Ban chỉ đạo từ huyên đến xã, thị trấn thường xuyên được củng cố, kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia học nghề theo quy định đối với lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, lao động nữ; công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động khi tham gia học nghề được chú trọng, tạo được sự chuyển biến trong cộng đồng dân cư về ý thức tự giác tham gia học nghề.
Công tác khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động hàng năm được các xã, thị trấn, cơ quan ngành cấp huyện và cơ sở đào tạo quan tâm phối hợp thực hiện ngay từ tháng 7 của năm trước nên việc định hướng và xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm chủ động. Mối liên hệ giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người học trong đào tạo nghề với giải quyết việc làm đã có sự gắn kết, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi tốt nghiệp khóa học nghề ở một số nghề phi nông nghiệp đạt cao như may công nghiệp, xây dựng dân dụng, vận tải nông thôn… Người lao động tham gia học nghề đã góp phần tích cực đạt các tiêu chí đào tạo nghề, việc làm trong phong trào xây dựng nông thôn mới và lao động sau đào tạo có việc làm đạt 80,26%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện ngày càng tăng lên, góp phần giảm tỉ lệ lao động thất nghiệp, tạo cơ hội thuận lợi cho người nghèo, lao động nông thôn có điều kiện được tham gia các lớp học nghề theo nhu cầu và được tiếp cận khoa học kỹ thuật.
Công tác phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể được tăng cường. Ủy ban nhân dân huyện thành lập Ban chỉ đạo gồm các cơ quan, phòng thuộc UBND huyện và huy động sự tham gia phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn; tổ chức 03 buổi tọa đàm giữa lãnh đạo huyện, UBND các xã, thị trấn với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp nhằm định hướng và đề ra các giải pháp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và tuyển dụng của doanh nghiệp. Mặt trận và các đoàn thể huyện, xã, thị trấn phối hợp hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho 4.300 lượt đoàn viên, hội viên tham gia học nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” gắn với việc thực hiện các tiêu chí: giảm hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tỷ lệ lao động qua đào tạo được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt một số kết quả nhất định; qua đó một bộ phận không nhỏ lao động vùng nông thôn và thành thị có việc làm và thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên.
Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn quan tâm thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng: Thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền trên hệ thống loa của các xã, thị trấn các văn bản Nhà nước liên quan công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép trong các cuộc họp dân ở thôn, khu phố, sinh hoạt của các chi tổ hội đoàn thể các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn đến đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân giúp cho người lao động nhận thức được lợi ích của việc tham gia học nghề là tiếp thu kiến thức, tăng cường kỹ năng để ứng dụng vào thực tiễn lao động sản xuất; Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện thực hiện 06 buổi phỏng vấn trực tiếp tuyên truyền chủ trương và các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cấp, phát 12.000 tờ rơi về thông tin tuyển sinh, chế độ hỗ trợ đối với người học để nhân dân tham khảo; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề tổ chức 15 lượt tư vấn tuyển sinh gắn kết với tuyển dụng lao động tại địa bàn dân cư thu hút phần lớn thanh niên và người lao động tham dự và đăng ký học nghề hoặc được tuyển dụng làm việc. Qua 5 năm thực hiện (2013-2017) toàn huyện đã tổ chức 235 lớp đào tạo 7.561 lao động; trong đó 2.284 lao động nhóm ngành nông nghiệp; 5.277 lao động nhóm ngành phi nông nghiệp. Trong đó đối tượng diện chính sách được quan tâm đào tạo nghề cho gia đình người có công 78 lao động, dân tộc thiểu số 1.028 lao động, diện hộ nghèo và cận nghèo 347 lao động, lao động nông thôn khác 6.104 người, người khuyết tật 01 người.
Số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 6.069, đạt 80,26 %; trong đó, được doanh nghiệp tuyển dụng 2.199 lao động, lao động tự tạo việc làm 3.341 lao động; tham gia Hợp tác xã, doanh nghiệp 529 lao động.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Phong được tỉnh đầu tư xây dựng, mua sắm các trang thiết bị dạy nghề phục vụ cho việc đào tạo nghề; Trung tâm hiện có 6 phòng học và 01 hội trường lớn với tổng diện tích 280m2, kho thiết bị 160m2, khối hiệu bộ 200m2 và các công trình phụ trợ 480m2 (nhà ở tập thể 320 m2, nhà xe 120m2, nhà vệ sinh công cộng 40m2). Thiết bị đào tạo nghề được đầu tư 7 gói thiết bị (thuyền trưởng, May công nghiệp, Công nghệ thông tin, đào tạo ngoại ngữ, sửa chữa máy nông nghiệp, cắt gọt kim loại, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn) với tổng kinh phí 2.290 triệu đồng. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên có 28 người; trong đó có 10 cán bộ, viên chức (5 viên chức tham gia giảng dạy các nghề xây dựng dân dụng, vận tải nông thôn, cắt gọt kim loại, sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa và lắp ráp máy vi tính), 18 cán bộ, công chức huyện thỉnh giảng các nghề nông nghiệp.
Trung tâm Dạy nghề Bắc Tuy Phong: Tổng diện tích sử dụng 19.144m2 gồm 6 phòng học lý thuyết với diện tích 381,72 m2, 03 phòng học thực hành với diện tích 553,33 m2. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên có 35 người; trong đó có 11 giáo viên cơ hữu (hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên), 24 giáo viên hợp đồng thỉnh giảng. Trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề chủ yếu do cơ sở tự đầu tư, trang bị với các nghề đào tạo gồm vận tải nông thôn, xây dựng dân dụng, may công nghiệp, lắp ráp và sửa chữa máy vi tính, tiếng Anh chuyên ngành nghiệp vụ lễ tân, chăn nuôi, trồng và chăm sóc cây Thanh long, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn.
Chương trình, giáo trình, học liệu đào tạo nghề được thực hiện khung của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định; Giáo trình do cơ sở đào tạo nghiên cứu của đơn vị khác hoặc có sẵn nhưng cơ bản phù hợp về nội dung, thời gian đào tạo và đối tượng học.
Tuy nhiên, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Một số địa phương chưa chủ động trong việc khảo sát, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trang thiết bị đào tạo nghề còn ít, có phần lạc hậu so với thực tiễn; năng lực của các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu lao động cần tuyển dụng hoặc nhu cầu đào tạo của một số doanh nghiệp; đội ngũ giáo viên cơ hữu còn ít, đa số là giáo viên thỉnh giảng; kết quả đào tạo tuy có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa thật sự đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Một bộ phận người lao động chưa tự giác tham gia học nghề để trang bị kiến thức để tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào gia đình và Nhà nước. Số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ tham gia các lớp học nghề trong những năm qua còn thấp.