Công tác lý luận được quan tâm chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đảng, nhất là việc đào tạo cán bộ nguồn về lý luận chính trị (trung cấp, cao cấp). Tính từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã đào tạo 194 đồng chí trung cấp chính trị, 06 đồng chí cao cấp chính trị. Hiện đang mở một lớp trung cấp lý luận chính trị với 70 học viên và cử 02 đồng chí học lớp cao cấp chính trị tại tỉnh. Toàn huyện đã tổ chức 213 lớp học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của đảng, bồi dưỡng chuyên môn cho 20.241 cán bộ, đảng viên. Thông qua học tập, bồi dưỡng, tuyên truyền đã góp phần không nhỏ trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; đồng thời nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin, nâng cao ý thức cảnh giác chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tuy còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài những chương trình do cấp trên quy định, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện đã thực hiện nhiều chương trình của các ngành, đoàn thể và các chương trình khác theo yêu cầu của cấp uỷ. Nội dung, chương trình giảng dạy, bồi dưỡng của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện có sự đổi mới; chương trình đào tạo, bồi dưỡng phong phú đa dạng hơn; phương pháp dạy và học lý luận chính trị được quan tâm đổi mới phù hợp với tình hình; trong đào tạo, bồi dưỡng đã tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.
Công tác tổ chức quản lý đội ngũ báo cáo viên từ huyện đến cơ sở từng bước đi vào nền nếp; phân công, điều động báo cáo viên thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực công tác chuyên trách. Đội ngũ báo cáo viên giảng viên kiêm chức được củng cố, kiện toàn. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 17 báo cáo viên, 11 giảng viên kiêm chức. Lực lượng báo cáo viên, giảng viên kiêm chức của huyện thường xuyên được thay thế, bổ sung phù hợp với cơ cấu, năng lực, trình độ của mỗi người; có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ lý luận chính trị cao cấp, kinh nghiệm trong lãnh đạo, năng lực thực tiễn và khả năng chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đến nay, đã mở 41 lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy góp phần nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong huyện.
Công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận được quan tâm, định hướng với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú hơn bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và đa dạng hoá các hình thức truyền đạt đã góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng bộ. Việc tổ chức học tập, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; việc nắm bắt, chỉ đạo giải quyết và định hướng tư tưởng, tâm trạng dư luận xã hội được duy trì và đi vào nề nếp; các chương trình, kế hoạch hành động của các chi bộ, đảng bộ cơ sở được nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả theo hướng sát thực tế, giải quyết các vấn đề cụ thể của địa phương, nhất là những vấn đề bức xúc nổi lên, như: giải phóng mặt bằng; tranh chấp đất đai; tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp; ô nhiễm môi trường; trật tự xã hội...
Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đến nay đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lý luận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Việc học tập và nắm vững các quan điểm về lý luận đã giúp cho tổ chức Đảng và đảng viên trưởng thành về nhiều mặt: phẩm chất chính trị, đạo đức cũng như năng lực lãnh đạo và công tác vận động quần chúng. Đồng thời, củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào tình hình thực tế của huyện nhà trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Một số nơi, nhất là ở cơ sở chưa coi trọng việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của cấp trên. Nhiều cơ sở chưa quan tâm xây dựng chương trình hành động phù hợp để thực hiện Nghị quyết. Một số cán bộ, đảng viên, tinh thần, thái độ học tập chưa nghiêm túc hoặc còn có tâm trạng ngại học nghị quyết. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nặng về lý thuyết, chưa cập nhật những vấn đề phát triển mới về lý luận và thực tiễn, chưa có học phần chuyên sâu, sát mô hình, mục tiêu đào tạo. Phương pháp giảng dạy chưa thật sự đổi mới mạnh mẽ.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới:
1. Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục lý luận chính trị theo chỉ đạo và xem đây là nhiệm vụ quan trọng được đặt trong tổng thể việc thực hiện Kế hoạch số 58-KH/TU của Tỉnh ủy (khóa XI) thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và Kế hoạch số 108-KH/HU ngày 28/2/2013 về thực hiện Chương trình hành động số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy (khoá XII) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” .
2. Quan tâm công tác đào tạo lý luận chính trị; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về vị trí, vai trò, tầm quan tọng của công tác lý luận chính trị trong tình hình mới.
3. Chủ động tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu phản động của thế lực thù địch, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hào bình”, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Tăng cường công tác đối thoại, tuyên truyền, phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan tuyên truyền và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong công tác giáo dục lý luận chính trị, tạo sự đồng thuận, thống nhất về tư tưởng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
4. Tập trung hơn nữa việc “hướng mạnh về cơ sở”; kịp thời kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo sâu sát việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; giải quyết những vấn đề bức xúc phát sinh nổi lên từ cơ sở không để trở thành điểm nóng./.