hơn, góp tiền làm đường giao thông, xây dựng xã Phước Thể đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Trò chuyện với người dân mới biết, chuyện vệ sinh môi trường trong thôn xóm, ông Cửu cũng có cách làm thật ý nghĩa. Trên chiếc xe đẩy rác của mình, ông in đề-cang dán lên 2 bên 2 dòng chữ “Hởi cô xóm 9, thôn 3/Cớ sao nước thải lại đổ ra ngoài đường”. Lúc đầu, nhiều người thấy hành động và khẩu hiệu tuyên truyền “hơi lạ” của ông cũng tỏ ra ái ngại, nhưng sau thấy thiết thực, gần gũi nên đã hiểu và cảm phục. Ai nấy cùng bảo ban nhau giữ gìn đường xá sạch sẽ, không đổ nước thải ra đường.
Năm nay ở cái tuổi 72, nhưng ông Cửu vẫn hàng ngày đều đặn đẩy xe, cầm cào, xô ra biển dọn rác. Trên gương mặt ông luôn nở nụ cười hãnh diện khi được hỏi về công việc tự nguyện của mình. “Nhớ những ngày đầu đi hốt rác, người dân nơi đây nói tui bị tà. Họ bảo già rồi không ở nhà nghỉ ngơi lại đi hốt rác. Mỗi người có một cách hiểu và cách làm khác nhau, miễn sao việc mình làm không hại đến ai là được”-ông Cửu tâm sự. Nhưng rồi hơn 4 năm qua, chính uy tín và việc làm của ông mà ai ai cũng quý mến ông và đặc biệt hơn, từ khi có ông Cửu dọn dẹp, tình trạng vứt rác, đổ rác thải, phế liệu ra biển, đổ nước thải ra đường đã giảm, người dân đã nhận rõ hơn trách nhiệm của công dân với bảo vệ môi trường.
Ông Trần La, Vạn trưởng làng chài Phước Thể, chia sẻ: “Chúng tôi rất biết ơn và noi theo gương của ông Cửu vì đó là hành động bảo vệ môi trường, tạo bài học cho người khác học tập và noi theo. Chính hành động của ông mà ý thức bảo vệ môi trường sống chung quanh của mọi người được nâng lên”. Theo ông La, cuộc sống của ông Cửu chẳng dư dã gì nếu không nói là còn khổ hơn người khác, vậy mà tất cả các dụng cụ như xe, cào, xô, rổ...để thu gom rác đều do ông tự bỏ tiền ra sắm, mà những đồng tiền ông có được từ việc dành dụm của con cháu chu cấp cho ông.
Hôm đến thăm ông, căn nhà nhỏ nằm nép mình trong xóm nhỏ nhưng ở đó ông hạnh phúc vì chan chứa tình yêu thương của con cháu. Bằng khen “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới xã Phước Thể năm 2017” của Chủ tịch UBND tỉnh và Bảng ghi nhận của Ban Điều hành Dự án Rùa biển Hòn Cau “vì đã có những đóng góp trong công tác vệ sinh môi trường tại xã Phước Thể và Dự án bảo vệ Rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển hòn Cau năm 2017” như là phần thưởng cho công sức của ông những năm qua. Nhưng với ông Cửu, thành công lớn nhất chính là việc làm của mình đã khiến nhiều người nâng cao ý thức, giữ gìn môi trường sống xung quanh luôn xanh sạch.
Cuộc đời của ông Cửu cũng lắm nổi vất vả. Tuy có tốt nghiệp Đại học Luật khoa Sài Gòn trước ngày Miền Nam giải phóng, nhưng vì hoàn cảnh, ông trở về quê bươn chải đủ thứ nghề để kiếm sống và nuôi 4 đứa con ăn học trưởng thành, có việc làm ổn định. Giờ ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn miệt mài làm việc vì cộng đồng. Anh Hồ Hoàng Cẩn, con trai trưởng của ông kể, ban đầu thấy ông cụ nhặt rác, cả gia đình ai cũng phản đối vì lo lắng cho sức khỏe của ông. Có lần ông cụ bị bệnh phải nằm nhà, nhưng ông vẫn dặn dò tôi “Lúc rãnh, con ra biển làm thay cha đi”. Có những lần mệt lả, chân không còn muốn bước nhưng nghĩ đến biển, ông lại “trên tay cầm cái bật lửa, cái cào và chân xỏ dép” vội vàng đi về phía biển tiếp tục nhặt những thứ đang nằm lăn lóc trên bãi biển và đem đốt.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Đặng Thiện Viên-Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thể cho biết: “Ý thức trách nhiệm vì cộng đòng của ông Hồ Cửu rất đáng ghi nhận. Mấy năm nay ông đều đặn dành thời gian ra biển thu gom và xử lý rác thải đã tạo nên một hiệu ứng rất tốt cho bà con, thanh niên, học sinh tham gia chung tay giữ gìn môi trường biển quê nhà sạch đẹp”.