Năm 2014, thôn Hiệp Đức 2, xã Chí Công là địa phương đầu tiên được Mặt trận huyện cùng với Ủy ban Mặt trận tỉnh chọn làm điểm triển khai mô hình phòng, chống tội phạm và ma túy. Sau 2 năm thực hiện mô hình, số người nghiện ma túy giảm, trong khi đó số người tham gia điều trị Methadone tăng lên 20 người; cơ quan chức năng đã bắt, xử lý 13 vụ/14 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy và trộm cắp liên quan đến ma túy từ nguồn tin báo, tố giác của nhân dân. Từ hiệu quả của mô hình này, Mặt trận huyện đã triển khai nhân rộng, đến nay đã tăng lên 33 mô hình ở 11 xã, thị trấn trong toàn huyện với sự tham gia của 18.466 hộ dân/104.015 khẩu.
Điểm nổi bật của mô hình là gắn chặt công tác phòng, chống ma túy với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, dựa vào sự đồng lòng của nhân dân và được 100% số hội viên, đoàn viên và hộ gia đình trong thôn, khu phố ký cam kết tham gia. Mô hình là cầu nối, thúc đẩy các câu lạc bộ, tổ tự quản, mô hình gia đình, dòng họ không có người nghiện ma túy, tổ công tác cai nghiện, Đội công tác xã hội tình nguyện...phát huy hiệu quả hơn, nhất là thông tin kịp thời, đầy đủ về hành vi, thủ đoạn của tội phạm và ma túy để nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn. Tùy theo từng thôn, khu phố, mỗi Ban vận động của mô hình có từ 7-14 thành viên và do Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, khu phố làm trưởng Ban. Ngay sau khi được Chủ tịch UBND xã, thị trấn quyết định thành lập, Ban vận động đã lập kế hoạch, tổ chức khảo sát, nắm cụ thể số người nghiện, gia đình người nghiện và phân loại từng hộ gia đình theo 3 nhóm với các tiêu chí: Hộ gia đình an toàn, hộ gia đình có nguy cơ và hộ gia đình có người nghiện. Sau khi nắm chắc danh sách, Ban Vận động đã thực hiện phương châm “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, trực tiếp gặp gỡ từng gia đình để thăm hỏi, động viên nhắc nhở, cung cấp kiến thức bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, giúp họ nhận biết tác hại của ma túy, tác động gia đình quan tâm giám sát, quản lý con cái, hạn chế việc lơ là, bỏ rơi để các em bị dụ dỗ, lôi kéo vướng vào ma túy. Các đối tượng nghi vấn, nhóm có nguy cơ cao được các thành viên Ban Vận động thường xuyên theo dõi để thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kịp thời từng vụ việc.
Do điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, nhiều dự án trọng điểm về công nghiệp, thương mai, du lịch dịch vụ được đầu tư, số người nước ngoài, người ngoài địa phương đến lao động, cư trú tăng nhanh dẫn đến phát sinh phức tạp về tệ nạn ma túy, nhưng với mô hình phòng chống ma túy dựa vào cộng đồng đã huy động “tổng lực” sự tham gia của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở mà trọng tâm là địa bàn dân cư, tạo chuyển biến tích cực hơn trong nhận thức của nhân dân về đấu tranh, phòng chống ma túy, góp phần làm giảm sự gia tăng số người nghiện, tội phạm và những vấn đề phức tạp có liên quan đến ma túy. Nếu trước đây tại 33 khu dân cư có 286 đối tượng nghiện ma túy thì sau khi xây dựng mô hình đã giảm được 15 người nghiện và 23/33 khu dân cư không phát sinh người nghiện mới. Ban Vận động đã cảm hóa giáo dục 249 người nghiện, trong đó đã vận động được 122 người nghiện thực hiện biện pháp cai nghiện, có 10 người cai nghiện thành công. Nhân dân đã phát hiện, tố giác cho lực lượng chức năng bắt, xử lý 17 vụ/19 đối tượng phạm tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Những địa bàn có phức tạp về trật tự xã hội, tệ nạn ma túy ở thị trấn Phan Rí Cửa, Chí Công, Hòa Minh...có những cách làm hiệu quả, tác động đến nhận thức và hành động của người dân thông qua cuộc tọa đàm “Kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống tội phạm và ma túy tại khu dân cư”; đối thoại với nhân dân về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân...
Từ năm 2016 đến nay, từ huyện đến xã, thị trấn đã tập trung triển khai khá đồng bộ nhiều các giải pháp, biện pháp đấu tranh, phòng chống và kiểm soát ma túy, trong đó quan tâm hơn đến việc tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người nghiện và số người nghiện chữa bệnh trở về địa phương sớm tái hoà nhập cộng đồng. Điển hình như xã Chí Công đã hỗ trợ vốn vay 30 triệu đồng; Đoàn thanh niên phối hợp vận động đưa 27 thân nhân, thanh niên nghiện ma túy và bí thư đoàn cơ sở vào tham quan cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Tiêu Vĩnh Ngọc ở Đồng Nai; Trung tâm y tế huyện mở thêm điểm uống Methadone tại Trạm y tế xã Chí Công, cùng với Khoa Methadone Phan Rí Cửa duy trì uống thuốc thường xuyên cho 241 người nghiện; UBND huyện cũng đa phân khai kinh phí 415 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2017 để thực hiện công tác phòng chống và kiểm soát ma túy. Bên cạnh đó, lực lượng nòng cốt là công an, biên phòng đã phối hợp, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng đã triệt phá đấu tranh, triệt phá 25 vụ/56 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật liên quan đến ma túy, đồng thời chuyển đề nghị địa phương xử lý hành chính 05 vụ/34 đối tượng. Công an đã lập trên 130 hồ sơ đưa vào diện quản lý và cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP và Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Dũng- Chủ tịch Mặt trận huyện cho biết “Mặt trận đã xây dựng mô hình ở cả 2 lĩnh vực phòng và chống ma túy trên 50% địa bàn khu dân cư. Đây là mô hình phù hợp với nguyện vọng và điều kiện của nhân dân, đạt hiệu quả bước đầu trong công tác phòng, chống ma túy, góp phần kiềm chế tệ nạn ma túy lây lan, xây dựng mô trường xã hội an toàn, lành mạng, đáp ứng cho yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”. Theo ông Phan Văn Dũng, để tiếp tục khơi dậy sức dân đấu tranh kiềm chế, đẩy lùi tội phạm ma túy, Ủy ban Mặt trận huyện đã sơ kết 33 mô hình và đang có các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đến năm 2020, tất cả 66/66 khu dân cư trên địa bàn huyện đều có mô hình phòng chống ma túy dựa vào cộng đồng./.