Để sách của Đề án thực sự đi vào đời sống và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong huyện; ngày 29/7/2013, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch số 129-KH/HU, về hướng dẫn, quản lý, sử dụng tủ sách cơ sở; theo đó, chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập “Tủ sách ở cơ sở” đặt tại điểm Bưu điện- văn hóa xã; xây dựng quy chế, ban hành nội quy hoạt động, phân công cán bộ phụ trách đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả các đầu sách được trang bị; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy theo dõi, hướng dẫn các đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả các đầu sách được trang bị theo đúng quy định, quy chế.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở ở xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan liên quan, cấp ủy các xã, thị trấn đã triển khai khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đạt được một số kết quả tích cực.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn huyện; gắn công tác kiểm tra thực hiện nhiệm vụ chính trị của các xã, thị trấn và thực hiện tiểu tiêu chí 18.4 (Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới) về “chuẩn tiếp cận pháp luật” với kiểm tra hoạt động của phòng đọc, tủ sách pháp luật và công tác quản lý sách được trang bị, luân chuyển theo Đề án trang bị sách cho cơ sở. Hầu hết các địa phương có xây dựng “Tủ sách ở cơ sở” để lưu giữ các đầu sách được cấp (lưu trữ thành 02 tủ sách: 01 tủ sách đặt tại Văn phòng Đảng ủy hoặc Trung tâm học tập cộng đồng và 01 tủ sách đặt tại Phòng Tư pháp xã với tên gọi “Tủ sách pháp luật”); bố trí cán bộ phụ trách tủ sách, có địa phương bố trí 01 phòng đọc sách phục vụ người đọc. Hiện nay, mỗi “Tủ sách ở cơ sở” có khoảng 109 đầu sách với hơn 300 cuốn sách và hơn 50 đĩa CD-ROM…Hệ thống sách và các ấn phẩm của Đề án đã trở thành thông tin chính thống, tin cậy, thiết thực, hữu ích đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Trung tâm Văn hóa thể thao- Truyền thanh truyền hình huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền một số nội dung các đầu sách, nhất là nhân dịp Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, những đợt tiếp nhận sách bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn, khẩu hiệu, các trang fanpace của địa phương… để người dân biết, tham gia tìm hiểu, nghiên cứu khi có nhu cầu. Ngoài ra, hàng năm, còn phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam: chuyển sách đến các trường học để các em học sinh trực tiếp đọc và tham khảo; tuyên truyền bằng sân khấu hóa, các cuộc thi tìm hiểu để tuyên truyền về văn hóa đọc sách cũng như việc thực hiện Đề án sách trang bị sách cho thư viện; phối hợp Thư viện tỉnh tổ chức ngày hội đọc sách nhân Ngày sách Việt Nam tại các trường học trên địa bàn huyện; tổ chức trưng bày, giới thiệu sách, báo, tạp chí nhân các ngày lễ lớn trong năm… qua đó, giới thiệu các đầu sách hiện có tại địa phương, những nội dung hay, hữu ích phục vụ nhu cầu “đọc” của người dân, góp phần hình thành thói quen đọc sách trong học sinh và một bộ phận người dân quan tâm đến sách.
“Tủ sách ở cơ sở” được trang bị nhiều loại văn bản, tài liệu cần thiết cho nhu cầu tham khảo của cán bộ và Nhân dân ở địa phương như sách chuyên đề, công báo, bản tin, tài liệu tham khảo…Đến tháng 9/2023, Thư viện huyện đã trang bị hơn 11.000 bản sách các loại; hàng năm các xã, thị trấn được cấp từ 1 đến 2 đợt sách, mỗi đợt từ 10 đến 20 đầu sách; các sách được cấp phát đa dạng, phong phú về thể loại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tham khảo, nghiên cứu, học tập, ứng dụng của cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn huyện. Riêng “Tủ sách pháp luật” trong 15 năm qua đã cung cấp trên 60 loại tờ rơi, tài liệu hỏi đáp, giải thích pháp luật với khoảng 3.000 bản, góp phần tích cực vào việc phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và Nhân dân.
Các đầu sách được cấp phát, trang bị cho cơ sở ngày càng đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc, nghiên cứu của người dân, tập trung vào việc phổ biến các chính sách, văn bản pháp luật mới, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ, công chức khối Đảng, chính quyền, đoàn thể, nội dung mới về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, các vấn đề khoa học thường thức, chăm sóc gia đình, Luật An ninh mạng... được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu nên đã thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tìm đọc, nghiên cứu, tham khảo và vận dụng vào thực tiễn công tác, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh... Các loại sách và ấn phẩm cũng đã giúp báo cáo viên các địa phương có thêm tư liệu để làm phong phú, sâu sắc hơn các bài giảng, các bài nói chuyện thời sự của Đảng, cung cấp thêm thông tin cần thiết, bổ ích, lý thú cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, góp phần quan trọng trong việc cung cấp các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở.
Qua 15 năm triển khai thực hiện “Tủ sách ở cơ sở”, một số cơ quan, địa phương triển khai, phát động nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia đọc sách, báo như: hàng năm, nhân Ngày sách Việt Nam, các thư việc của các trường học trên địa bàn huyện phối hợp với Thư viện lưu động tỉnh, Thư viện huyện tổ chức các đợt trưng bày sách tại các trường học; phong trào “Đọc và làm theo báo đội” (xã Phước Thể), phong trào “Đọc báo sáng” (Công an huyện) … tạo sự lan tỏa ra cộng đồng dân cư nhằm phát huy hiệu quả “Tủ sách tại cơ sở”.
Ngoài việc bố trí tủ sách tại Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, một số địa phương còn tiến hành luân chuyển sách về các chi bộ trực thuộc, nhà văn hóa các thôn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong việc tìm kiếm, sử dụng các đầu sách, góp phần phát huy hiệu quả, mở rộng đối tượng tiếp cận các đầu sách được cấp phát.
Một số trung tâm học tập cộng đồng đã sử dụng các ấn phẩm trên làm tài liệu giảng dạy về các vấn đề như: chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh... làm phong phú thêm nội dung và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của các trung tâm. Nhiều tập thể và cá nhân đã áp dụng những kiến thức được trang bị từ các đề án sách của Trung ương vào thực tế nghề nghiệp, hoạt động của mình, mang lại hiệu quả thiết thực.
Các ngành liên quan, các địa phương duy trì tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả sách được trang bị như: Thư viện huyện tổ chức Tuần lễ sách, trưng bày, giới thiệu sách theo từng chủ đề đến với bạn đọc; các trường học đều tổ chức Ngày hội đọc sách, hội thi kể chuyện theo sách, đồng thời lồng ghép tổ chức các trò chơi bổ ích như: đố vui khoa học, lịch sử, vẽ tranh theo bìa cuốn sách, trình bày cảm nhận về cuốn sách mà em yêu thích, chơi trò chơi phát minh khoa học… nhân Ngày sách Việt Nam 21/4 hàng năm.
Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở tiếp nhận nhiều nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt là trên Internet và các mạng xã hội, nguồn thông tin không chính thống, thiếu chuẩn xác. Mặt khác, trên thị trường xuất bản hiện nay có nhiều loại sách, báo, tạp chí chất lượng chưa đảm bảo, kiến thức, thông tin chưa được biên soạn, biên tập, thẩm định kỹ lưỡng. Do vậy, sách của Đề án là nguồn thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước cung cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở góp phần định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch.
Qua việc thực hiện Đề án đã góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao trình độ kiến thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân trên địa bàn, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, mang lại hiệu quả trong việc đưa kiến thức lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vào cuộc sống./.